Đừng kê cho có

07:00 | 30/07/2013

697 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế là, sau rất nhiều đồn đoán về việc tiến hành kê khai tài sản, thu nhập, cuối cùng câu chuyện chỉ tưởng là làm cho có ấy cũng nhận được câu trả lời đầu tiên.

Nguyễn Hòa Bình (NLM số 243)

Thôi thì, dù chưa có một tài liệu nào được công bố công khai một cách rộng rãi về danh tính, tài sản, thu nhập của bất kỳ đối tượng nào, kể cả ở mức thấp nhất là trưởng, phó các phòng, ban thuộc sở; nhưng xem ra chỉ cần tiến hành được bước phát phiếu, rồi còn thu lại được đầy đủ số phiếu phát ra ấy, cũng có thể tạm coi là một bước tiến rồi.

Thế nên, khi Cơ quan Thanh tra Chính phủ lại cho biết: Qua tổng hợp báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012 của các cán bộ nằm trong diện phải kê khai thuộc 17 bộ và cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và 14 tập đoàn kinh tế, 56 địa phương… cho thấy, có 370.650 người đã được công khai bản kê khai thu nhập, chiếm 64,2% tổng số người đã kê khai… khiến chỉ riêng cán bộ công chức các cơ quan, đoàn thể ấy (chưa dám nói rộng ra dân tình) cũng đã thấy quá là tuyệt.

Làm cán bộ, công chức lương ba cọc ba đồng, tài sản có chút ít cũng toàn “nhờ lộc ông bà, gia tộc cả”, giờ lại bắt kê ra, thì… ngại gì mà chả kê? Còn, thu nhập ai chả biết, đố ông nào sống chỉ bằng đồng lương chính đấy? Cái phần “phụ” bây giờ mới là quan trọng. Kê khai về phần mình hay đẩy sang vợ con, anh em, họ hàng… là quyền của mình. Ai kiểm tra được mà phải sợ. Thế thì, đã bắt buộc phải kê khai, có gì mà chả… kê.

Hơn nữa, ở các nước khác, công dân người ta mới sợ chính phủ, khi mà họ phải tự chứng minh được tài sản của họ là hợp pháp, bởi khi không chứng minh được thì bị pháp luật coi đấy là tài sản bất minh và sẽ bị tịch thu ngay. Chứ còn ở mình thì, đến hôm nay Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi mới có hiệu lực từ ngày 1/2/2013, nhưng ngay cả những điều khoản đã có ấy, khi đang còn thiếu nghị định hướng dẫn thi hành, thì còn lâu mới thực hiện được .

Chỉ xin lấy một điều ra làm ví dụ. Theo khoản 1, điều 46b của Luật Phòng chống tham nhũng thì người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm; trong khi đó khoản 2 của chính điều Luật này lại ghi rõ: “Chính phủ quy định mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình”. Thế có phải là: việc chứng minh tài sản tăng thêm không lý giải được ngoài nguồn gốc ấy là thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng không? Trong khi việc chứng minh đâu phải chuyện đơn giản? Và, xem ra, chúng ta hình như còn đang nghiên cứu, chưa có hướng xử lý?

Luật còn đang vướng thế, còn thiếu hụt thế, vậy chỉ có anh nào tâm thần mới đi kê khai tuốt tuồn tuột. Còn, cán bộ lãnh đạo quản lý của ta ai chả tự nhắc mình, tài sản hay thu nhập ư, cả làng cả nước ai chả biết mình sống thế nào, mình khai đủ hay chả khai gì mình vẫn thế.

Con số do Thanh tra Chính phủ cho biết, 58 ông bà là cán bộ lãnh đạo quản lý ở Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh bị kỷ luật cũng chỉ vì chậm kê khai, chẳng lẽ không là bài học sâu sắc cho anh em làm lãnh đạo à?

Rồi nữa, cứ xem ngay cả 370.650 vị cán bộ lãnh đạo quản lý đã được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập đấy, hỏi liệu có ai có ý kiến gì với các vị ấy chưa? Chỉ riêng chuyện, đã là cán bộ lãnh đạo quản lý mà phải đem tài sản, thu nhập ra công khai trước cơ quan đoàn thể, như thế cũng đã là bước tiến quan trọng của quá trình công khai, minh bạch hóa rồi.

Thế còn tới 35,8% số cán bộ lãnh đạo quản lý đã kê khai, họ chưa bị công bố bản kê khai tài sản thu nhập mà đã có ai, kể cả số nằm trong diện kê khai dám thắc mắc một câu nào? Thì, các anh ấy cũng có trách nhiệm, nghĩa vụ như mình phải kê khai nhau à? Đến như luật hẳn hoi đấy mà còn phải chờ nghị định, thậm chí khoản 1 của điều A còn “đá” cả khoản 2 của ngay chính điều ấy, thế thì có gì mà phải lăn tăn? Các vị đã nằm trong diện phải kê khai tài sản, thì chắc chẳng vị nào không thuộc danh sách cán bộ lãnh đạo quản lý, nên có lẽ cũng chẳng vị nào không thuộc bài: “làm cho... có ấy mà”. Mà đã gọi là làm cho có thì thiếu gì cách. Khó như “leo” cho vào được “diện” còn làm được, chuyện kê khai có là… muỗi.

Cũng bởi thế cho nên, bàn dân thiên hạ ai chẳng biết thừa chuyện kê khai tài sản, thu nhập kia sẽ đi đến đâu rồi. Dù ai chả nhìn thấy, thậm chí không muốn nói là biết khá rõ không ít các vị ấy đã phất bằng cách nào.

Kê khai tài sản, thu nhập chính là một kênh quan trọng đánh giá những phẩm chất cần và đủ mà mỗi cán bộ lãnh đạo quản lý phải có. Bởi, đã là cán bộ lãnh đạo, không thể không đề cao ý thức pháp luật. Và vì thế, khi mà cả xã hội nhìn vào cuộc kê khai này như một phép thử quan trọng để chính mỗi tổ chức tự nhìn nhận đầy đủ hơn về đội ngũ cán bộ của mình thì dứt khoát không thể tồn tại kiểu làm việc chiếu lệ. Đã là cán bộ lãnh đạo quản lý, đừng bao giờ nghĩ trong chuyện này thì cứ kê khai cho có ấy mà!

Nguyễn Hòa Bình