Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của Nga tại châu Âu

14:58 | 28/09/2020

|
(PetroTimes) - Ngày 22/9, 6 quốc gia gồm Hy Lạp, Italia, Ai Cập, Israel, Síp và Jordan đã thành lập một tổ chức thường trực để phát triển hợp tác về khí đốt thiên nhiên ở khu vực đông Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đồng ý đàm phán về tranh chấp khí đốt ở Địa Trung HảiThổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đồng ý đàm phán về tranh chấp khí đốt ở Địa Trung Hải
Liên minh khí đốt mới ven biển Địa Trung HảiLiên minh khí đốt mới ven biển Địa Trung Hải
4911-russia-gas

Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã leo thang căng thẳng trong vấn đề tìm kiếm, thăm dò tài nguyên dầu khí trong khu vực không nằm trong cơ chế hợp tác mới này.

Bộ Dầu mỏ và Khoáng sản Ai Cập cho biết, các bộ trưởng năng lượng của 6 nước đã ký hiến chương thành lập Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF). Theo thông cáo báo chí, trụ sở của EMGF sẽ đặt tại Cairo, Ai Cập với nhiệm vụ chính là tăng cường hợp tác khu vực. Đại diện Bộ Năng lượng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ký thỏa thuận với các nước thành viên EMGF để trở thành quan sát viên.

EMGF sẽ hoạt động như một nền tảng kết nối các nhà sản xuất và tiêu thụ khí, cũng như các nước trung chuyển nhằm phát triển tầm nhìn chung. Bên cạnh đó EMGF sẽ thiết lập các cuộc đối thoại cởi mở, gắn kết về chính sách sản xuất khí thiên nhiên nhằm phát triển thị trường khí bền vững trong khu vực, tối đa hóa lợi ích của các nguồn tài nguyên ở đông Địa Trung Hải.

Chuyên gia dầu khí Hussam Arafat trả lời phỏng vấn Ria Novosti cho biết, diễn đàn có tầm quan trọng không kém việc thành lập OPEC nhưng trong lĩnh vực khí đốt thiên nhiên. Việc chuyển đổi EMGF thành một tổ chức quốc tế có trụ sở và chuyên môn riêng sẽ giúp Ai Cập trở thành một trung tâm khí đốt thiên nhiên toàn cầu. Tuy nhiên, một số quốc gia sẽ không hoan nghênh động thái mới này của nhóm các nước thành viên EMGF, cụ thể là Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mục tiêu trở thành điểm trung chuyển khí đốt giữa Trung Đông, Nga và châu Âu. EMGF lại định vị Ai Cập giữ vị trí trung tâm trong việc vận chuyển khí đốt. Điều này phản ánh sức nặng về kinh tế và chính trị của Ai Cập, cùng một môi trường an ninh khá ổn định hiện nay.

Chuyên gia Hussam Arafat nhấn mạnh rằng, trong khuôn khổ EMGF, Ai Cập sẽ không chỉ khai thác khí thiên nhiên và xuất khẩu ròng. Nước này còn giải quyết vấn đề trung chuyển (quá cảnh) khí đốt của các nước trong và ngoài khu vực. Các lợi ích của Nga với tư cách là một trong những nhà cung cấp khí đốt quan trọng nhất đối với châu Âu, có thể mâu thuẫn với các hoạt động của EMGF. Điều này có thể làm xấu đi quan hệ giữa Ai Cập và Liên bang Nga. Tuy nhiên, mâu thuẫn với Nga có thể được giải quyết theo nhiều cách khác nhau.

Rất khó xảy ra việc Nga, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ liên kết lại với nhau thành một đối trọng với EMGF vì giữa Nga và Qatar đang tồn tại những bất đồng, không cho phép hình thành một liên minh như vậy. Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những bất đồng nhất định, trong khi quan hệ Nga - Ai Cập đang khá bền chặt.

Theo chuyên gia Arafat, các bất đồng giữa những bên có lợi ích liên quan có thể được giải quyết trong giai đoạn hiện nay vì EMGF mới đang ở giai đoạn kết thúc các biên bản ghi nhớ hợp tác. Do đó, lợi ích của các quốc gia bên ngoài EMGF phải được tính đến khi tổ chức này bắt đầu thực hiện các bước đi mới.

Rõ ràng các nguồn cung cấp dầu khí từ Nga sang châu Âu qua nửa thế kỷ qua đã bắt đầu gặp nhiều trở ngại và xu hướng này càng thể hiện mạnh hơn từ chính sách hạn chế thị trường tài chính, công nghệ của EU và các nước đồng minh đối với Nga trong ngắn và trung hạn, cũng như chính sách chuyển đổi năng lượng của EU trong dài hạn. Thị trường tiềm năng đối với Nga hiện nay là LNG (và trong tương lai có thể là hydro), tuy nhiên với giá khí khá thấp và tốc độ chuyển đổi sang LNG chậm chạp như hiện nay cho thấy Nga bị mất nhịp trong cuộc chơi lớn. Tổng số các dự án đang triển khai và đội tàu hiện nay chưa đủ đáp ứng việc thay thế xuất khẩu khí đốt qua đường ống. Giá dầu thấp và có thể kéo dài đến khi có nguồn năng lượng mới thay thế không những giảm sức mạnh kinh tế mà giảm cả khả năng cạnh tranh của Nga trên chính trường quốc tế.

Từ sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Belarus, tình hình ở đây sẽ trở thành điểm nóng ngay sát biên giới Liên bang Nga và có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu khí của nước này sang châu Âu.

Phạm TT

Theo Teknoblog