Diệt "siêu pháo đài bay" B-52 từ cách "vào hang bắt cọp"

07:00 | 08/12/2012

1,079 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 17/9/1967, tin bộ đội ta lần đầu tiên tiêu diệt được máy bay B-52 của Mỹ tại trận địa Vĩnh Linh nhanh chóng lan rộng ra cả nước trong niềm vui khôn xiết của quân và dân ta. Hơn một năm “vào hang” (từ tháng 6-1966 đến ngày 17-9-1967), trải qua bao gian khổ và hy sinh, cuối cùng bộ đội PK-KQ cũng đã bắt được “cọp”…

Kinh nghiệm đúc rút từ xương máu

Gặp Đại tá Nguyễn Văn Hội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Hạ Long (238), Sư đoàn 363 (Quân chủng PK-KQ), người đã trực tiếp chỉ huy đơn vị hành quân từ miền Bắc vào chiến trường Vĩnh Linh, làm nhiệm vụ “vào hang bắt cọp”, tìm cách tiêu diệt “siêu pháo đài bay” B-52 của Mỹ, chúng tôi đã được nghe ông kể về trận đánh năm xưa.

Để có được chiến thắng vang dội tại trận địa Vĩnh Linh, biết bao xương máu và nước mắt của bộ đội ta đã đổ xuống. Trong suốt quá trình tìm cách đánh B-52, bốn tiểu đội của Trung đoàn Hạ Long đã hy sinh một nửa. Chiến thắng Vĩnh Linh ngày 19/7/1967 là công sức của Tiểu đoàn 84, vốn được hợp lại từ hai tiểu đoàn bị tổn thất nhẹ hơn.

Lật giở lại từng trang kí ức, Đại tá Nguyễn Văn Hội không kìm được nỗi xúc động đang dâng trào nơi khóe mắt. 40 năm đã trôi qua, nhưng kỉ niệm về những ngày “vào hang bắt cọp” vẫn còn tươi mới và nguyên vẹn trong ông. Đại tá Hội kể lại:

“Tháng 3/1963, tôi được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng Trung đoàn 228B, tiền thân của bộ đội tên lửa đất đối không của QĐND Việt Nam, dự kiến sẽ sang Liên Xô chuyển binh chủng theo quyết định của Tổng cục Chính trị. Tuy nhiên, do điều kiện không cho phép, nên Trung đoàn 228B không thể đi học chuyển loại binh chủng. Mặc dù vậy, cấp trên vẫn quyết định duy trì Trung đoàn 228B và chờ thời cơ”.

 Đại tá Nguyễn Văn Hội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 238

Tháng 10/1964, Liên Xô cử một đoàn chuyên gia sang Việt Nam giúp đơn vị học chuyển binh chủng tại chỗ. Nhận thấy điều kiện thuận lợi, ngày 12-4-1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn tên lửa phòng không 238, Nguyễn Văn Hội làm Trung đoàn trưởng. Đến tháng 4-1966, ông được lệnh của Bộ Quốc phòng cùng Trung đoàn 238 hành quân vào phối hợp tác chiến với Quân khu 4.

Tháng 6-1966, Mỹ sử dụng máy bay B-52 đánh đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), nhằm chặn đường tiếp tế giữa hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam. Sở chỉ huy Trung đoàn 238 lúc này đang đóng ở Nghi Lộc (Nghệ An) nhận được lệnh đưa tên lửa vượt sông Lam vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) tiêu diệt B-52. Để thực hiện nhiệm vụ này, đơn vị đã tổ chức nghiên cứu, nắm quy luật bay của B-52; đội hình máy bay bảo vệ B-52; các loại nhiễu tích cực và tiêu cực trong và ngoài đội hình B-52...

Trong giai đoạn này, bộ đội ta cũng gặp không ít tổn thất. Cùng với đánh phá trên đất liền, ngoài biển, Hải quân Mỹ thường xuyên phát sóng dò tìm đài ra-đa, trận địa tên lửa của ta để oanh tạc. Vì vậy, Tiểu đoàn 83 (Trung đoàn 238) đã bị địch phát hiện. Sau 3 ngày đêm địch ròng rã rải bom, vãi đạn, hầu hết chiến sĩ của Tiểu đoàn 83 đều hy sinh. Trong những ngày ác liệt này, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 238 đã ngã xuống; nhiều bộ khí tài đã bị phá hủy, trong khi ta vẫn chưa hạ được B-52.

Cơ hội đến, B-52 đền tội

Ngày 17/9/1967, địch chủ quan cho rằng đã tiêu diệt hết tên lửa của ta. Lợi dụng điều đó, bộ binh ta trực tiếp tấn công quân Mỹ ra sát bờ Nam sông Bến Hải, buộc địch phải điều B-52 ra yểm trợ hỏa lực cho bộ binh Mỹ.

“Cơ hội đã đến! Với sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần quyết tâm lớn, tiểu đoàn 84 đã hạ gục 2 máy bay B-52 của Mỹ tại trận địa Nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh vào lúc 19 giờ. Tất cả chúng tôi đều vỡ òa trong niềm vui sướng”, Đại tá Nguyễn Văn Hội bồi hồi nhớ lại.


1 giờ sáng ngày 18/9, Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ gọi điện báo tin vui với Bác Hồ. Vừa nhấc máy, chưa kịp để đồng chí Tài nói gì, Bác đã linh cảm được và hỏi ngay: “Sao thế chú Tài? Bắn rơi B-52 rồi phải không?”.

 Đoàn chuyên gia Hunggari đến học hỏi kinh nghiệm đánh B-52 tại Trung đoàn 238 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngay sau đó, Bác đã gửi thư khen và quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai cho Tiểu đoàn 84. Bài thơ mà Bác viết nhân dịp này cũng là nguồn động viên lớn lao đối với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 84 nói riêng và toàn Trung đoàn 238 nói chung:

“Đánh cho giặc Mỹ tan tành

Năm châu ca ngợi Vĩnh Linh anh hùng”

Chiến công tiêu diệt B-52 tại Vĩnh Linh không chỉ tạo nguồn động lực lớn đối với quân đội ta, mà còn tạo tiền đề quan trọng để Quân chủng PK-KQ biên soạn cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”, dạy cách đánh B-52. Đây là cuốn tài liệu quý, góp phần giúp Bộ đội PK-KQ cùng quân, dân miền Bắc làm nên kỳ tích “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, cuối tháng 12/1972.

 

Quân đội nhân dân