Đề xuất tăng tiền trợ cấp xã hội lên 500.000 đồng/tháng

13:04 | 23/10/2023

147 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng từ 360.000 đồng lên mức 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng; mở rộng thêm 3 đối tượng được hưởng thụ.
Đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội từ năm 2025Đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội từ năm 2025
Đề xuất tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội từ năm 2022 cho 8 nhóm đối tượngĐề xuất tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội từ năm 2022 cho 8 nhóm đối tượng
Giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75, bao nhiêu người được lợi?Giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75, bao nhiêu người được lợi?

3,3 triệu người hưởng trợ cấp xã hội

Kể từ khi áp dụng Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ đến nay, cả nước có khoảng 3,3 triệu người đang được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, mức 360.000 đồng/người.

Thực tế, nhiều địa phương đã nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội. Cụ thể, mức chuẩn thấp nhất là 380.000 đồng ở Hà Giang, mức chuẩn cao nhất là 500.000 đồng ở Hải Phòng. Bên cạnh đó, có 32 tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội theo đặc thù của địa phương.

10 năm trở lại đây, lương hưu được điều chỉnh 6 lần nhưng trợ cấp xã hội chỉ tăng 2 lần (Ảnh minh họa: BHXH VN).
10 năm trở lại đây, lương hưu được điều chỉnh 6 lần nhưng trợ cấp xã hội chỉ tăng 2 lần (Ảnh minh họa: BHXH VN).

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng vẫn còn thấp, mới chỉ hỗ trợ một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng.

Mức trợ cấp xã hội hiện chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Giai đoạn 10 năm 2013-2023, tiền lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng 6 lần, tuy nhiên mức chuẩn trợ cấp xã hội chỉ được điều chỉnh tăng 2 lần.

Đề xuất 2 mức tăng trợ cấp

Từ thực tế trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nghiên cứu xây dựng, sửa đổi Nghị định số 20, dự kiến thực hiện từ 1/7/2024.

Theo đó, Bộ này đề xuất hai phương án tăng mức trợ cấp, hiện đang tổng hợp để hoàn thiện báo cáo Chính phủ.

Phương án 1, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng từ 360.000 đồng/người lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Phương án 2, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng từ 360.000 đồng/người lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng mức trợ cấp xã hội hàng tháng (Ảnh minh họa: Xuân Cường).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng mức trợ cấp xã hội hàng tháng (Ảnh minh họa: Xuân Cường).

Hiện, phương án Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu để trình Chính phủ là, ngoài tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng theo phương án 1; bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội gồm: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người nuôi dưỡng, trẻ em dưới 3 tuổi và người cao tuổi 75-80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo Bộ này, nếu như tăng mức trợ cấp như trên và mở rộng thêm 3 nhóm đối tượng, kinh phí tăng thêm trong năm 2024 dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng.

Liên quan đến tiêu chí xác định đối tượng, tác động, nguồn kinh phí nên Bộ tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Tài chính để xem xét, thống nhất phương án đề xuất. Sau đó, sẽ sớm trình Chính phủ để ban hành trong năm 2024.

Theo Dân trí