Dòng người đi trong thương nhớ

06:06 | 08/10/2013

1,044 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những gương mặt buồn đau, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má tỏ lòng nhớ thương Đại tướng. 44 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ đi xa, thủ đô Hà Nội mới lại chứng kiến một đám tang vị lãnh đạo cấp cao thu hút được đông đảo quần chúng tự nguyện tham gia như thế.

Từ tối mồng 4/10, nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, nhiều người dân ở Hà Nội đã tới nhà riêng Đại tướng ở số 30, đường Hoàng Diệu. Ngày 6/10, mặc dù được Ban Tổ chức thông báo sẽ mở cửa từ 14 giờ 30 nhưng ngay từ sáng, hàng trăm người đã xếp hàng chờ đợi. Dòng người xếp hàng hai cứ nối dài dần đến tận Quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi, không ai bảo ai, tự giác và trật tự nối vào dòng người. Có những cựu chiến binh, cán bộ hưu trí ở tuổi 80, phải ngồi xe lăn cũng nhờ con cháu đưa đến. Một số người bồng bế cả con thơ đi cùng. Đông nhất là học sinh, sinh viên.

Làn đường Hoàng Diệu từ phía Phan Đình Phùng đi vào đã được ngăn lại từ 14 giờ. Xe máy, xe đạp, ôtô được Ban Bảo vệ Hoàng thành Thăng Long mở cửa sân vận động Cột Cờ, đón vào trông coi miễn phí…

Những gương mặt buồn đau, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má tỏ lòng nhớ thương Đại tướng. 44 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ đi xa, thủ đô Hà Nội mới lại chứng kiến một đám tang vị lãnh đạo cấp cao thu hút được đông đảo quần chúng tự nguyện tham gia như thế.

Đoàn Cựu chiến binh đặc công Hà Nội

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, vị Tư lệnh nổi tiếng trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa và là đồng hương gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhờ các cháu dìu đến viếng từ 15 giờ. Ông nói: “Tôi luôn xem Đại tướng như người anh lớn của mình. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã mất đi một vị Đại tướng tài ba lỗi lạc, một danh tướng ở tầm thế giới”.

Tôi gặp ông Nguyễn Đức Thắng, cựu chiến binh người Hà Nội. Ông đến sớm và đang chờ các bạn đồng ngũ của mình vào viếng. Trong câu chuyện với ông khi còn đứng ở ngoài cổng, tôi được biết: Cụ thân sinh của ông là chiến sĩ Điện Biên, thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, từng được vinh dự trực tiếp phục vụ Đại tướng từ thời ở chiến trường Điện Biên Phủ đến khi về Hà Nội. Cách đây chục năm, trước khi mất, cụ dặn ông sau này Đại tướng về cõi vĩnh hằng thì ông phải nhớ thay mặt cụ và gia đình đến viếng và thắp giúp cụ nén hương. Vì thế, mấy hôm nay ngày nào ông cũng đến trước nhà 30 Hoàng Diệu để mong muốn được vào viếng sớm. Ông Nguyễn Đức Thắng vốn là chiến sĩ của Sư đoàn 356, Quân khu 2. Ông đã gắn bó với mặt trận ác liệt ở Hà Giang suốt những năm tháng bảo vệ biên cương phía bắc. Tuy chưa được một lần gặp Đại tướng nhưng ông và đồng đội cùng đơn vị cũ vẫn gọi nhau tề tựu đông đủ đi viếng để tỏ lòng ngưỡng mộ và tiếc thương vị tướng tài ba của dân tộc.

Thiếu tướng, anh hùng Phạm Ngọc Lan, phi công đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ kể lại: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đề cao tinh thần quyết thắng trong mọi trận đánh, nhưng thường trăn trở làm sao để giảm tối thiểu tổn thất xương máu của binh sĩ. Kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi là sau khi bắn hạ máy bay Mỹ, chúng tôi được Đại tướng ra tận máy bay chúc mừng. Đại tướng dặn, ta còn phải tiếp tục đánh giặc Mỹ, các đồng chí phải biết giữ gìn lực lượng để chiến đấu lâu dài”.

Dòng người trên đường đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tá Phan Lang (84 tuổi), từng vinh dự 2 lần được gặp Đại tướng, nói trong nước mắt: “Khi hay tin dữ, tim tôi như chết lặng, đến hôm nay, khi kính cẩn nghiêng mình thắp nén nhang trước Đại tướng, tôi mới tin đó là sự thật. Lần cuối cùng gặp Đại tướng là năm 2004, tôi có dịp được đến thăm và tại đây, Đại tướng đã ân cần hỏi chuyện, chúc những cựu chiến binh như chúng tôi luôn xứng với phẩm chất người lính Cụ Hồ. Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mãi mãi ra đi”.

