Công an TP Hà Nội:

Dừng tổ chức hội nghị để chống bão

21:29 | 10/11/2013

958 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 14 (bão Haiyan), Giám đốc Công an Hà Nội yêu cầu lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị thuộc Công an thành phố dừng tổ chức hội nghị để thường trực ở cơ quan, phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm để chỉ đạo công tác phòng, chống bão.

Chiều ngày 10/11, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đã có cuộc họp khẩn để chỉ huy lực lượng tham gia phòng chống bão, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông khi thủ đô bị ngập lụt do cơn bão. Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khi thủ đô bị ảnh hưởng do cơn bão, Phòng Cảnh sát giao thông đã huy động hơn 600 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông tham gia chống bão. Lực lượng cảnh sát giao thông các đội thuộc phòng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát trên địa bàn do đội của mình quản lý. Đặc biệt là các điểm có nguy cơ xảy ra ngập úng.

Ngoài ra, Phòng cảnh sát giao thông cũng huy động 16 xe quân dụng tham gia cứu hộ, cứu nạn trong mưa bão. Tại các điểm, nút giao thông ngập sâu, các đơn vị sẽ bố trí xe tải hoặc xe cẩu thường trực đẻ cẩu, kéo ô tô bị sự cố chết máy ra khỏi nơi ngập úng. Quyết không để ùn tắc, tai nạn giao thông xảy ra khi có mưa bão.

Phòng cũng chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tham gia chống bão tổ chức phân luồng, kiên quyết không cho xe ô tô không có nhiệm vụ vào các khu vực đê xung yếu, tuyến đường đang bị ngập úng.

Hơn 600 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội được huy động vào cuộc chống cơn bão số 14- ảnh LT.

“Phòng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp công an các huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Phúc Thọ, Ứng Hoà, Thạch Thất, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến Quốc lộ và tổ chức phân luồng từ xa, hạn chế các phương tiện vào Hà Nội khi có lệnh theo phương án. Cán bộ, chiến sĩ phải tạo mọi điều kiện cho các phương tiện chở hàng cứu trợ cho người dân một cách thuận lợi và nhanh nhất” - Đại tá Đào Vịnh Thắng nói. 

Ngay sau khi cuộc họp khẩn kết thúc, hàng nghìn cán bộ chiến sỹ của Phòng Cảnh sát giao thông đã nhận nhiệm vụ, lên đường đảm bảo công tác phân luồng, giúp đỡ nhân dân trong thời gian cơn bão Haiyan đi vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Hà Nội. Hiện, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Hà Nội chỉ có khoảng hơn 20 điểm thường xuyên ngập úng, song nếu mưa với lượng lớn, kéo dài thì khả năng điểm ngập úng có thể lên tới hơn 50 điểm.

Trước đó, chiều ngày 9/11, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội đã có công điện khẩn gửi các trưởng phòng nghiệp vụ, lãnh đạo Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thủ đô yêu cầu triển khai một số biện pháp cấp bách phòng chống bão số 14.

Theo công điện, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Trưởng công an các quận, huyện, thị xã theo dõi sát diễn biến của cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mọi thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Tổ chức chằng, chống nhà cửa, trụ sở, doanh trại, kho tàng, trại giam, nhà tạm giữ, hồ sơ tài liệu, phương tiện phục vụ chiến đấu, vật tư kỹ thuật...

Công an các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các cấp để bảo đảm tốt nhất an ninh trật tự trên địa bàn. Bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức và nhân dân. Tổ chức di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách, gia đình neo đơn.

Đối với Phòng Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an Hà Nội yêu cầu phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã để có phương án phân luồng, hướng dẫn giao thông. Tăng cường lực lượng tại các tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ ngập nước, bố trí xe cẩu để di chuyển các phương tiện chết máy; kiên quyết cấm các phương tiện đi qua vùng ngập nước.

Ngoài ra, Giám đốc Công an Hà Nội cũng yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các ngành liên quan chủ động đối phó và khắc phục hậu quả nếu mưa lớn làm mực nước các sông tràn qua đê ảnh hưởng đến người dân. Đặc biệt, khi xảy ra mưa to, gió lớn, lũ quét trên các sông cần cấm các bến đò ngang hoạt động, đồng thời dừng các hoạt động du lịch đường thủy nội địa.

“Các đơn vị tổ chức trực ban, trực chiến 24/24h, đảm bảo 100% quân số trực và ứng trực để giải quyết, đối phó với tình huống đột xuất xảy ra. Lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị dừng tổ chức hội nghị, thường trực ở cơ quan và phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm để chỉ đạo công tác phòng, chống bão” – Công điện nêu rõ.

T.Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc