Giải mã cho hiện tượng "xe tự cháy"

08:31 | 23/12/2011

400 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên tiếp những vụ cháy, nổ xe máy, ôtô xảy ra trong thời gian gần đây. Riêng ở Hà Nội, Cảnh sát PCCC đã thống kê được trong 1 năm đã có tới 40 vụ cháy ôtô, xe máy, gây thiệt hại hàng tỉ đồng, trong số này có tới 11 vụ cháy xe máy khi đang lưu thông trên đường. Điều đáng nói là chỉ có 3 trong số 11 vụ trên xác định được nguyên nhân…

Trách nhiệm không chỉ thuộc về CSPCCC

Ba vụ cháy xe máy xác định được nguyên nhân gồm một vụ cháy xe Attila ngày 20/1/2011, tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh do sự cố điện, một vụ do bị đốt và vụ chiếc SH tự đổ gây cháy. Các vụ còn lại đều chưa xác định được nguyên nhân. Nhiều người cho rằng, trách nhiệm xử lý những vụ cháy xe này thuộc về lực lượng Cảnh sát PCCC.

Đại tá Tô Xuân Thiều – Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội phân tích: Trách nhiệm của việc điều tra thuộc về Cơ quan điều tra, còn Cảnh sát PCCC chỉ có nhiệm vụ dập tắt đám cháy chứ không có quyền điều tra nguyên nhân vụ cháy. Việc trưng cầu giám định cũng phải do Cơ quan điều tra cấp quận, huyện trở lên thực hiện, Cảnh sát PCCC chỉ có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan điều tra trong công tác khám nghiệm. Viện Khoa học hình sự sẽ kết luận nguyên nhân và trả lời cho Cơ quan điều tra chứ không trả lời cho Cảnh sát PCCC.

Thực tế là chỉ có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, điển hình như vụ nổ xe máy tại thôn Sơn Nam, thành phố Bắc Ninh, Cơ quan điều tra vào cuộc mới trưng cầu giám định để điều tra nguyên nhân. Cảnh sát PCCC hiện không có chức năng điều tra hình sự, không có cơ quan giám định, không có chức năng trưng cầu giám định nên làm rõ nguyên nhân phải mời cơ quan khoa học hình sự vào cuộc và phải có kinh phí thực hiện, trong khi năng lực tài chính của Cảnh sát PCCC về vấn đề này còn hạn chế.

Ôtô tự cháy

Tuy nhiên, Thượng tá Đào Thanh Hải – Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CA Hà Nội) cho biết, Cơ quan điều tra không tham gia điều tra các vụ cháy xe máy nếu không có dấu hiệu hình sự. Để tìm nguyên nhân cháy của các vụ tai nạn này, chỉ có Cảnh sát PCCC và Phòng Kỹ thuật hình sự phối hợp khám nghiệm.

Rò xăng và chập điện?

Chiều tối ngày 18/12 vừa qua, một chiếc ôtô khách đang chạy qua thị trấn Đại Nghĩa, Mỹ Đức, Hà Nội thì bỗng dưng bốc cháy. Lái xe, hành khách nháo nhào thoát khỏi chiếc xe 29 chỗ và bất lực nhìn chiếc xe nhanh chóng biến thành đống sắt xám xịt. Trước đó vài tiếng, một chiếc Mercedes E300 cũng bất ngờ cháy đùng đùng tại ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến. 4 người trên xe cùng người dân quanh đó nỗ lực dập lửa nhưng không cứu được. Tiếp theo diễn biến những vụ cháy xe máy, giữa tháng 12 này, chiếc Air Blade của chị Đào Hoàng Nhật Linh cũng bốc cháy trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội khi chủ xe đang trên đường đi học về. Chiếc xe này mới được sử dụng hơn 1 năm và chưa từng hỏng hóc…

Những vụ cháy nổ xe máy, ôtô diễn ra với mật độ dày khiến dư luận hoang mang. Một số chuyên gia kỹ thuật thử tìm nguyên nhân của hiện tượng này. Theo đó, giống như những hiện tượng cháy khác, không tính đến ôxy thì khi cháy xe phải có hai yếu tố: mồi lửa và vật cháy hoặc chất cháy. Nhiều khả năng xe máy tự nhiên bốc cháy là do việc hở đường ống dẫn xăng, xăng tràn ra khiến chập ắc quy, chập điện và bùng cháy.

