Vì sao các cường quốc thế giới lên tiếng về xung đột Armenia-Azerbaijan?

09:04 | 02/10/2020

623 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 29/9 đã yêu cầu các bên "chấm dứt ngay" xung đột. Trước đó, Pháp, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã lêng tiếng đề nghị Armenia-Azerbaijan kìm chế. Vì sao các cường quốc thế giới lại sốt sắng trước xung đột giữa hai quốc gia nhỏ ở vùng Kavkaz này?
2613-84045-nagornokarabakhlatest-1595241372442

Ngày 30/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pachinian cho rằng vẫn còn quá sớm để mở hòa đàm với Azerbaijan, dưới sự bảo trợ của Nga. Ông Pachinian cho biết: “Nói đến một hội nghị thượng đỉnh ba bên Armenia-Azerbaijan-Nga không thích hợp chút nào khi các cuộc giao tranh dữ dội đang diễn ra”. Đối với ông Pachinian, “để đàm phán, cần phải có bầu không khí và điều kiện thích hợp”. Trước đó ngày 29/9, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu các bên "chấm dứt ngay" xung đột. Các nhà ngoại giao ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc biết rõ là tình hình căng thẳng có nguy cơ leo thang rất nhanh, điều mà họ từng thấy nhiều lần ở Syria hay Libya, và đã quyết định hành động ngay lập tức.

Bản tuyên bố chung ghi rõ: “Các thành viên Hội đồng Bảo an lên án nghiêm khắc việc sử dụng vũ lực và lấy làm tiếc về thiệt hại nhân mạng của thường dân, theo lời khẳng định của đại sứ Niger Abdou Abarry, Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Hội đồng Bảo an ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu cả hai phe ngưng chiến ngay lập tức các trận đánh, giảm căng thẳng và nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán mang tính xây dựng”.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định "hoàn toàn ủng hộ" Mỹ, Nga và Pháp, các đồng chủ tịch của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE, và cam kết làm việc trực tiếp với các nhà ngoại giao của Azerbaijan và Armenia ở New York, nếu tình hình không được cải thiện.

2609-unnamed-7
Tổng thư ký LHQ yêu các bên "chấm dứt ngay" xung đột

Xung đột đẫm máu giữa Armenia-Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh, Kavkaz, khiến cộng đồng quốc tế, nhất là Nga, hết sức lo ngại vì nếu không ngăn chặn kịp thời, đám lửa nhỏ này có thể khiến cả khu vực và thậm chí lớn hơn bị cuốn vào.

Không khí chiến tranh đã thực sự được cảm nhận thấy ngày 27/9 khi tên lửa, máy bay, xe tăng... được sử dụng trong cuộc đụng độ mới giữa phe ly khai tại vùng Nagorno với quân đội Azerbaijian. Bộ Quốc phòng Armenia thông báo quân đội nước này đã bắn hạ 2 máy bay trực thăng của Azerbaijan và 3 máy bay không người lái để đáp trả vụ tấn công. Reuters dẫn lời cơ quan phòng vệ vùng Nagorno-Karabakh cho biết, lực lượng của vùng này đã tiêu diệt 4 trực thăng, 15 máy bay không người lái và 10 xe tăng trong vụ xung đột. Giới chức vùng Nagorno-Karabakh cho hay có 39 người, gồm cả binh sĩ và thường dân thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong vụ đụng độ mới nhất này. Hai phe cáo buộc nhau đã gây ra các hành động thù địch trước. Quốc hội Azerbaijan ngày 27/9 đã quyết định ra sắc lệnh thiết quân luật ở một số thành phố và khu vực. Quân đội Azerbaijan tái khẳng định rằng tất cả các lực lượng của họ đang trong tình trạng báo động. Trước đó, Armenia đã ra lệnh tổng động viên và thiết quân luật.