Đại tá Nguyễn Huy Văn, bí danh Kim Sơn (83 tuổi) từng công tác tại Sở Chỉ huy các chiến dịch. Đến viếng, ông mang theo hàng trăm tấm ảnh chụp cùng Đại tướng trước đây.

Trong nhóm sinh viên đang ôm hoa xếp hàng trước sân nhà Đại tướng có Lê Thị Thủy, nhà ở Mai Dịch Hà Nội. Đưa khăn lên chấm những giọt nước mắt, Thủy nói với tôi: “Cháu chưa được gặp Đại tướng lần nào nhưng qua sách báo, phim ảnh, cháu đã biết đến tên tuổi của ông và rất cảm phục. Thế hệ trẻ chúng cháu rất vinh dự và tự hào nước ta có một vị tướng tài ba, lỗi lạc như thế”.

Trước cửa phòng thờ Đại tướng, tôi gặp lại Đại tá Nguyễn Văn Huyên, người trợ lý gần 40 năm qua của Đại tướng. Vị Đại tá đã ở tuổi 80 có đôi mắt sáng, đầu hói, tóc bạc phơ, vẻ cương nghị và dáng người thấp đậm với phong thái trầm tĩnh. Từ con người ông toát lên sự mẫn cán, trung hậu và kiệm lời - những phẩm chất mà bất kể vị lãnh đạo nào cũng tâm đắc khi lựa chọn người giúp việc của mình.

Bằng giọng trầm xứ Nghệ, Đại tá Huyên kể lại: “Năm 1974, từ chiến trường B2, tôi được điều ra Bắc. Sau khi an dưỡng, tôi về công tác ở Cơ quan Văn phòng Bộ Quốc phòng một thời gian. Đến năm 1976, tôi chính thức được giao nhiệm vụ trực tiếp giúp việc anh Văn (tên gọi thân mật của Đại tướng), hằng ngày tổng hợp tin tức thời sự để báo cáo với anh”.

Đại tá Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1931, là người con của quê hương Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1950, ông thoát ly gia đình, trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Huyên thuộc ở Tiểu đoàn Công binh 106 (Trung đoàn Công binh 151). Ông Huyên nhớ lại: “Ngày ấy, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tôi đã mở đường đưa Đại tướng Tổng tư lệnh vượt đèo Pha Đin, nhưng tôi thì chưa hề được gặp anh Văn. Lần đầu tiên tôi gặp anh là năm 1957. Khi ấy, tôi là Chính trị viên Đại đội Công binh đóng quân tại Kim Lăng, Phú Thọ. Một lần, anh Văn đi thăm, kiểm tra các đơn vị bộ đội; anh đến Đoàn Công binh 106 có vào kiểm tra đại đội tôi. Sau khi kiểm tra doanh trại, nơi ăn ở, Anh Văn đã nói chuyện với đơn vị. Hôm ấy chúng tôi mang ra mấy chiếc ghế, xếp thành dãy dài, mời anh Văn ngồi giữa, chúng tôi cùng chụp ảnh. Chỉ tiếc là, bức ảnh đó tôi không có được”.

Vào năm 2004 và 2007, Đại tướng đã hai lần nói là khi qua đời muốn được về an nghỉ tại quê nhà Quảng Bình. Tôi có vài dịp đi cùng Đại tướng về xem đất mà Đại tướng đã chuẩn bị cho mình, đó là khu vực vùng núi Quảng Bình, cạnh nơi yên nghỉ của phụ thân Đại tướng. Mỗi lần đồng bào, đồng chí được gặp Đại tướng, họ coi đó như là nguồn động viên lớn với từng cá nhân. Có thể nói một câu ngắn gọn, đó là một nhân cách lớn, vị Đại tướng của nhân dân”.

 Đoạn, ông Huyên trầm giọng nói như tự sự: “Tôi có một khuyết điểm là những năm trước anh Văn còn khỏe, cứ mải công việc mà có nhiều điều tôi muốn hỏi anh mà chưa kịp hỏi. Mấy năm gần đây anh yếu, không nói được và tôi có muốn hỏi và nói với anh cũng đành chịu. Hôm nay anh Văn đi rồi, tôi chỉ còn biết nhớ thương anh…”. Nói đến đây, giọng ông như nghẹn lại, khóe mắt rưng rưng lệ, ông đứng nhìn dòng người đang lặng lẽ đi qua.

Hoàng hôn buông tím khu vực Hoàng thành, giờ viếng buổi chiều đã hết nhưng suốt dọc đường Hoàng Diệu sang đến đường Điện Biên Phủ, dòng người vẫn tiếp tục được nối dài tưởng chừng không dứt. Ai cũng muốn Ban Tổ chức cho viếng liên tục cho tới đêm khuya để mọi người ở đây được thể hiện niềm thương nhớ của mình với Đại tướng.

Bùi Đức Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc