Đờn ca tài tử Nam Bộ: Nốt thăng trong bản nhạc văn hóa dân tộc

09:37 | 20/12/2023

139 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vùng đất Nam Bộ không chỉ gây ấn tượng về mùa chợ nước nổi hay cánh rừng ngập mặn, mà còn nổi tiếng với di sản sống - đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử Nam Bộ: Nốt thăng trong bản nhạc văn hóa dân tộc
Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, lấy cảm hứng từ Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, sau đó được sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ. (Nguồn: TTXVN)

Từ bài ca lao động…

Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc và thống nhất trong đa dạng. Thành quả sáng tạo, giữ gìn của cha ông đã để lại một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú, trong đó có đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, bắt nguồn từ bài ca mà nhân dân, thanh niên nam nữ nông thôn hát sau những giờ lao động. Nhạc cụ sử dụng cho đờn ca tài tử khá phong phú như: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan… Từ khoảng năm 1930 thì có thêm đàn guitar phím lõm, violin, guitar Hawaii (đàn hạ uy cầm).

Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, lấy cảm hứng từ nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, sau đó được sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ. Sau biến cố Kinh đô Huế thất thủ năm 1885, ông Nguyễn Quang Đại cùng nhiều quan lại, dân lính triều đình chạy về phương Nam lánh nạn, với vốn ca nhạc Huế sẵn có ông đã cải biên một số nhạc phẩm trở thành âm nhạc đặc trưng của Nam Bộ.

Trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược, đờn ca tài tử trở thành nguồn cổ vũ tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, cũng như khích lệ nhân dân chống lại trào lưu nghệ thuật phương Tây tràn vào. Có thể nói, đờn ca tài tử không những không bị hình thức hát mới thay thế, mà còn là chỗ dựa vững chắc, là nguồn hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của sân khấu cải lương sau này.

Chia sẻ về giá trị của đờn ca tài tử, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh, đây là nghệ thuật đỉnh cao trong các loại nhạc cụ thuộc họ đàn dây của người Việt. Số lượng bài bản của đờn ca tài tử lên đến hàng trăm bài. Cùng là một bài nhưng người ta có thể đàn rất nhiều cách khác nhau, không lần nào giống lần nào nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc chung là điệu và lòng bản. Đó là một nghệ thuật đỉnh cao của người Việt.

…tới niềm tự hào dân tộc

Vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng Hồ sơ quốc gia nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua nhiều vòng thẩm định, UNESCO chính thức công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại Hội nghị Ủy ban Liên chính phủ lần 8 tại Baku, Cộng hòa Azerbaijan ngày 5/12/2013.

Đến ngày 11/2/2014, tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau lễ vinh danh, UNESCO hy vọng Việt Nam tiếp tục các biện pháp nhằm hỗ trợ trao truyền và giảng dạy về di sản văn hóa phi vật thể này trong chương trình giáo dục chính thức.

Đây là minh chứng sinh động về sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới, tạo cơ hội để người dân toàn thế giới có dịp thưởng thức và hiểu rõ hơn nền văn hóa tươi đẹp và phong phú của Việt Nam.

Đờn ca tài tử Nam Bộ: Nốt thăng trong bản nhạc văn hóa dân tộc
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội trao bằng vinh danh đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại TP Hồ Chí Minh ngày 11/2/2014. (Nguồn: VnExpress)

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh, sự vinh danh của UNESCO không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Do đó, các bộ, ngành, địa phương và người dân cần hợp tác chặt chẽ để giúp đờn ca tài tử Nam Bộ được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

Bên cạnh đó, đờn ca tài tử còn theo chân nghệ sĩ Việt Nam lưu diễn khắp thế giới, trong đó phải kể đến nỗ lực của nhạc sư Vĩnh Bảo trong việc giới thiệu bản sắc văn hóa nước nhà tới bạn bè châu lục.

Năm 1971, khi được Đại học Southern Illinois (Mỹ) mời sang dạy nhạc cổ truyền Việt Nam với tư cách là giáo sư thỉnh sang, ông đã tận dụng cơ hội để giới thiệu tinh hoa âm nhạc dân tộc ra thế giới. Một năm sau, ông tiếp tục nhận lời mời của Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông Phương và Trung tâm Âm thanh học sang Pháp thuyết trình, trao đổi về đờn ca tài tử Nam Bộ.

Ngoài ra, nhạc sư còn phối hợp với GS.TS Trần Văn Khê thực hiện đĩa hát về đờn ca tài tử Nam Bộ với hãng đĩa OCARA và đĩa Viet Nam II. Ông đã tận tình hướng dẫn người nước ngoài học đàn tranh và hoàn thành nhiều luận án tiến sĩ về đờn ca tài tử để phổ biến âm nhạc nước nhà với thế giới. Từ đó, ông được xem như người đã đặt nền móng vững chắc để sau này UNESCO công nhận đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo Xuân Sơn/baoquocte.vn

Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loạiĐờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Khám phá nhạc cụ dân tộc tại nhà GS-TS Trần Văn KhêKhám phá nhạc cụ dân tộc tại nhà GS-TS Trần Văn Khê
Đờn ca tài tử trở thành di sản văn hóa thế giớiĐờn ca tài tử trở thành di sản văn hóa thế giới