Đồng tiền chung BRICS sẽ thách thức USD?

08:27 | 23/10/2023

320 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
BRICS đã và đang có nhiều động thái nhằm giảm phụ thuộc vào USD, trong đó có ý tưởng hình thành đồng tiền chung BRICS.
Hội nghị thượng đỉnh tại Johannesburg
Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg

Sau Hội nghị thượng đỉnh tại Johannesburg, BRICS đã tuyên bố mở rộng khối này. Theo đó, Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất sẽ trở thành thành viên của Nhóm BRICS từ ngày 1/1/2024. Tăng số lượng thành viên, mở rộng dân số và sức mạnh kinh tế nói chung, đồng thời củng cố các thể chế như Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), BRICS đặt mục tiêu thay thế tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tại cuộc họp kỷ niệm 20 năm Câu lạc bộ thảo luận Valdai ngày 2/10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ sự suy giảm dần dần của hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng đô la Mỹ. Ông Putin nhấn mạnh hệ thống Bretton Woods, vốn từ lâu đã là xương sống của tài chính toàn cầu, đang ngày càng trở nên lỗi thời, trong khi tỷ trọng của nền kinh tế Mỹ trong GDP thế giới đang giảm dần.

Bên cạnh đó, ông Putin cho biết mặc dù về mặt lý thuyết, BRICS có thể sử dụng một loại tiền tệ chung của khối, nhưng trọng tâm trước mắt phải thiết lập một hệ thống thanh toán tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên và khuyến khích giao dịch bằng tiền tệ quốc gia.

Bình luận này của Tổng thống Nga đã nhận được nhiều quan điểm ủng hộ. Trong khi đó, Mỹ coi ý tưởng về đồng tiền chung của BRICS là một giấc mơ viển vông. Ông Paul O'Neill, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã nói rằng ý tưởng thay thế đồng USD là điều không tưởng. Bởi lẽ, khoảng 90% giao dịch quốc tế được thực hiện bằng USD, đồng USD chiếm khoảng 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu.

Quan trọng hơn, USD đã vượt trội hơn tất cả 11 loại tiền tệ BRICS trong 3 tháng qua trên thị trường ngoại hối. Các đồng tiền của các thành viên BRICS đã giảm xuống mức thấp mới so với USD bất chấp khối này đang cố gắng kiềm chế sự tăng trưởng của đồng USD.

Theo chuyên gia, nếu BRICS cắt đứt quan hệ với đồng USD, nền kinh tế của các quốc gia thành viên BRICS có nguy cơ mất niềm tin của nhà đầu tư, thậm chí dẫn đến sự cạn kiệt dòng vốn nước ngoài, khiến nền kinh tế của các quốc gia này suy giảm. Ngoài ra, các nước BRICS cũng sẽ bị hạn chế tiếp cận thị trường quốc tế sử dụng USD bao gồm trái phiếu chính phủ và các khoản vay.

“Trong khi các thành viên BRICS có thể đạt được tiến bộ trong việc cắt giảm tỷ trọng của đồng USD trong thương mại song phương của họ, thì việc loại bỏ USD như một đồng tiền dự trữ sẽ khó khăn hơn”, ông Gian Maria Milesi-Ferretti, một nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Chính sách tài chính và tiền tệ Hutchins của Viện Brookings, nói với RFE/RL trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 29/8/2023.

Khi tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng USD, ông Chris Weafer, nhà phân tích đầu tư của Macro-Advisory, một công ty tư vấn chiến lược tập trung vào Nga và Âu Á cho biết BRICS có thể sẽ thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn đồng nội tệ của các quốc gia thành viên.

Ông nói: “Chúng tôi đã biết rằng 80% giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thanh toán bằng đồng rúp của Nga hoặc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Nga cũng đang giao dịch với Ấn Độ bằng đồng rupee… Vì vậy, BRICS đang đẩy mạnh thành toán bằng nội tệ của các thành viên”.

Ngay cả bên ngoài nhóm BRICS, các quốc gia khác cũng đã bắt đầu giao dịch bằng đồng nội tệ. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ấn Độ đã ký một thoả thuận cho phép họ giải quyết các khoản thanh toán thương mại bằng đồng rupee thay vì đồng USD.

Trung Quốc đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào USD
Trung Quốc đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào USD

Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi đồng nội tệ cũng đặt ra một thách thức mới, đó là khả năng chuyển đổi.

Weafer cho rằng các quốc gia thực hiện nhiều giao dịch thương mại hơn cũng cần phải dự trữ nhiều tiền tệ của nhau hơn. Và họ phải có khả năng chuyển đổi chúng thành tiền tệ của mình. Điều này rất khó khăn ở Ấn Độ, nơi các biện pháp kiểm soát vốn ngăn cản người dân mang tiền ra khỏi đất nước mà không được phép. Khi đồng rupee đã ra khỏi Ấn Độ, nó vẫn cần được chuyển đổi sang loại tiền tệ khác - như đồng USD - trước khi có thể chuyển đổi thành nội tệ.

“Vì vậy, cần những thay đổi lớn phải diễn ra; Ấn Độ sẽ phải bỏ các biện pháp kiểm soát vốn và sau đó sẽ phải có một giải pháp thay thế gần như cho hệ thống ngân hàng SWIFT mà hệ thống toàn cầu đã tạo ra, để cho phép chuyển các loại tiền tệ này giữa các đối tác thương mại, tránh các lệnh trừng phạt toàn cầu hiện đang ngăn chặn điều đó,” ông Weafer nói và cho biết thêm, khi đó mỗi quốc gia sẽ phải nắm giữ nhiều tiền tệ hơn của đối tác thương mại tương ứng. Những thay đổi này sẽ phải được thực hiện từ từ và trên cơ sở từng quốc gia.

Như vậy, ý tưởng hình thành đồng tiền chung hoặc đẩy mạnh sử dụng nội tệ để thanh toán nhằm thay thế USD của BRICS vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Vai trò của BRICS trong thị trường năng lượng toàn cầuVai trò của BRICS trong thị trường năng lượng toàn cầu
BRICS sẽ thiết lập lại trật tự tài chính toàn cầu?BRICS sẽ thiết lập lại trật tự tài chính toàn cầu?
Đối trọng quyền lực mớiĐối trọng quyền lực mới