Doanh nghiệp khó khăn tứ bề

09:37 | 23/06/2011

414 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ nằm trong các khu công nghiệp đang đứng trước những khó khăn lớn nhất từ trước đến nay.

Lãi suất cao, lạm phát tăng, lao động bỏ làm, đơn hàng giảm mạnh, mới đây nhất là thuế đất tăng cao… là những trở ngại khiến DN luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Phóng viên Báo Năng lượng Mới ghi lại những trăn trở của một số người đứng đầu DN để thấy được những áp lực mà họ đang chịu đựng, đồng thời góp tiếng nói sẻ chia cùng DN.

Ông Bùi Tuấn Hưng, Phó giám đốc Công ty CP Long Mã, chuyên về sản xuất hàng may mặc:

Những năm gần đây ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn. Lãi suất ngân hàng tăng khiến việc vay vốn gặp nhiều trở ngại. Mặc dù, doanh nghiệp xuất khẩu được vay với lãi suất ưu đãi hơn nhưng chúng tôi vẫn chỉ dám duy trì những đơn hàng đã có từ trước chứ không mở rộng thêm nữa.

Sản phẩm của công ty xuất khẩu chủ yếu sang thị trường EU. Đây là thị trường khó tính và trong thời gian qua cũng có nhiều biến động về giá cả do tình trạng bất ổn chung của nền kinh tế thế giới, công ty phải chịu ảnh hưởng ít nhiều.

Cái khó khăn lớn nhất mà chúng tôi hiện gặp vẫn là thiếu công nhân trầm trọng. Ngành may mặc cần rất nhiều công nhân và phải luôn có một lượng lao động ổn định. Thế nhưng, trong thời gian gần đây số lượng công nhân nghỉ việc rất đông. Thời điểm sản xuất cao nhất, xưởng có đến 1.200 công nhân nhưng số lượng này giảm dần và cho đến hiện nay chỉ còn lại 200 công nhân. Hàng năm chúng tôi trực tiếp về các tỉnh như Bắc Giang, Tuyên Quang… để tuyển người nhưng vẫn không đủ buộc chúng tôi phải thu gọn sản xuất. Hiện chỉ còn 6 tổ sản xuất hoạt động trong một xưởng rộng 260m2.

Khó khăn thì thấy rõ và chúng tôi đang tìm mọi cách để khắc phục. Tuy nhiên mới đây, chúng tôi nhận được thông báo của Cục Thuế về cách tính toán mới của thuế đất 2011, chúng tôi thực sự thấy hoang mang. Nếu với cách tính hiện nay, thuế đất đã tăng gấp 3,4 lần. Công ty có 2ha diện tích đất, những năm trước thuế đất chỉ gần 100 triệu nhưng năm nay thông báo tiền thuế đất lên đến 1,6 tỉ đồng. Lợi nhuận chúng tôi thu được cũng chỉ vài ba tỉ đồng. Thực sự chúng tôi đang thấy rất bức xúc về cách tính thuế đất năm nay.

Ông Trần Đắc Oánh – Phó giám đốc Công ty CP Cơ khí may Gia Lâm:

Hiện nay, ngành cơ khí không còn hấp dẫn giới trẻ. Công việc vất vả mà lương lại thấp. Tài chính khó khăn, chúng tôi không thể tăng lương cho công nhân vì thế thời gian gần đây số lượng công nhân nghỉ việc nhiều. Thời điểm vận hành tối đa, công ty có 250 công nhân nhưng số lượng này giảm dần và cho đến nay chỉ con hơn 50 người. Nó khác nghề may, chỉ hướng dẫn những đường cơ bản, người học có thể nhìn để làm theo trong khi để đào tạo được người thợ cơ khí phải chỉ dẫn rất cụ thể, tỉ mỉ mất khá nhiều thời gian.

Khách hàng của chúng tôi là các DN may mặc nội địa. Những năm qua, các DN này gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp quy mô sản xuất, vì thế đơn hàng của chúng tôi giảm đi rất nhiều. Mặt khác, hiện máy móc chúng tôi đang sản xuất chủ yếu là các loại máy vạn năng, theo công nghệ lạc hậu nên năng suất không cao. Giá các mặt hàng này chỉ có thể cạnh tranh với các loại hàng ngoại còn với hàng nội cạnh tranh gặp rất nhiều khó khăn. Mấy năm nay rục rịch lên kế hoạch để chuyển giao công nghệ nhưng đến nay vẫn chưa thể tiến hành được do số tiền chi cho việc mua máy móc phải đến hàng chục tỉ mà việc vay ngân hàng đang gặp khó khăn do lãi suất tăng quá cao.

Hiện công ty đang có 250 công ty khách hàng thường xuyên. Những khách hàng này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Do vậy họ cũng cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm máy móc. Lợi nhuận từ việc bán máy móc cho các DN may không cao, chủ yếu là các đơn hàng lẻ tẻ, do vậy việc đổi mới công nghệ đang gặp nhiều cản trở.

Vừa rồi chúng tôi có nhận được thông báo về số tiền thuế đất phải nộp năm 2011. Thực sự công ty đang bị dồn vào thế bí. Trước đây chúng tôi chỉ phải nộp 500 triệu đồng tiền thuế đất mỗi năm nhưng với cách tính toán mới, số tiền công ty phải nộp lên tới 1,6 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh thu cả năm phấn đấu đạt khoảng 30 tỉ đồng nhưng thực tế lợi nhuận chỉ được hơn 1 tỉ đồng.

Thu gọn sản xuất, hoạt đồng cầm chừng và cố gắng giữ chân số lượng công nhân hiện có là biện pháp mà chúng tôi đang thực hiện. Tuy nhiên, với đà này DN khó lòng chống đỡ. Không có tiền để tăng lương cho công nhân thì khó lòng giữ được họ. Nếu không đủ công nhân thì không thể vận hành cả dây chuyền sản xuất. Áp lực duy trì tồn tại là quá lớn chưa nói đến phát triển. Chưa bao giờ chúng tôi lại thấy khó khăn dồn dập như lúc này.

Minh Lê