Để không lỡ nhịp, bỏ lỡ cơ hội và không có lỗi với Nhân dân

06:38 | 02/06/2022

146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hay những giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đều là những quyết sách đặc biệt của Quốc hội Khóa XV, nhận được nhiều kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước. Song, sự chậm trễ trong triển khai các chính sách này hay một số hành vi trục lợi trong dịch bệnh đã làm “nóng” ngày thảo luận đầu tiên về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của Quốc hội.

Các đoàn kiểm tra đã không còn là thuốc đặc hiệu

Đại dịch Covid-19 khiến người dân và cộng đồng doanh nghiệp vô cùng khó khăn, và vì vậy Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất này là một kỳ họp đặc biệt, chưa có tiền lệ, với bao công sức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu Quốc hội thông qua nhiều cơ chế, chính sách hết sức kịp thời và cần thiết.

Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), Kỳ họp bất thường lần thứ nhất chứng tỏ Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đất nước đặt ra, trong đó đáng chú ý là việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 43 của Quốc hội được ban hành với khí thế thần tốc nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường chưa từng có tiền lệ. Sau đó 19 ngày, ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 với 5 nhóm giải pháp trọng tâm và bố trí nguồn lực cụ thể. Chính phủ và trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đôn đốc rất quyết liệt, nhưng ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhận thấy, việc triển khai thực hiện còn chậm so với yêu cầu được đề ra.

Trước câu hỏi chúng ta có lý do để chậm triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội không, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng “không có nhiều lý do để chậm”. Bởi, trên thực tế, việc triển khai gói chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khách quan, có điều kiện thuận lợi, dịch bệnh cơ bản được khống chế và đẩy lùi. Xét về nguồn lực, ĐB Vũ Thị Lưu Mai khẳng định "đã sẵn sàng". Về quy trình, thủ tục cũng đã được đơn giản hóa tới mức tối đa, thậm chí thực hiện phân cấp tối đa tới từng bộ, ngành, địa phương. “Có những tiền lệ mà trước đây chúng ta chưa bao giờ áp dụng”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai lưu ý.

Trên thực tế, do mục tiêu phục hồi được đặt ra cùng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nên về nguyên tắc, dòng tiền của các gói chính sách tài khóa, tiền tệ được Quốc hội quyết định, kể cả đầu tư phát triển phải được hấp thu ngay vào nền kinh tế nước ta trong năm nay mới là tối ưu. Hơn nữa, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 từ 6 - 6,5% như Quốc hội đề ra thì tác động của các chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 cũng có vai trò quan trọng. Vì thế, qua 4 tháng triển khai chậm chạp khiến Nghị quyết này chưa thực sự đi vào cuộc sống, các ĐB Vũ Thị Lưu Mai và Nguyễn Hữu Thông đề nghị, Chính phủ đánh giá, xem xét kỹ vấn đề này, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và từ đó có các giải pháp hữu hiệu hơn.

Cùng với Nghị quyết 43, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung quy định của 9 luật, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, những vướng mắc trong Luật Đầu tư công đã được tháo gỡ rất nhiều.

“Nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua chưa được cải thiện. Những biện pháp truyền thống mà bấy lâu nay Chính phủ vẫn triển khai quyết liệt như thành lập các đoàn công tác kiểm tra đốc thúc, quy trách nhiệm cho người đứng đầu về tiến độ giải ngân, cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án giải ngân chậm... xem ra không còn là thuốc đặc hiệu, không ai bị xử lý vì không quy được trách nhiệm”, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh.

Để phát huy tính năng động, sáng tạo, đột phá của người quản lý trong giải ngân vốn đầu tư công, ĐB Hoàng Văn Cường đã hiến kế 5 cơ chế cần được Quốc hội, Chính phủ lưu ý. Trong đó, bên cạnh các cơ chế về giải phóng mặt bằng, áp dụng cơ chế chỉ định thầu, cơ chế bồi thường, áp dụng pháp luật, ĐB Hoàng Văn Cường lưu ý, nên trao quyền cho chủ đầu tư được điều chỉnh các nội dung và kỹ thuật thi công dự án trên nguyên tắc không thay đổi mục tiêu và kết quả đầu ra không thấp hơn đã phê duyệt; các yếu tố kỹ thuật và chất lượng công trình không thấp hơn tiêu chuẩn thiết kế; chi phí đầu tư không cao hơn tổng chi phí phê duyệt. Đồng thời, chủ đầu tư chịu trách nhiệm tính xác đáng về các thông tin thay đổi và chỉ cần báo cáo với cơ quan ra quyết định chủ trương đầu tư.

Làm rõ có sự bắt tay trong các hành vi trục lợi chính sách chống dịch không?

Bên cạnh thực hiện phục hồi kinh tế, để chia sẻ và đồng hành với Chính phủ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện quy trình lập pháp đặc biệt. Qua đó, đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất với một số giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh; Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật ban hành.

Mỗi chính sách được ban hành đều có nguy cơ bị lợi dụng, trục lợi, nên Quốc hội, Chính phủ đã hết sức quan tâm phòng chống nguy cơ này. Nhấn mạnh điều này, song ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng nêu rõ, các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 vẫn xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau. Những hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách từ phân phối nguồn lực cho các đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, những hoạt động mang tính nhân đạo như giải cứu lao động về nước, đến các hoạt động mua bán, sản xuất thiết bị, phòng chống dịch… khiến cử tri và dư luận hết sức bất bình.

Những hành vi đó đã, đang và sẽ bị xử lý nghiêm minh. Họ đã và đang đứng trước pháp đình chịu sự phán xử nghiêm khắc của pháp luật hình sự, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo quản lý. Điều đó không chỉ thể hiện thái độ không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước, mà còn chứng minh rằng không có vùng cấm trong xử lý sai phạm.

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu rõ, những sai lầm trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công, tội phân minh, nhưng sau "cơn bão lớn", việc phục hồi và phát triển tốt hơn ngành y tế - một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Đại biểu tỉnh Bình Định nhấn mạnh, không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một hệ thống tê liệt; đề nghị, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định, thông tư nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế, nhất là đầu tư cho y tế cơ sở, thu hút tài năng, nguồn nhân lực y tế… “Không chỉ là về vật chất mà trong lúc này về tinh thần, sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế chúng tôi cần nhất”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.

Trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những quyết đáp đặc biệt nhằm đồng hành và hỗ trợ Chính phủ trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cũng như tiến hành phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội đã tổ chức một kỳ họp đặc biệt, với một chương trình đặc biệt, nên như ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhận định “rất cần một quyết tâm đặc biệt và một cách làm đặc biệt của Chính phủ”. Bởi, chúng ta không thể lỡ nhịp, bỏ lỡ cơ hội, để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở thành nguội lạnh.

Theo Thanh Hải/ Báo điện tử Đại biểu Nhân dân