Giải ngân, sao khó thế?

06:50 | 01/07/2024

117 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đã bước sang ngày đầu của tháng 7, ngày đầu sáu tháng cuối năm. Thời gian trôi qua quá nhanh. Và câu hỏi treo lơ lửng trên đầu các nhà quản lý vẫn là: Làm sao giải ngân được vốn đầu tư công để phát triển sản xuất?

Câu hỏi ấy luôn hối thúc các nhà lãnh đạo, quản lý, các đơn vị đang trực tiếp thực hiện các dự án. Có vị Tổng giám đốc nói một cách hình tượng rằng, lúc nào cũng như có đàn sói đuổi sau lưng. Vì sao thế? Vì sáu tháng đầu năm chưa “tiêu được tiền” thì gánh nặng dồn sang sáu tháng cuối năm. Vì đã 4-5 năm nay, cứ rút kinh nghiệm hoài về việc chậm giải ngân, không giải ngân được. Một số địa phương, đơn vị phải mang tiền đi... trả. Vì “vướng” quá nhiều cơ chế, thủ tục phiền hà.

Đương nhiên, khi xem xét phải thấy rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vướng đâu thì gỡ đấy. Nhưng gỡ mãi không xong thì cần tính toán một cách đồng bộ, căn cơ hơn. Có chẩn đúng bệnh mới bốc đúng thuốc.

Sáu tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 28% kế hoạch. Mặc dù nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã nỗ lực cao, thực hiện nhiều giải pháp nhưng kết quả vẫn còn hạn chế, có người nói hình tượng “vừa leo dốc vừa thở ra đằng tai”. Tỷ lệ giải ngân tính đến hết ngày 30/6 mới đạt 28% kế hoạch. Xin lưu ý, kết quả này tương đương nửa đầu năm 2023: 28,63%.

Giải ngân, sao khó thế?
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Con số cụ thể như sau: 12/44 bộ, cơ quan Trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Còn các đơn vị không đạt yêu cầu giải ngân là 32/44 bộ, cơ quan trung ương, 26/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% là Hải Dương, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên. Tại 9 dự án trọng điểm quốc gia ngành Giao thông vận tải, tổng số vốn giải ngân là 21.920,18 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,1% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0%, như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội...

Những con số đã nói lên tất cả. Nó không không cho phép sự chờ đợi, đủng đỉnh. Nó đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt về cơ chế, chính sách và về con người chỉ đạo, con người thực hiện.

Tại các cuộc họp, từ diễn đàn Quốc hội đến các kỳ họp HĐND các tỉnh, thành phố, chúng tôi thấy nhiều ý kiến rất thẳng thắn, mạnh mẽ, nêu lên những giải pháp có thể cân đo đong đếm được. Trước hết, cần nhắc lại, vốn đầu tư công là nguồn vốn rất quan trọng, nhằm dùng phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn vốn cho đầu tư công như: Vốn từ ngân sách Nhà nước; vốn từ những nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị doanh nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, vốn đầu tư công là vốn đi vay, phải trả lãi, nên phải quản lý thật chặt. Nếu không cố gắng giải ngân sẽ dẫn tới tình trạng ném tiền qua cửa sổ, gây lãng phí, thất thoát. Giải ngân vốn mà cứ “như rùa bò” không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà còn gia tăng áp lực trả nợ.

Vậy điểm nghẽn ở đâu? Các nhà nghiên cứu, quản lý đều thống nhất cho rằng, phổ biến nhất là do công tác chuẩn bị dự án còn chưa kỹ, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; do việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng thực hiện, bố trí vốn còn dàn trải. Ở không ít nơi, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, mặc dù nói thì rất hăng, nhưng làm thì trù trừ, “sợ tiêu tiền công” khi không có... lợi ích riêng.

Có ý kiến phân tích, có tiền mà không tiêu được không hẳn do chính sách vướng mà chủ yếu do thực thi dẫn tới dòng tiền chậm được đưa vào phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm ảnh hưởng tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Rồi hệ thống pháp luật quy định chưa đồng bộ và việc triển khai thực hiện các quy định còn lúng túng, có khi công văn cấp dưới “đá” công văn cấp trên, “thủ kho to hơn thủ trưởng”.

Về năng lực quản lý của các cấp, nhất là ban quản lý dự án hiện vẫn là khâu yếu. Trong khi đó, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Có một nguyên nhân khách quan cần chú ý để điều chỉnh, bổ sung các chính sách, quy chế, đó là sự biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển; việc huy động các lao động, nhà thầu, máy móc, trang thiết bị cũng bị gián đoạn; công tác thi công và tích lũy khối lượng thường dồn vào cuối năm để nghiệm thu và phụ thuộc vào tiến độ của hợp đồng...

Trong cái khó thường ló cái khôn, thường xuất hiện những con người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Tại cuộc họp HĐND TP Hồ Chí Minh mới đây, có những ý kiến đề cập đến trách nhiệm người lãnh đạo. Trách nhiệm ấy của Bí thư, Chủ tịch, của Giám đốc Sở, Giám đốc dự án, Giám đốc tài chính đến đâu, không nên nói trách nhiệm chung chung. Cần phải quyết liệt, dũng cảm hơn nữa, không chỉ trong giải ngân đầu tư công, mà ở tất cả các lĩnh vực khác, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, đá bóng sang chân người khác. Đó là việc còn chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; trả lời, hướng dẫn không rõ ràng, chỉ nêu chung chung quan điểm; có những vấn đề thuộc thẩm quyền nhưng cũng “xin ý kiến” khắp nơi cốt để an toàn. Nói sát ván hơn là những ý kiến đề nghị, tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết, theo Quy định 148-QĐ/TW (ngày 23/5/2024) của Bộ Chính trị. Quy định này nêu rõ: “Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Vậy là chuyện giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến nhiều việc lớn, đến công tác cán bộ, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Khi chúng ta nói, cả hệ thống chính trị vào cuộc, phải chú ý những việc cụ thể như thế. Không thể cứ nói hoài câu chuyện “chậm giải ngân vốn đầu tư công”. Lối ra đã rõ. Vấn đề là chọn con đường, bước đi như thế nào?

4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư dự kiến đạt gần 116.000 nghìn tỷ đồng4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư dự kiến đạt gần 116.000 nghìn tỷ đồng
Hơn 300 dự án có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0%Hơn 300 dự án có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0%
Bộ Tài chính đề xuất loạt giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ODABộ Tài chính đề xuất loạt giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ODA

Hải Đường

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc