Điệp khúc thiếu vắc-xin: Khổ thân con trẻ

06:30 | 16/07/2014

879 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều bậc phụ huynh liên tưởng cảnh tượng mà họ phải chầu chực tại các điểm tiêm chủng mấy tháng nay chẳng khác gì nạn đói năm 1945. Điều đó không thái quá, bởi chưa khi nào hai chữ vắc-xin lại “có giá” như năm nay. Dù có “ăn chực nằm chờ” từ mờ sáng cũng chưa chắc đã giành được một suất tiêm cho trẻ, nhiều người đã chọn phương án cuối cùng là đưa con ra nước ngoài… tiêm chủng!

Năng lượng Mới số 339

Khổ như… đưa trẻ ẵm ngửa đi tiêm

Nhiều tháng nay, việc đưa con đi tiêm chủng dịch vụ là “ác mộng” đối với các bậc phụ huynh khi liên tục nhận được câu trả lời: Hết thuốc và không biết đến bao giờ mới có lại. Thành thử phụ huynh luôn trong tình trạng “canh me”, chầu chực xếp hàng từ 4-5 giờ sáng tại các địa điểm y tế dự phòng. Cảnh tượng các ông bố, bà mẹ chen lấn, xô đẩy toát mồ hôi mong giành được suất tiêm vắc-xin cho con nhưng cuối cùng lại lục đục kéo nhau đi về khiến ai nhìn thấy cũng phải ái ngại. Trong khi đó mỗi đợt vắc-xin được đưa ra toàn nhỏ giọt, mỗi lần ở một địa điểm tiêm chủng chỉ đáp ứng được vài trăm mũi, để rồi liên tục một điệp khúc chưa kịp tiêm đã… hết!

Có mặt tại hai địa điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội là Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) và Điểm tiêm chủng 131 Lò Đúc vào những ngày đầu tháng 7, phóng viên ghi nhận tình trạng nháo nhác của các bậc phụ huynh trước phòng tiêm chủng. Buổi sáng, dù mới là giờ hành chính 8 giờ sáng nhưng nhiều bậc phụ huynh vừa đến đã nhận được câu trả lời hết số thứ tự mà đành ngơ ngác ra về không hiểu lý do. Hỏi ra thì mới được biết, phải đi xếp hàng từ 5-6 giờ sáng may ra mới đến lượt. Tương tự vào buổi chiều dù 14 giờ mới bắt đầu tiêm nhưng ngay từ 12 giờ trưa, các gia đình đã cắt cử nhau xếp hàng để chờ lấy được số thứ tự. Cảnh tượng chen lấn xô đẩy dưới cái oi nóng trưa hè, nhiều người đã ví von khổ hơn cả thời bao cấp đi mua gạo.

Trên địa bàn TP HCM được phản ánh cũng xảy ra những hiện tượng tương tự. Vậy nhưng đáng buồn là tình trạng này diễn ra liên tục và kéo dài từ đầu năm đến nay. Liên tục xảy ra cảnh tượng phòng tiêm chủng bị “bao vây” trong mỗi đợt phụ huynh nghe ngóng có vắc-xin về là lại kéo đến. Nhiều bậc phụ huynh đã phải chờ đợi hết từ đợt này sang đợt khác, tháng này sang tháng khác, có khi con đã quá tháng tuổi cần phải tiêm mà vẫn chưa có thuốc. Và đúng là, chưa năm nào vấn đề vắc-xin lại trở nên bất cập như năm nay.

Điệp khúc thiếu vắc xin: Khổ thân con trẻ

Thông báo hết văc xin tại điểm tiêm chủng 131 Lò Đúc

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do năm nay dịch bệnh bùng phát nhiều. Còn nhớ cuối tháng 1-2014, khi dịch sởi ở trẻ em bùng phát, cơ quan chức năng kết luận có tới 89% ca nhiễm bệnh trong dịp này là do trẻ chưa được tiêm chủng phòng bệnh. Nguyên do là những phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em trong thời gian qua khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại. Vì thế, sau 4 năm yên ắng thì đầu năm 2014 bệnh dịch sởi đã bùng phát và lây lan trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, số trẻ em dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ khá cao, hiện tượng bất thường này phanh phui chính các bà mẹ cũng thờ ơ với việc tiêm chủng phòng bệnh khi mang thai. Và cũng từ đây, vấn đề về việc cần thiết phải tiêm chủng phòng bệnh mới lại bắt đầu được sát sao. Thế nhưng chính tình trạng đổ xô đi tiêm chủng như thế mới dẫn đến tình trạng không đáp ứng kịp vắc- xin. Bức xúc, nhiều bậc phụ huynh đành chọn giải pháp cho con ra nước ngoài… tiêm chủng.

