Đối ngoại Việt Nam 2013 và những dấu ấn

10:28 | 08/11/2013

3,720 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những thành công và dấu ấn nổi bật của đối ngoại Việt Nam trong năm 2013 là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với một loạt nước ở khu vực và thế giới. Đặc biệt, thông qua các chuyến thăm, làm việc, các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có thông điệp xây dựng lòng tin chiến lược, chúng ta đã truyền tải mạnh mẽ chính sách của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và thế giới, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, khẳng định sự tự tin, chủ động của chúng ta đối với những vấn đề của thế giới và khu vực...

Hoạt động đối ngoại sôi động, hiệu quả

Hiếm có năm nào mà hoạt động ngoại giao cấp cao lại đa dạng và sôi động như trong năm 2013 này. Ngay từ đầu năm, tất cả lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước đều đã tích cực tham gia vào nhiều hoạt động đối ngoại đa dạng, hiệu quả. Ngay trong tháng 1/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện thành công chuyến “xông đất đầu năm” tới Italia, Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) và trong chuyến thăm này, Việt Nam và Italia đã chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm một loạt đối tác trọng điểm như Trung Quốc và Indonesia (6/2013), Mỹ (7/2013), Hungary và Đan Mạch (9/2013).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng tháng 7/2013

Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước đã không chỉ tạo dựng khuôn khổ quan hệ mới với Mỹ, mà còn tạo ra tiếng vang lớn với dư luận Mỹ và thế giới với việc lần đầu tiên có một số đại diện chức sắc tôn giáo và cựu chiến binh Việt Nam đi cùng Chủ tịch nước sang thăm Mỹ và có nhiều cuộc đối thoại rất thẳng thắn, thực chất với các giới tại Mỹ. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành thăm Nga (5/2013), thăm và nâng cấp quan hệ với Pháp (9/2013)… và tham dự nhiều hoạt động ngoại giao đa phương như tại các diễn đàn Đối thoại Shangri la, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN ở khu vực… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiến hành các chuyến thăm tới Hàn Quốc và Myanmar… ghi dấu ấn quan trọng của ngoại giao nghị viện trong các thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam trong năm nay.

Cũng trong năm 2013, Việt Nam đã đón rất nhiều lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Quốc Vụ Viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye… Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã chọn Việt Nam làm đối tác ưu tiên hàng đầu trong khu vực. Việc trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên không chỉ cho thấy vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, mà còn góp phần tạo ra những hiệu ứng tích cực về lòng tin, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác quốc tế...

Thông điệp “Lòng tin chiến lược”

Việc lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam tham dự một diễn đàn về an ninh quốc tế và có diễn văn tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore hồi tháng 5/2013 rất thu hút được sự chú ý của dư luận khu vực và quốc tế, được báo chí quốc tế đánh giá là sự kiện “cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam ngày càng tăng ở khu vực châu Á”, là “một sự tôn trọng đặc biệt” của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dành cho “quốc gia đang ngày càng giữ vai trò quan trọng và to lớn” với nền chính trị khu vực và thế giới.

Bài phát biểu với chủ đề “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La đã nhận được những lời ca ngợi của truyền thông quốc tế, được học giả quốc tế đánh giá cao, ủng hộ mạnh mẽ bởi những điều mà Thủ tướng nói - với tư cách là người đại diện quan điểm cho Việt Nam, phản ánh một cách rất đúng đắn và chân thực nguyện vọng chung của khu vực về các vấn đề an ninh, hòa bình và ổn định, đồng thời lần đầu tiên thể hiện rõ ràng chính sách của Việt Nam đối với Biển Đông, các cường quốc lớn và các vấn đề quốc tế phức tạp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore tháng 5/2013

Đài Tiếng nói nước Nga bình luận bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “đỉnh cao của một cuộc đối thoại nghiêm túc và có chiều sâu về hiện trạng cũng như tương lai của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, khẳng định “không phải nghi ngờ về sức hút của phát ngôn đầy trọng lượng mà lãnh đạo Việt Nam phát đi từ Đối thoại”. Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer - một chuyên gia về khu vực cho rằng, “đây là một bài phát biểu đầy sức mạnh và được đánh giá cao.

Ông Thayer chia sẻ, nhiều người ngạc nhiên trước sự thẳng thắn này của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 17 lần nhắc đến từ “lòng tin chiến lược”, lúc đầu khiến mọi người cảm thấy quá nhiều, nhưng tới phiên họp cuối, cụm từ này đã trở thành tâm điểm thảo luận của tất cả các Bộ trưởng có mặt tại Đối thoại. Giờ đây, cụm từ này cũng đang được nhiều quan chức cấp cao sử dụng”.

Bài phát biểu của Thủ tướng tại Đối thoại Shangri-La thực sự đã ghi dấu ấn đậm cho Việt Nam tại diễn đàn an ninh khu vực, tạo đà thuận lợi cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Tiếp sau Đối thoại Shangri-La, bài phát biểu của Thủ tướng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với chủ đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” tiếp tục là tâm điểm được dư luận báo chí trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và bình luận, coi đây là một thành công của ngoại giao đa phương Việt Nam.

Báo chí quốc tế cho rằng, việc Thủ tướng tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc “giúp nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, khẳng định vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại Liên hiệp quốc”, tiếp tục nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam về Biển Đông là “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đồng thời vì lợi ích chung, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC); đồng thời tái khẳng định sáng kiến xây dựng lòng tin chiến lược…

Báo Koreal Herald ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “đã đem về cho Việt Nam những giá trị khác biệt về hình ảnh một đất nước đổi mới”.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thắng lợi của công tác đối ngoại đã góp phần giúp chúng ta giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quan trọng là giữ được môi trường hòa bình, ổn định để tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế ở trong nước, đồng thời nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tạo điều kiện cho các hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút FDI, ODA, giải quyết các vấn đề tranh chấp nảy sinh trong quan hệ kinh tế quốc tế với các đối tác.

Anh Duy