Đề xuất phạt tù lái xe có nồng độ cồn cao

06:50 | 09/05/2015

670 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt mức quy định lại gặp nhiều khó khăn do trang thiết bị kiểm tra, cũng như chế tài xử phạt. Điều đặc biệt, Việt Nam lại đứng trong “top” tiêu thụ rượu, bia ở mức cao trên thế giới.

Tại Hội nghị tổng kết kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ diễn ra vào ngày 8/5, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tai nạn giao thông đường bộ là vấn nạn vô cùng nhức nhối. Mỗi năm, khu vực châu Á có tới từ 1,2-1,3 triệu tử vong vì tai nạn giao thông và bị thương 50 triệu người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo tai nạn giao thông vẫn tiếp tục gia tăng.

Cũng theo WHO, tai nạn giao thông do rượu, bia ở Việt Nam chiếm hơn 36% số vụ. Tuy nhiên, con số thống kê của lực lượng thực thi nhiệm vụ lại chỉ có 6,8% số người điều khiển phương tiện uống rượu, bia gây ra tai nạn giao thông. Tại báo cáo của Cảnh sát giao thông cũng đưa ra các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Đứng đầu là quá tốc độ và đi sai làn đường.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam - đại diện WHO cho rằng người Việt Nam tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức cao trên thế giới. Nam giới trong độ tuổi lao động (18-55 tuổi) có khoảng 44 triệu người thường xuyên uống rượu, bia.

Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn trong khí thở của tài xế.

Chia sẻ về kinh nghiệm kiểm soát nồng độ cồn của các nước trên thế giới, ông Nam nhấn mạnh đến các biện pháp xử phạt mạnh tay đủ sức răn đe lái xe uống rượu, bia. Cụ thể như phạt tù và tước bằng lái vĩnh viễn, tăng nặng tiền phạt…

Đóng góp tham luận tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C67, Bộ Công an) đã chỉ ra những khó khăn trong công tác kiểm soát, xử lý người vi phạm nồng độ cồn. Đồng thời cũng thừa nhận những tồn tại trong quá trình kiểm soát rượu, bia như thói quen sử dụng loại uống có cồn của người dân Việt Nam, nhất là trong các ngày nghỉ lễ, Tết. Ý thức chấp hành luật pháp chưa cao, một số người vi phạm khi bị kiểm tra có hành vi chống đối hoặc có thái độ không hợp tác …

Cũng tại hội thảo, đại diện một số tỉnh, thành cho rằng, thiếu máy móc, trang thiết bị gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong khâu kiểm soát, xử lý. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần làm tốt hơn khâu trang bị này.

Còn theo ông Nam, Chính phủ Việt Nam cần có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ, thống nhất quy định nồng độ cồn đối với ôtô và xe máy 30mg/dl (dl là Đêxilit, 10dl bằng 1 lít). Cơ quan chức năng cần tăng nặng các hình thức xử phạt và cưỡng chế thực thi nghiêm khắc, như: phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao trên 80mg/dl; phạt nặng hành vi tái phạm.

Còn theo Đại tá Lưu Thiện Tuấn - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lào Cai, Bộ Tài chính nên đưa sản xuất rượu, bia của các doanh nghiệp vào thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời phải quản lý với các cửa hàng kinh doanh buôn bán rượu, bia được bán số lượng cụ thể và thời gian bán. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cần đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị địa phương mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm tra nồng độ cồn, tạo điều kiện thuận lợi cho công an phối hợp.

Đồng quan điểm với Đại tá Lưu Thiện Tuấn, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ Công an cần tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng phương tiện tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Tăng cường mua sắm trang thiết bị máy đo nồng độ cồn cho Cảnh sát giao thông các địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện.

Thiên Minh (Năng lượng Mới)