Giá dầu sụp đổ - Hệ lụy nhãn tiền - Kỳ cuối

06:00 | 01/04/2020

1,269 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ các quốc gia vùng Vịnh đang chịu nhiều áp lực. Sau Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Qatar và Oman cũng đã công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của họ với tổng trị giá khoảng 85 tỉ USD, một phần trong số đó được dùng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Kỳ cuối: Nhanh chóng ứng phó, vượt qua khủng hoảng

Là nước khơi mào cuộc chiến giá dầu với Nga sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng thất bại, Arập Xêút đã bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng giá dầu lần này.

gia dau sup do he luy nhan tien ky cuoi

Sàn giao dịch chứng khoán Arập Xêút tràn sắc đỏ ngày 9-3

Ngày 21-3-2020, Arập Xêút đã bắt đầu áp dụng một loạt các biện pháp, bao gồm cắt giảm ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính Arập Xêút Mohammed Al-Jadaan cho biết, Riyadh đã phê duyệt giảm một phần các khoản chi ngân sách nhất định, ít có tác động kinh tế và xã hội nhất. Mức độ cắt giảm khoảng 50 tỉ riyal, tương đương hơn 12 tỉ euro, chiếm chưa đến 5% tổng chi tiêu được phê duyệt trong ngân sách năm 2020.

Theo Capital Economics, tác động kết hợp của dịch Covid-19 và sự sụt giảm giá dầu sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của Arập Xêút trong năm 2020 từ 6,4% lên 16% GDP. Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc phụ trách Tây Á cho biết, Arập Xêút đang mất khoảng 550 triệu USD mỗi ngày do giá dầu giảm và dịch Covid-19.

Cùng với Arập Xêút, hàng loạt những quốc gia vùng Vịnh khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh thu quốc gia của 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, trong khi nhu cầu dầu mỏ đang giảm do dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, nước tiêu thụ 1/5 sản lượng dầu của vùng Vịnh, cộng thêm với việc Riyadh phát động cuộc chiến giá dầu với Moscow lại càng làm cho giá dầu rớt thê thảm.

Từ đầu tháng 3-2020, 7 sàn giao dịch chứng khoán trong khu vực đã sụt giảm nghiêm trọng, các thị trường chứng khoán Dubai và Abu Dhabi cũng như Kuwait bị mất hơn 1/3 giá trị. Thị trường chứng khoán Arập Xêút, lớn nhất trong khu vực và là 1 trong 10 thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới, cũng giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2019. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Saudi Aramco đã mất 12% giá trị kể từ ngày 1-3-2020, giá trị vốn hóa đã giảm xuống còn 1.570 tỉ USD, thua xa so với con số 2.000 tỉ USD đạt được kể sau phiên IPO vào đầu tháng 12-2019.

Chính phủ các quốc gia vùng Vịnh đang chịu nhiều áp lực. Sau Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Qatar và Oman cũng đã công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của họ với tổng trị giá khoảng 85 tỉ USD, một phần trong số đó được dùng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Nhưng, thị trường chứng khoán không phải là nạn nhân duy nhất. Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến lĩnh vực giao thông, đặc biệt là hàng không, thương mại, giải trí và du lịch. Theo các nhà phân tích của Capital Economics, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực phi dầu mỏ ở Trung Đông và Bắc Phi. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), đóng góp của hàng không cho các nền kinh tế ở Trung Đông, chủ yếu ở vùng Vịnh, ước tính khoảng 130 tỉ USD mỗi năm, tương đương 4,4% GDP và giải quyết 2,4 triệu việc làm.

Ngày 25-3, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune thông báo xem xét giảm 30% chi ngân sách, nhưng không làm ảnh hưởng đến mức lương của công chức, đồng thời giảm nhập khẩu từ 41 xuống còn 31 tỉ USD. Ngoài ra, Algeria sẽ không thuê các công ty tư vấn nước ngoài để tiết kiệm 7 tỉ USD mỗi năm, theo thông báo từ phủ tổng thống. Công ty dầu mỏ khổng lồ Sonatrach, công ty nhà nước lớn nhất Algeria, sẽ phải giảm chi phí vận hành và chi phí đầu tư 7-14 tỉ USD để bảo tồn dự trữ ngoại hối. Chính phủ không muốn cắt giảm chi ngân sách trong ngành y tế, hoặc giáo dục vì đại dịch đang xảy ra.

Để tìm kiếm các nguồn tài chính khác, Chính phủ Algeria đã quyết định tăng sản xuất phân bón, hoãn một số dự án nhất định, đặc biệt là các nhà máy điện, để lấy kinh phí bù đắp cho những khoản thuế và phí bị thiếu hụt bởi các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, cũng như giải ngân các khoản tín dụng được các ngân hàng cho vay trước đó.

