Đề nghị đánh giá tình hình lao động trái phép ở nước ngoài

13:41 | 04/11/2019

241 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đại biểu Quốc hội bày tỏ đau xót về thảm kịch 39 người tử vong ở Anh và đề nghị cơ quan chức năng "nghiêm túc đánh giá tình hình".

Sáng 4/11, phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói thảm kịch 39 người tử vong trong container tại Anh đã "khiến cả thế giới bàng hoàng", "cá nhân tôi cảm thấy đau xót khi có nạn nhân người Việt Nam".

"Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới tất cả gia đình các nạn nhân và bày tỏ căm phẫn với những kẻ phạm tội mua bán người, tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", ông Cường nói.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đánh giá, các cơ quan chức năng Việt Nam đã kịp thời khởi tố vụ án và phối hợp với nhà chức trách Anh để xử lý. "Đây là điều cần thiết nhưng chưa đủ, các cơ quan chức năng phải nghiêm túc đánh giá tình hình để rút ra bài học, tránh lặp lại những thảm kịch tương tự", ông nhấn mạnh.

Đề nghị đánh giá tình hình lao động trái phép ở nước ngoài
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Cường nhận định, thảm kịch trên xảy ra do nhiều lý do liên quan đến những kẻ phạm tội và nạn nhân, "nhưng không thể không nói đến nguyên nhân từ hạn chế trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước, trong một số trường hợp chưa theo kịp, đi sau thực tiễn và đây chính là hồi chuông cảnh báo".

Theo ông, mỗi năm có hơn 100.000 người Việt Nam ra nước ngoài lao động qua con đường chính thức, bên cạnh đó, lao động "chui" cũng là một thực trạng đã được đề cập lâu nay; có xã ở vùng quê hơn 1.000 người đi nước ngoài. "Họ đi theo những con đường khác nhau, trong đó nhiều người tự nguyện xuất khẩu lao động chui, nhưng sợ vi phạm pháp luật nước sở tại nên phải trốn tránh, bị lợi dụng, ép buộc làm việc trong điều kiện tồi tệ, làm những việc phi pháp và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người", ông Cường nói.

Trong khi đó, tội phạm đưa người đi nước ngoài trái phép "hoạt động ngày càng tinh vi, xuyên quốc gia, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người liên quan; nghi phạm chính thường là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài, bị hại thường không biết thông tin cụ thể về các nghi phạm này".

Các nghi phạm đó lợi dụng hoàn cảnh của các gia đình và thông qua mạng xã hội để lôi kéo, dụ dỗ, dùng hộ chiếu giả đưa người vượt biên qua đường mòn, gây khó khăn cho cơ quan chức năng, lực lượng tuần tra biên giới. "Thực tế này cho thấy công tác tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm khi tham gia vào đường dây mua, bán người còn hạn chế", ông Cường nói và cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương.

Đồng thời, ông Cường cho rằng, qua thảm kịch vừa xảy ra cho thấy việc quản lý nhân khẩu, an ninh biên giới, xuất nhập cảnh ở các địa phương còn bất cập. Vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, đưa người lao động ra nước ngoài bằng con đường chính thức và công tác đấu tranh xử lý đường dây mua, bán người, môi giới người trốn ra nước ngoài còn hạn chế.

"Đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ này và rút ra bài học kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập", ông Cường nói.

Tham gia ý kiến, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, vụ án xảy ra tại Anh nên nhà chức trách nước này sẽ kết luận về tội danh của các tội phạm liên quan. Còn ở Việt Nam, những nghi phạm bị bắt không phải với hành vi buôn người mà là t

ội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài

trái phép, theo điều 349 Bộ luật Hình sự 2015.

Đại biểu

Nguyễn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

thì cho rằng, trong trường hợp nghi phạm tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép để cung cấp cho những nhóm buôn người theo đặt hàng từ trước thì có dấu hiệu của hành vi buôn người; còn nếu không có yếu tố buôn người thì mới là hành vi tổ chức, môi giới đưa người ra nước ngoài trái phép.

Đề nghị đánh giá tình hình lao động trái phép ở nước ngoài
Đại biểu Nguyễn Chiến. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Theo ông Chiến, cho dù là buôn người hay tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép công an Nghệ An đã có biện pháp mạnh mẽ, điều tra, bắt 8 nghi phạm để làm rõ. "Đây là động thái tích cực để ngăn chặn tội phạm", ông Chiến nói. Tuy nhiên, ông cho rằng cần đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan chức năng, đơn vị liên quan, "chính quyền địa phương nơi nạn nhân cư trú, công ty du lịch... có trách nhiệm như thế nào? Tại sao lại không quản lý được?", ông Chiến nhấn mạnh.

39 thi thể được tìm thấy trong xe container ở khu công nghiệp gần cảng Purfleet, hạt Essex, đông bắc London hôm 23/10.

Cảnh sát Anh ngày 1/11 ra thông báo tin rằng các nạn nhân trong vụ 39 người chết trên xe container là công dân Việt Nam. Danh tính các nạn nhân chưa được công bố.

Ngày 3/11, đoàn công tác Bộ Ngoại giao và Bộ Công an đã sang Anh để phối hợp xác minh danh tính các nạn nhân.

Theo VNE

Công an Nghệ An bắt 8 đối tượng đưa người đi Anh trong vụ 39 người chết
Bộ trưởng Công an thông tin diễn biến mới nhất vụ 39 người chết trong container
Thủ tướng chỉ đạo xác minh thông tin vụ 39 người chết trong container tại Anh
Nghi vấn băng đảng "Đầu rắn" buôn người Trung Quốc sau vụ 39 người chết ở Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc