Điện cho Miền Nam: Không chỉ là trách nhiệm của EVN

07:10 | 13/07/2014

599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2014, để cụ thể hóa mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định cho miền Nam, một loạt các dự án nguồn điện, lưới điện đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết liệt triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đánh giá chung, tình hình cung ứng điện vào miền Nam vẫn hết sức khó khăn. Và theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, đây không phải là chuyện riêng của EVN và một mình EVN không thể tự xoay xở được!

Mục tiêu lớn

Trong năm 2014, mục tiêu mà EVN đề ra là đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; đảm bảo khối lượng và tiến độ đầu tư các dự án điện theo Quy hoạch điện VII và theo Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015, đặc biệt là các công trình cấp bách cấp điện cho miền Nam; đẩy mạnh tiến trình  tái cơ cấu Tập đoàn và đổi mới quản trị doanh nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là tối ưu hóa chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sản xuất và kinh doanh có lợi nhuận, đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động. Trong đó, “điện cho miền Nam” chính là nội dung, mục tiêu xuyên suốt được Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn chọn là chủ đề của năm 2014.

Trên cơ sở báo cáo cập nhật cân bằng cung cầu điện và giải pháp đảm bảo điện cho hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2013-2020 của Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp tháng 8/2013, quyết nghị thống nhất các giải pháp để vận hành an toàn, nâng cao khả năng tải của đường dây 500kV Bắc - Nam; thống nhất thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù để đầu tư các dự án điện cấp bách đảm bảo điện cho miền Nam. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án nguồn và lưới điện trong giai đoạn 2013-2020 và quy định một số cơ chế chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2014-2020.

Chọn chủ đề điện cho miền Nam, Tập đoàn xác định trọng tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với một số dự án đầu tư quan trọng như các dự án nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, các công trình lưới điện truyền tải đấu nối với các trung tâm nhiệt điện này và các dự án truyền tải và phân phối cấp bách khác ở miền Nam. Chủ đề được chọn cho năm 2014 không chỉ là nhiệm vụ của riêng năm 2014 mà còn có ý nghĩa tạo ra những tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển các năm sau đó để thực hiện được các mục tiêu và yêu cầu của Chính phủ đặt ra đối với Tập đoàn.

Điện cho Miền Nam: Không chỉ là trách nhiệm của EVN

Một góc nhà máy điện Vĩnh Tân 2

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng: Miền Nam hiện nay và trong tương lai gần vẫn là vùng kinh tế động lực có sự phát triển năng động, nhu cầu điện năng cũng tăng nhanh hơn bình quân cả nước. Trong khi đó, khả năng phát triển các nguồn điện mới tại chỗ có những hạn chế nhất định (ít nguồn thủy điện lớn, việc cung cấp than, khí còn nhiều vấn đề phải giải quyết). Theo dự báo, trong những năm 2018-2020, việc đảm bảo điện cho miền Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải chủ động và tích cực chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Trước năm 2013, hệ thống điện của chúng ta hầu như không có dự phòng và ngành điện phải tập trung lo phát triển các dự án nguồn. Hiện nay, với sự nỗ lực to lớn của cả ngành, chúng ta đã có dự phòng công suất nguồn ở mức gần 30%. Tuy nhiên, do nguồn điện phân bố tập trung cao ở miền Bắc và miền Trung nên việc truyền tải vào Nam cần phải xử lý một loạt vấn đề như rà soát, điều chỉnh quy hoạch, thu xếp vốn, di dân giải phóng mặt bằng cũng cần có thời gian.

“Việc chọn chủ đề “Điện cho miền Nam” không chỉ là nhiệm vụ của năm 2014 mà còn có ý nghĩa tạo tiền đề cho những năm sau, nhằm đảm bảo cho EVN thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phó - đó là đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” - Thứ trưởng Lê Dương Quang nói.

Chung tay với ngành điện

Như đã đề cập tới ở trên, mục tiêu đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định cho miền Nam chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà EVN đã đề ra không chỉ trong năm 2014 mà cả những năm tiếp theo. Và thực tế, 6 tháng đầu năm, EVN đã hoàn thành và đưa vào vận hành một loạt các dự án lưới điện như đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; hòa lưới tổ máy 1 Nhiệt điện Vĩnh Tân 2… Đồng thời, một loạt các dự án nguồn điện để cấp điện cho khu vực miền Nam như cụm nhiệt điện Vĩnh Tân (Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Cảng than Vĩnh Tân), cụm nhiệt điện Duyên Hải (Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhiệt điện Duyên Hải 3)… cũng đang được EVN quyết liệt triển khai, bám sát tiến độ.

Khối lượng công việc mà EVN phải thực hiện trong năm 2014 như vậy là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh vốn cho đầu tư, phát triển hệ thống lưới điện còn khó khăn thì đây thực sự là một thách thức lớn đối với Tập đoàn. Chính vì vậy, để hoàn thành mục tiêu này, một mình EVN sẽ khó lòng thực hiện được mà rất cần có sự vào cuộc, chung tay giúp sức từ nền kinh tế. Và theo Thứ trưởng Lê Dương Quang, đối với nhiệm vụ đảm bảo điện cho miền Nam, EVN có vai trò đặc biệt quan trọng, vì EVN là 1 trong 3 Tập đoàn trụ cột của ngành Năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, đồng thời cũng là đơn vị quản lý và vận hành toàn bộ hệ thống truyền tải - phân phối cùng nhiều nhà máy điện.

Tuy nhiên, tham gia thực hiện nhiệm vụ này còn có trách nhiệm của các Tập đoàn khác thuộc Bộ Công Thương, như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (chủ đầu tư một loạt dự án nguồn điện như Long Phú 1, Sông Hậu 1... và đảm bảo cung cấp khí cho phát điện), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (cung cấp than), các dự án điện BOT... Nói cách khác, cấp điện cho miền Nam là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cần có sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của Chính phủ, Bộ Công Thương và các ban ngành, cùng rất nhiều đơn vị liên quan, chứ không thể là “chuyện riêng” của EVN. Trong đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo tổng thể việc phát triển nguồn và lưới phù hợp với quy hoạch, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hỗ trợ các chủ đầu tư, xử lý kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế - chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án. Riêng đối với các dự án BOT, Bộ sẽ đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các văn kiện liên quan, giải quyết nhanh các thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án đúng tiến độ cam kết.

Ngoài ra, vai trò của chính quyền địa phương - nhất là các địa phương có công trình điện - cũng hết sức quan trọng, nhất là trong công tác di dân, giải phóng mặt bằng các dự án điện, cùng như việc phối hợp bảo vệ an toàn các công trình điện. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân góp sức cùng ngành điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

“Bộ Công Thương có vai trò làm đầu mối và EVN là lực lượng chủ lực. Bộ Công Thương sẽ đôn đốc các đơn vị liên quan vào cuộc cùng EVN, đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất cho EVN hoàn thành được chủ đề của năm 2014 - “Điện cho miền Nam” để tạo tiền đề cho việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong những năm tiếp theo” - Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh.

Thanh Ngọc