Năm 2020, dự đoán tăng trưởng kinh tế Algeria khoảng 1,8% với giá dầu dự kiến ở mức 60 USD/thùng. Nhưng giá dầu tiếp tục giảm, dầu WTI của Mỹ tuần trước chạm mức thấp nhất kể từ năm 2003, ở mức 22,53 USD/thùng, do nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu toàn cầu lại đang suy yếu bởi đại dịch Covid-19. Sự sụp đổ của giá dầu từ năm 2014 đã khiến Algeria mất một nửa doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ. “Cuộc khủng hoảng hiện nay đã khiến chúng ta nhận thức về sự bấp bênh của nền kinh tế phụ thuộc vào tiền bán dầu”, Tổng thống Algeria thừa nhận trong thông cáo báo chí.

Các tập đoàn dầu mỏ còn hành động nhanh chóng hơn. Công ty năng lượng khổng lồ Equinor của Na Uy ngày 25-3 đã trình gói các biện pháp trị giá 3 tỉ USD để vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm. Equinor sẽ giảm khoảng 20% khoản đầu tư trong năm nay, xuống còn 8,5 tỉ USD so với mức 10-11 tỉ USD theo dự kiến ban đầu. Đầu tư vào thăm dò dầu mỏ sẽ giảm từ 1,4 tỉ USD xuống còn 1 tỉ USD trong khi chi phí hoạt động sẽ được cắt giảm xuống còn 700 triệu USD.

Trước đó, vào ngày 22-3, Equinor thông báo đình chỉ chương trình mua lại cổ phần trị giá 5 tỉ USD cho đến khi có thông báo mới. Theo Equinor, điều này sẽ cho phép công ty duy trì tính thanh khoản, với dòng tiền trung bình nếu giá dầu duy trì ở khoảng 25 USD/thùng trong nửa cuối năm 2020. Đây là giá của 1 thùng dầu Brent Biển Bắc hiện nay. Equinor bị ảnh hưởng kép bởi sự sụt giảm giá dầu, đại dịch Covid-19 và quyết định tăng mạnh nguồn cung của Arập Xêút mặc dù nhu cầu dầu toàn cầu đã và đang tiếp tục giảm.

Nhiều công ty dầu khí khác như Total của Pháp và Royal Dutch Shell của Anh cũng tiết lộ kế hoạch tiết kiệm lớn để vượt qua khủng hoảng.

Ngày 23-3, Total cho biết đã giảm hơn 3 tỉ USD các khoản đầu tư và sẽ cắt giảm đầu tư dưới 15 tỉ USD trong năm nay, tương đương giảm 20%, đồng thời sẽ tăng gấp đôi kế hoạch tiết kiệm, từ 400-800 triệu euro và tạm ngưng kế hoạch mua lại cổ phần.

Trong một thông điệp gửi đến các nhân viên của Total, CEO Patrick Pouyanné giải thích rằng, tập đoàn phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng: Dịch Covid-19, sự sụt giảm giá dầu thô và vấn đề chuyển đổi năng lượng trong tương lai. Total đang ở trong một tình huống rất khác so với cuộc khủng hoảng trước với tỷ lệ nợ thấp (16% vốn chủ sở hữu), điểm hòa vốn (ngưỡng bắt đầu có lợi nhuận) dưới 25 USD/thùng. Ngân sách năm 2020 yêu cầu giá mỗi thùng dầu phải trên 60 USD, tuy nhiên, gần đây giá dầu đã giảm xuống dưới 35 USD/thùng. Nếu tình hình này tiếp tục diễn ra trong suốt năm thì Total sẽ lỗ 9 tỉ USD.

Ông Pouyanné cho biết, để bù đắp cho sự thua lỗ, Total cần cắt giảm hơn 5 tỉ USD bằng các biện pháp: Cắt giảm 3,3 tỉ USD đầu tư (chủ yếu hỗ trợ cho lĩnh vực thăm dò, sản xuất); 0,4 tỉ USD chi phí hoạt động và 1,5 tỉ USD tạm ngưng dự án mua lại cổ phần. Ông Pouyanné cũng tuyên bố “đóng băng ngay lập tức” đối với việc tuyển dụng, ngoại trừ các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng mới và kỹ thuật số.

Với số tiền mặt hơn 20 tỉ USD, Total cho biết tập đoàn rất tin tưởng vào khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Từ đầu tháng 3-2020, 7 sàn giao dịch chứng khoán trong khu vực đã sụt giảm nghiêm trọng, các thị trường chứng khoán Dubai và Abu Dhabi cũng như Kuwait bị mất hơn 1/3 giá trị. Thị trường chứng khoán Arập Xêút cũng giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2019.
gia dau sup do he luy nhan tien ky cuoi

Giá dầu sụp đổ - Hệ lụy nhãn tiền

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc