Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Giá nào cho sự tráo trở?

11:00 | 06/09/2014

6,713 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây chưa đầy 2 tháng, Pháp còn khẳng định chắc nịch sẽ giao chiến hạm Mistral cho Nga theo hợp đồng nhưng nay Paris đã nuốt lời hứa trước sức ép của các đồng minh phương Tây. Tiền đền bù hợp đồng cho Nga có thể không thành vấn đề nhưng uy tín của Pháp trên trường quốc tế sẽ khó đo đếm được bằng tiền bạc.

Chiến hạm Mistral của Pháp đã được đóng xong nhưng chưa thể bàn giao cho Nga vì lý do chính trị.

 

Ngày 3/9/2014, Tổng thống Pháp François Hollande thông báo do tình hình “nghiêm trọng” hiện nay, Pháp hoãn việc giao tàu chiến Mistral cho Nga. Thông cáo của Điện Elysée ghi rõ “hành vi của Nga tại miền Đông Ukraina trái ngược lại với những nền tảng an ninh của châu Âu”.

Vậy là cuối cùng ông Hollande cũng không chịu nổi sự chỉ trích của các đồng minh trong thương vụ mua bán vũ khí với Nga, nhất là trong bối cảnh phương Tây đang đổ riệt tình hình bất ổn tại Ukraina cho Nga.

Mới đây thôi, ngày 22/7/2014, tuyên bố trước báo chí tại Paris, Tổng thống Pháp khẳng định rằng: “Chiến hạm Mistral thứ nhất theo hợp đồng đã hầu như hoàn tất và sẽ được giao như dự kiến vào tháng 10/2014. Hiện chưa có mức độ trừng phạt nào được quyết định có thể ngăn trở được việc này. Còn chiếc Mistral thứ hai thì còn tùy thuộc vào thái độ của Nga”.

Là chiến hạm đa năng tối tân, có cả bệnh viện trên tàu, chiếc Mistral đầu tiên theo đặt hàng của Nga mang tên Vladivostok được đóng cả ở Saint-Nazaire (Pháp) và Saint-Petersbourg (Nga), có thể chở theo 16 trực thăng, giúp đổ bộ 450 quân cùng lực lượng cơ giới. Chiếc thứ hai, do một trùng hợp tình cờ, mang tên Sebastopol – cảng của thành phố Crưm, nơi Hải quân Nga trú đóng – theo dự kiến sẽ giao vào cuối năm 2015. Hợp đồng còn để ngỏ khả năng mua thêm hai chiếc Mistral nữa, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay khó thể thành hiện thực.

Ông Hollande bất ngờ đưa ra tuyên bố trên vì trong khi các nước EU đang tập trung trừng phạt Nga thì Pháp vẫn tiếp tục “làm ăn” với Moskva. Nói như Thủ tướng Anh David Cameron thì Pháp “chơi không đẹp”. Còn Tổng thống Mỹ Bacrack Obama nói rằng tốt nhất Paris nên ngưng lại việc giao chiến hạm này.

Quyết định của ông Hollande vẫn giao chiếc Mistral đầu tiên cho Nga bất chấp phản đối của Anh và Mỹ, đã được các chính khách Pháp lên tiếng ủng hộ. Tổng thư ký đảng Xã hội Jean-Christophe Cambadélis cho rằng ông Hollande khi đặt điều kiện như vậy đã gây áp lực lên Moskva. Theo ông, các chỉ trích của Anh - nơi thị trường tài chính có sự tham gia của nhiều đại gia Nga - mang tính mị dân.

Rohan Jardin, đại diện nghiệp đoàn đóng tàu Pháp, nói rằng: “Chiếc tàu đã đóng xong và Nga đã trả tiền, nếu không giao hàng là không bình thường”. Ông nhấn mạnh, chiếc Mistral sẽ được giao không trang bị vũ khí: “Chúng tôi chỉ là người gia công trong vụ này. Tàu được giao cho Nga, bán cho nước khác hay đậu tại cảng để chờ đợi tình hình Ukraina hòa dịu hơn, không phải là việc của chúng tôi”.

Sự “nuốt lời” hôm 3/9 của ông Hollande lập tức được Mỹ, Anh và nhiều nước trong vùng Baltic tán đồng nhưng lại bị giới công đoàn Pháp phản đối kịch liệt. Đơn giản là sẽ có hàng nghìn công nhân đóng tàu thất nghiệp vì hợp đồng bán tàu cho Nga bị hủy.

Năm 2011, Nga ký kết hợp đồng mua hai chiếc tàu chiến Mistral của Pháp với tổng trị giá 1,2 tỷ euro. Trong trường hợp hủy hợp đồng, Pháp chẳng những thất thu 1,2 tỷ euro mà còn phải bồi thường cho phía Nga 5 tỷ euro. Với cường quốc số 5 thế giới như Pháp, khoản tiền 5 tỷ euro có lẽ chẳng thấm vào đâu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nợ công đầm đìa thì 7,2 tỷ euro sẽ khiến lãnh đạo Pháp suy nghĩ.

Nếu bỏ qua yếu tố tiền bạc, vụ phá vỡ hợp đồng với Nga là vố đau cho uy tín kinh doanh của Pháp trên trường quốc tế. Cựu Bộ trưởng đảng cánh hữu UMP ở Pháp, Xavier Bertrand nhấn mạnh đến quyền tự quyết quốc gia. Ông cho rằng lời cam kết và chữ ký của nước Pháp phải được tôn trọng, nếu không giữ lời hứa thì Paris không thể đóng được vai trò nào trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Ngoài ra, sau vụ này còn nước nào dám mua bán vũ khí với Pháp?

Nh.Thạch

tổng hợp