Đổ tội cho ông trời

Giải thích cho tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ, ông Nguyễn Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chỉ ra thực tế: “Trước đây do tâm lý lo sợ xảy ra tai biến sau tiêm vắc-xin nên nhiều bậc phụ huynh đã không cho con đi tiêm chủng. Vì thế, năm 2013 rất nhiều doanh nghiệp không tiêu thụ được lượng vắc-xin nhập về và đã phải bù lỗ nặng. Đến năm 2014, nhiều dịch bệnh bùng phát nên người dân mới lại nháo nhác đi tiêm chủng. Trong khi nhập một lô vắc-xin phải mất hơn 6 tháng, phải qua các khâu kiểm định chất lượng, đạt yêu cầu mới có thể cung cấp cho các đơn vị tiêm chủng. Những điều này dẫn tới tình trạng chậm cung cấp và khan hiếm vắc-xin như đã thấy hiện nay”.

Thêm một lý do nữa được đổ lên đầu các bậc phụ huynh rằng: Do quá nặng tâm lý “sính ngoại”. Bởi vắc-xin tiêm chủng dịch vụ thì khan hiếm nhưng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng lại luôn đáp ứng đầy đủ. Tại sao các bậc phụ huynh không lựa chọn vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho con em mình? Mặc dù, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia sản xuất vắc-xin tương đối tốt. Như vậy, về cơ bản, là do tâm lý người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng vắc-xin trong nước.

Điều này đã được chính bà Lê Thị Luân, Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế nhận xét: “Người dân ở thành thị không mấy người ưa chuộng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ mà thường chọn các loại vắc-xin dịch vụ được nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay hai loại vắc-xin tổng hợp là Pentaxim 5 trong 1 của Pháp, hay vắc-xin Infanrix Hexa 6 trong 1 của Bỉ là được ưa chuộng nhất. Thế nhưng, khi nhu cầu tăng cao thì những hàng phải nhập khẩu này lại không được đáp ứng kịp. Cũng vì thế mà nhiều người vì quá sốt ruột đã đưa con ra nước ngoài tiêm chủng”.

Từ sự vụ “cháy” vắc-xin này thì rõ ràng cũng không thể đổ tất cả lỗi lên đầu người dân. Bởi xét cho cùng thì trách nhiệm cung cấp thuốc đầy đủ vẫn phải thuộc về các cơ quan chức năng. Việc để người dân phải ra nước ngoài tiêm chủng phần nào chứng tỏ người dân không thực sự tin tưởng vào nền y tế nước nhà. Mà câu chuyện làm sao để người dân tin tưởng thì bấy lâu Bộ Y tế vẫn cứ loay hoay. Chính những sự vụ đáng tiếc xảy ra trong tiêm chủng mở rộng đã khiến người dân e ngại. Ngay như những trường hợp gần đây, dù được xác định là do những yếu tố bên ngoài tác động nhưng cũng không thể xua đuổi tâm lý hoang mang đã thành rớp trong nếp nghĩ của người dân. Thêm nữa, việc biện minh thiếu vắc-xin dịch vụ là do tâm lý người dân, do các cơ sở kinh doanh không thể dự trù hay sợ bù lỗ… cũng thật khó chấp nhận.

Thực tế, các bậc phụ huynh chỉ có thể quản lý, theo dõi lịch tiêm chủng của trẻ chứ không thể dự đoán khi nào có dịch bệnh bùng phát. Và rõ ràng, sau những sự vụ xảy ra từ vắc-xin phải rất khó khăn thì người dân mới lấy lại được niềm tin từ tiêm chủng nhưng đổi lại tình trạng thiếu thuốc kéo dài như hiện tại lại vô tình đẩy người dân đến tình trạng chán nản. Mới nói, những gì xảy ra với vắc-xin trong năm nay là một bài học đắt giá không chỉ cho các bậc phụ huynh mà còn cho cả cung cách quản lý thuốc từ phía cơ quan chức năng.

Cũng phải nói thêm rằng, đưa trẻ ra nước ngoài tiêm chủng chưa chắc đã phải là một giải pháp tốt. Theo bà Lê Thị Luân, Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế thì: Vắc-xin được sản xuất hay cung cấp ở nước ngoài bởi rất có thể còn chưa chắc đã phù hợp với cơ địa của người Việt. Vì thể trạng của người Việt với người nước ngoài là khác nhau. Trong khi tiêm vắc-xin lại đòi hỏi đúng lịch, đúng định kỳ với những mũi tiêm nhắc lại phức tạp… nên rất có thể hiệu quả từ vắc-xin không cao. Vậy mới nói, trong khi cơ quan chức năng biện minh do nhu cầu của người dân tăng bất thường khó điều chỉnh, còn người dân thì không đặt niềm tin vào y tế… Thì suy cho cùng trách nhiệm thuộc về ông trời, còn đối tượng thiệt thòi nhất vẫn là trẻ nhỏ!

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.