2600-ap20273607030692
Số đạn pháp quân đội Armenia bắn ở Nagorno-Karabakh

Đó những diễn biến mới nhất liên quan tới tranh chấp âm ỉ vùng Nagorno-Karabakh giữa hai nước Armenia-Azerbaijan từ 30 năm trước. Nagorno-Karabakh là một tỉnh thuộc về Armenia, nhưng năm 1921, lãnh đạo Liên Xô Joseph Staline cho sáp nhập vào Azerbaijan. Từ khi Liên Xô tan rã, Erevan và Baku lao vào đọ sức không hồi kết để giành lại quyền kiểm soát vùng đất này, nơi đại đa số dân cư là người Armenia. Năm 1994, Azerbaijan và Armenia ký thỏa thuận đình chiến sau khi Baku thất bại ê chề, để mất 13% lãnh thổ. Nhưng từ đó tới nay xung đột vẫn âm ỉ làm hơn 30.000 người thiệt mạng giữa một bên là quân đội Azerbaijan và bên kia là phe ly khai ở Nagorno-Karabakh được Armenia yểm trợ. Hai bên thường xuyên quy trách nhiệm cho nhau đổ thêm dầu vào lửa, làm cho tình hình căng thẳng. Căng thẳng giữa Baku và Erevan bùng lên trở lại từ mùa hè vừa qua. Hồi tháng 7 vừa rồi, đã xảy ra xung đột, nhưng không phải là ở Nagorno- Karabakh mà ở đường biên giới phía bắc giữa Armenia và Azerbaijan. Khi đó đã có khoảng 10 người thiệt mạng. Xung đột lần này khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khả năng Azerbaijan với Armenia lâm vào chiến tranh, gây bất ổn cho toàn khu vực Kavkaz.

Hôm 27/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi giảm căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan. "Điều quan trọng là cần nỗ lực để ngăn chặn căng thẳng leo thang trong vụ đối đầu, quan trọng hơn, cần chấm dứt thù địch”, hãng TASS dẫn lời ông Putin nêu rõ. Trước đó, Tổng thống Nga và Thủ tướng Armenia đã có cuộc điện đàm bàn về cuộc đụng độ này.

Azerbaidjan có đường biên giới với Nga. Moscow là nhà cung cấp vũ khí cho quân đội của cả Azerbaijan lẫn Armenia. Căn cứ quân sự duy nhất của Nga ở phía nam dãy Kavkaz được đặt tại Guioumri, trên lãnh thổ Armenia. Trong bối cảnh đó, Moscow không muốn xung đột giữa Azerbaijan và Armenia đe dọa ổn định trong vùng Kavkaz. Lợi ích của nước Nga là duy trì một mối quan hệ tốt với cả Erevan lẫn Baku. Có điều từ 2016 căng thẳng liên tục bùng phát giữa hai quốc gia thù địch trong khu vực này. Hơn 100 người thiệt mạng trong cuộc đụng độ đẫm máu ở Nagorno- Karabakh vào năm 2016. Gần đây hơn mùa hè vừa qua, tình hình trong khu vực cũng đã nóng lên. Vấn đề này đang khiến Moscow thêm đau đầu.

2603-41683215-45088508
Azerbaijan đáp trả

Đợt bùng phát bạo lực mới giữa Armenia và Azerbaijan có thể được giải thích bằng một số nguyên nhân. Thứ nhất là các vấn đề nội bộ của các nước xung đột. Khủng hoảng kinh tế do dầu và khí đốt mất giá khiến công luận Azerbaijan bất mãn với chính quyền Tổng thống Ilham Aliev. Do vậy, theo giới quan sát, rất có thể Baku khai thác lá bài chinh phục lại một phần lãnh thổ đã mất ở Nagorno-Karabakh để tô điểm lại hình ảnh và uy tín của mình với công luận trong nước. Tổng thống Aliev từng kỳ vọng đối thoại với Armenia bước vào một giai đoạn với Nikol Pachinian ở cương vị Thủ tướng sau cuộc cách mạng hồi mùa xuân 2018. Thế nhưng tình hình đã bế tắc. Nhiều nhà ngoại giao có tiếp xúc với Tổng thống Aliev cho biết là trái với mong đợi, Baku đánh giá Thủ tướng Armenia khai thác lá bài mị dân. Ông đã quá thường xuyên đến thị sát vùng Nagorno-Karabakh, giúp đỡ phe ly khai nâng cấp khả năng phòng thủ, trong lúc đối thoại giữa hai nước không có tiến triển. Với những toan tính trên, không dễ gì chính quyền hai nước chịu lùi bước. Dấu hiệu rõ rệt nhất là Baku vừa ban hành thiết quân luật còn Erevan thì thông báo tổng động viên.