Tiến sĩ Lê Hồng Quân – Trưởng khoa Công nghệ ôtô, Đại học Công nghiệp cho rằng: Nhiều khả năng nguyên nhân chính của các vụ là do chập điện. Chập điện có thể do rò xăng và cũng có thể do dây điện của xe có chất lượng kém. Mà rò xăng thì vốn là chuyện thường thấy ở xe máy, ôtô. Còn dây điện chất lượng kém thì dễ dẫn tới hiện tượng đánh tia lửa điện gây cháy. Đa số ý kiến của các chuyên gia cho rằng, bản thân chủ phương tiện phải chú ý bảo dưỡng xe định kỳ, không loại trừ nguyên nhân môi trường và nguyên nhân xe không qua kiểm định chất lượng.

Quy trình kiểm định?

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của các vụ cháy nổ xe cần phải được xem xét từ khâu xuất xưởng xe, đối với cả xe lắp ráp trong hay ngoài nước. Không thể để khâu kiểm soát lắp ráp xe cho các doanh nghiệp tự thực hiện. Vì theo quy trình của nước ngoài, khi sản xuất xe ôtô hay môtô, khâu kiểm định tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng vào từng bộ phận, từng hệ thống. Khi kiểm tra thấy đạt chuẩn thì mới dán tem kiểm định để chuyển sang lắp ráp. Tuy nhiên, hiện ở nước ta các doanh nghiệp đều sản xuất xong cả chiếc xe thì mới đưa đi kiểm định, đánh giá dựa trên tổng thể chung của sản phẩm. Chính điều này khiến người tiêu dùng trở nên hoang mang về khâu kiểm định.

Xe máy tự cháy trên đường phố

Với những thắc mắc về việc kiểm định chất lượng xe. Ông Đỗ Hữu Đức, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT cho biết: Việc kiểm tra xe gắn máy sản xuất lắp ráp được thực hiện theo quy trình đã được quy định cụ thể của Bộ GTVT. Nếu chiếc xe mẫu được kiểm tra, thử nghiệm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và kết quả của việc đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất phù hợp với quy định thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp giấy chứng nhận cho kiểu loại xe đó. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, cơ sở sản xuất được phép lắp, tự kiểm tra và cung cấp ra thị trường các xe cùng kiểu loại sản xuất hàng loạt và có trách nhiệm duy trì chất lượng sao cho các xe sản xuất hàng loạt đúng với xe mẫu đã được thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận. Quy trình này cũng là quy trình chung đã và đang được các nước trên thế giới và các nước trong khu vực áp dụng từ nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra công tác duy trì hệ thống kiểm tra chất lượng các xe sản xuất hàng loạt của doanh nghiệp sản xuất xe không chỉ được Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành khi có khiếu kiện hoặc khi xảy một vụ việc nào đấy mà được tiến hành định kỳ hàng năm.

Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đỗ Hữu Đức phân tích thêm: Không nên bỏ quên khía cạnh bảo dưỡng, sửa chữa ôtô, xe máy. Bởi hiện nay, ở nước ta không có tiêu chuẩn nào quy định cho việc mở cửa hàng bảo dưỡng, sửa chữa xe gắn máy. Ai cũng có thể mở được, dù việc sửa chữa xe liên quan trực tiếp đến độ an toàn của xe và người điều khiển khi tham gia giao thông. Chủ phương tiệân cần nhìn nhận lại cách vận hành và bảo quản xe của mình. Bởi bên cạnh những lỗi kỹ thuật hay sự cố rò xăng, chập điện thì cách sử dụng xe cũng đóng vai trò rất lớn trong việc bảo đảm chất lượng phương tiện. Nếu xe được vận hành quá công suất hay không được bảo dưỡng thì các thiết bị sẽ xuống cấp, chế hòa khí có thể bị thấm xăng, khi nhiệt độ tăng cao và gặp xăng cũng sẽ gây ra cháy.

Đặc biệt là không nên “tự chế”, “độ” xe. Ví dụ dòng xe SH được nhập nguyên chiếc về Việt Nam thường không có công tắc đèn đêm nên nhiều người đã đưa xe tới các cửa hàng sửa xe để “chế” thêm, dẫn đến áp suất dòng điện trong xe lớn. Việc lắp thêm thiết bị điện khác không đúng kỹ thuật vào xe cũng có thể gây chập điện và gây cháy.

Phú Vinh