Giá vàng hôm nay 19/6 mất giá mạnh, giới chuyên gia kỳ vọng vàng “quay xe” vào tuần tới
Giá vàng bước vào tuần giao dịch từ ngày 13/6 với xu hướng tăng do tâm lý lo ngại rủi của nhà đầu tư trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tiếp tục leo thang, thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm điểm, nhà đầu tư chuyển trạng thái sang “phòng thủ” khi các yếu tố rủi ro ngày một lớn.
Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị bất ổn ở nhiều khu vực và giá dầu neo ở mức cao, đe doạ nỗ lực kiểm soát lạm phát của các nước cũng thúc đẩy giá vàng đi lên. Xu hướng tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước cũng dấy lên không ít lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu khí nó sẽ làm tăng các loại chi phí sản xuất, quản lý doanh nghiệp cũng như khả năng tiêu dùng của người dân.
Ảnh minh hoạ |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.876,17 USD/Ounce; trong khi giá vàng thế giới giao tháng 8/2022 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.879,1 USD/Ounce.
Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ đã xảy ra trong phiên giao dịch ngày 14/6 khi giá vàng lao dốc mạnh sau dữ liệu lạm phát Mỹ được công bố ở mức cao nhất 42 năm và lợi suất trái phiếu Mỹ đi lên. Nhiều nhà đầu bán vàng để bù lỗ cho các khoản đầu tư chứng khoán khi hầu hết các thị trường đều giảm điểm trước lo ngại về cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài. Diễn biến tiêu cực của dịch Covdi-19 ở Trung Quốc cũng làm gia tăng tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trên các thị trường.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 14/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.819,07 USD/Ounce, giảm khoảng 57 USD so với cùng thời điểm ngày 13/6. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 8/2022 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.822,6 USD/Ounce, giảm 9,2 USD/Ounce trong phiên.
Đà giảm giá của kim loại quý tiếp tục duy trì trong phiên giao dịch cuối tuần khi thị trường đặt kỳ vọng Fed sẽ tăng mạnh lãi suất sau khi dữ liệu lạm phát Mỹ ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, lạm phát Mỹ đã được ghi nhận ở mức 8,6% trong tháng 5/2022, mức cao nhất kể từ năm 1981 đến nay trong bối cảnh giá lương thực, giá xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Nhưng không chỉ tại Mỹ, lạm phát cũng đang ám ảnh, đè nặng các nền kinh tế châu Âu khi mà giá năng lượng và lương thực tăng cao trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài, nhiều lệnh trừng phạt được Mỹ và các nước đồng minh áp dụng với Nga.
Tình trạng bất ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do diễn biến dịch bệnh ở Trung Quốc và bất ổn địa chính trị tiếp tục đè nặng, tạo áp lực ngày một lớn với triển vọng kinh tế toàn cầu. Theo giới chuyên gia, điều này phần nào đã hạn chế, hỗ trợ giá vàng hôm nay không lao dốc, mất mốc 1.800 USD/Ounce.
Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi Fed công bố quyết định tăng mạnh lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đồng USD suy yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, bất ổn.
Đồng bạc xanh suy yếu khi mà quyết định tăng lãi suất của Fed không gây bất ngờ với thị trường và thực tế đã phản ánh trong quãng thời gian đó. Tuy nhiên, ở diễn biến khác, Fed đã bày tỏ sự thận trọng đối với việc kiểm soát lạm phát.
Phát biểu sau cuộc họp ngày 15/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để thực hiện thêm các đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông Powell cũng thừa nhận lạm phát ở Mỹ đang khó kiểm soát.
Theo giới chuyên gia, quyết định của Fed sẽ tạo áp lực lớn lên ngân hàng trung ương các nước và có thể tạo ra hiệu ứng domino, kéo mặt bằng lãi suất toàn cầu đi lên.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 17/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.850,49 USD/Ounce; trong khi giá vàng thế giới giao tháng 8/2022 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.854,0 USD/Ounce.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, khi đồng USD bật tăng mạnh trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh.
Chốt tuần giao dịch, giá vàng hôm nay ghi nhận giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.839,49 USD/Ounce; trong khi giá vàng thế giới giao tháng 8/2022 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.841,9 USD/Ounce.
Tại thị trường trong nước, theo diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng có tuần giao dịch biến động mạnh, tăng giảm liên tục trong các phiên. Khép tuần giao dịch, giá vàng ngày 19/6 ghi nhận giá vàng SJC được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 67,85 – 68,65 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra); còn tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 67,80 – 68,65 triệu đồng/lượng; Phú Quý SJC niêm yết giá vàng 9999 tại Hà Nội ở mức 67,85 – 68,60 triệu đồng/lượng; trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 67,86 – 68,58 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong tuần giao dịch từ ngày 13-17/6 đang trên đà giảm trong bối cảnh đồng USD mạnh hơn và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một lớn. Tuy nhiên, giới chuyên gia kỳ vọng, giá vàng tuần tới sẽ tìm được sự ổn định, có khả năng quay đầu tư đi lên do tâm lý rủi ro của nhà đầu tư sẽ thúc đẩy các nhu cầu nắm giữ tài sản đảm bảo.
Kết quả khảo sát xu hướng giá vàng hàng tuần của Kitco News, trong 15 chuyên gia thì có 5 ý kiến kỳ vọng giá vàng tăng; 3 ý kiến nhận định giá vàng giảm; và có 7 ý kiến tin rằng giá vàng đi ngang.
Còn với 1.145 phiếu khảo sát trực tuyến trên Main Street có 648 phiến cho rằng giá vàng tăng, 280 phiếu cho rằng giá vàng giảm và 219 phiếu nhận định giá vàng đi ngang.
Minh Ngọc