Ngoài ra còn có nguyên nhân bên ngoài. Laurence Broers, giám đốc Chương trình nghiên cứu về vùng Kavkaz thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng Gia Anh, Chatham House, nhận định, sở dĩ Tổng thống Aliev mạnh dạn trong vụ Nagorno-Karabakh là nhờ có sự yểm trợ của chính quyền Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ - láng giềng sát cạnh Armenia nhưng lại mạnh mẽ yểm trợ Azerbaijan. Tổng thống Erdogan ngay từ ngày 27/9 đã trực tiếp quy trách nhiệm cho chính quyền Armenia gây trở ngại cho hòa bình trong khu vực. Sau đó cùng ngày, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngoài cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh. Ông Pashinyan cho rằng lối hành xử của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với Nam Kavkaz và các khu vực lân cận.

Nói cách khác, nếu căng thẳng không nhanh chóng giảm cường độ giữa Armenia và Azerbaijan thì có nguy cơ Nagorno-Karabakh lôi kéo nhiều quốc gia khu vực khác vào một cuộc đối đầu nguy hiểm hơn, dài hơi hơn. Khi đó, bắt buộc Nga phải lên tiếng và chọn đứng về phe nào. Quan hệ giữa Moscow với Ankara vốn đã rất phức tạp giờ đây có nguy cơ càng trở thành một khó khăn với Tổng thống Vladimir Putin nếu như khủng hoảng tại Nagorno-Karabakh không nhanh chóng tìm ra ngõ thoát. Giới phân tích lo ngại Nagorno-Karabakh có thể trở thành ngòi nổ cho một cuộc đọ sức về mặt địa chính trị với những hậu quả khó lường, giữa một bên là Erevan vốn đã có một thỏa ước phòng thủ với Moscow và bên kia là mối quan hệ gắn bó giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Đó là chưa kể đến lập trường của Iran có đường biên giới bọc ở phía nam với cả Armenia lẫn Azerbaijan và Tehran đã đứng về phía Erevan. Ngày 27/9, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết trong một tweet rằng Iran sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại giữa Armenia và Azerbaijan. “Iran đang theo dõi sát sao tình trạng bạo lực đáng báo động ở Nagorno-Karabakh. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và chúng tôi đề nghị đối thoại để giải quyết những tranh chấp. Các nước láng giềng là ưu tiên của chúng tôi và chúng tôi sẵn sàng làm mọi cách để khuyến khích khởi động đối thoại. Khu vực của chúng tôi cần hòa bình ngay bây giờ”.

Liên minh châu Âu, Mỹ cũng rất lo sợ cuộc xung đột này bùng phát. Sau các cuộc đụng độ đẫm máu hồi năm 2016, Nga, Pháp, Mỹ đã phải đứng ra làm trung gian hòa giải. Rõ ràng khi các cường quốc trên thế giới phải lên tiếng vì một xung đột mang tính khu vực, điều đó chứng tỏ là giao tranh vì một vùng đất chưa đầy 12.000 km2 có thể vượt ngoài tầm kiểm soát của tất cả các bên.

Armenia-Azerbaijan đang nổ ra chiến tranh thực sự?Armenia-Azerbaijan đang nổ ra chiến tranh thực sự?
UAV Azerbaijan phá hủy tên lửa, kho đạn ArmeniaUAV Azerbaijan phá hủy tên lửa, kho đạn Armenia
Điều tra đường dây buôn bán trẻ em ở ArmeniaĐiều tra đường dây buôn bán trẻ em ở Armenia

H.Phan

AFP