Đầu độc thị hiếu?!

06:00 | 18/09/2013

1,398 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lẽ ra, các cơ quan truyền thông phải có cách hành xử khác để tạo nên những quy chuẩn xác đáng hơn về mặt văn hóa. Nhưng trái lại, họ lại “đồng lõa” với đám đông để kích động không khí phát cuồng với những trò nhảm nhí và những giá trị ảo được tạo nên từ chuyện “trai đẹp bị trục xuất” đến Việt Nam.

Tháng 4/2013, giới truyền thông phương Tây loan tin, Omar cùng hai người bạn bị trục xuất khỏi một lễ hội được tổ chức tại Arập  Xêút vì lý do “Ban tổ chức e ngại họ quá đẹp trai, sẽ làm ảnh hưởng đến những chuẩn mực đạo đức chung của những vị khách nữ tham gia lễ hội”. Bản tin này được truyền thông ta lập tức dịch lại và phát tán, ngay sau đó một bộ phận giới trẻ bắt đầu phát “cuồng” vì Omar. Các trang báo mạng quyết định đặt cho Omar một biệt danh “trai đẹp bị trục xuất”, cái tên ấy gắn với chàng trai người Arập này cho đến tận bây giờ!

Xem những bức ảnh mang tính chất “lừa tình” hơn là thực tế của Omar trên facebook, nhiều fan trẻ xứ ta, nhất là các cô gái như kêu gào, khóc ngất vì “trai đẹp” này. Họ lên facebook của anh, hết mời gọi, đến tha thiết mong muốn rồi năn nỉ ỉ ôi để anh ta đến Việt Nam. Và một công ty, có một tạp chí dành cho gia đình đã vô cùng quan tâm đến nguyện vọng gặp “trai đẹp” của một bộ phận công chúng trẻ này. Họ lập tức lên kế hoạch mời anh ta đến Việt Nam. Mà không những chỉ có “trai đẹp” Omar, họ còn hào phóng “khuyến mãi” thêm những 3 trai đẹp khác, đó là 3 chàng trai họ Lưu, người Canada gốc ta. Ban tổ chức “chém gió” rằng 3 chàng này nổi tiếng ở phương Tây lắm, từng tham gia phim “Pacific Rim”, song sau đó dân tình lên mạng lùng sục thì mới hay ở xứ người chẳng có ai nhắc tới 3 chàng này, dù là một câu!

Trước khi Omar đến Việt Nam, các fan của anh đã một lần vỡ mộng khi được biết, thật ra Omar chẳng phải “bị trục xuất vì quá đẹp trai” như các báo mạng đăng tải. Sự thật thì Omar là 1 trong 3 người bị buộc rời khỏi một lễ hội văn hóa ở Arập  Xêút và bị trục xuất về nước không phải vì “quá đẹp trai” mà do anh ta đã cố tiến vào khu vực không phù hợp và có những biểu hiện thái quá. Đó là tất cả lý do khiến anh ta bị tống cổ ra khỏi cuộc chơi!

Rồi khi “trai đẹp” này đặt chân đến Việt Nam, công chúng lần nữa lại nhắc đến từ “thất vọng” khi tận mắt chứng kiến một Omar bằng xương bằng thịt ở sân bay Tân Sơn Nhất với vẻ đẹp “thường thường”, chẳng có gì nổi bật. Chưa kể là tối đến thì vẻ đẹp của Omar trở nên “kỳ dị” khi anh quấn cái khăn trên đầu. Các trang báo mạng đêm đó đã miêu tả cận cảnh “trai đẹp” bằng những bức ảnh với những cử chỉ rất “nữ tính” như chuyện liên tục lấy tay sửa khăn trên đầu, cắn ngón tay, nụ cười lúc nào cũng e ấp, duyên dáng! “Nhan sắc” ấy của anh còn khiến cả một “cô” đạo diễn nào đó tên Vô Thường bỗng dưng nhảy đỏng lên tự tuyên bố trên báo chí rằng “ta là gay” rồi như quát vào mặt Omar rằng: “Trai đẹp” hay chỉ là “đĩ đực” rồi đạo diễn đó cho biết mình chẳng bao giờ muốn làm việc chung với “trai đẹp” này! Nhưng chuyện đáng nói nhất ở đây là phát ngôn “đỉnh” của anh chàng gay này lại được rút lên làm tít lớn của một bài báo!

“Trai đẹp” Omar đến Việt Nam, báo mạng tập trung khai thác tối đa về diện mạo của anh ngay từ khi mới đáp chuyến bay từ phương Tây đến, bằng những bức ảnh cận cảnh và những miêu tả tỉ mỉ của ngòi bút. Có người đặt câu hỏi rằng, tại sao người ta lại đi bình luận nhiều về vẻ đẹp của anh như thế? Thật ra, nếu không nói về vẻ đẹp của anh thì người ta sẽ chẳng còn gì khác để nói. Và anh cũng được “mua”, chứ không phải mời về Việt Nam bằng một đống ngoại tệ cũng chỉ vì lý do “bị trục xuất vì quá đẹp trai” mà thôi.

Sự lố lăng của việc mời Omar sang Việt Nam tăng lên khi có thông báo có 30 khán giả may mắn từ bốc thăm được ăn trưa miễn phí cùng Omar. Và vì tự tin với nhan sắc của Omar nên họ còn quyết định tổ chức đấu giá từ thiện bữa ăn tối riêng với Omar, y như một kiểu kinh doanh cái đẹp! Theo đó người nào muốn ăn tối riêng với Omar thì phải tham gia đấu giá từ thiện với mức đấu giá khởi điểm là 20 triệu đồng.

Nhưng khổ thân cho Omar và ban tổ chức chương trình, bởi sự quá khác biệt giữa mạng ảo và đời thật của Omar khiến cơn sốt của công chúng về “trai đẹp” đến Việt Nam đã không diễn ra như người ta tưởng. Chẳng có sự chen lấn, gào thét, khóc ngất nào diễn ra giống như hình ảnh của giới hâm mộ trẻ dành cho các ngôi sao Hàn vài năm trước đây! Tất cả đều rất trầm lắng, trái hẳn việc Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới về “phát cuồng” với Omar. Và đỉnh điểm là buổi đấu giá các vật phẩm của anh, bữa ăn tối lãng mạn với anh cũng ế chỏng ế chơ, cô MC Huyền Ny của chương trình vừa phải đóng vai trò là MC, hoạt náo viên vừa đóng vai trò là người “chữa cháy” khi bản thân cô phải tự đấu giá các vật phẩm và suất ăn tối với Omar.

Vụ “trai đẹp” Omar đến Việt Nam đã kết thúc, Omar đã về nước sau chương trình “Kết nối ước mơ” (13/9) nhưng hậu trường liên quan đến sự kiện được cho là nhảm nhất này vẫn còn đang lùm xùm, đó là chuyện tố nhau giữa hoa hậu Thùy Dung và ban tổ chức. Có thể nói, đêm diễn “Kết nối ước mơ” là đỉnh điểm của sự nhạt nhẽo và nhảm nhí quanh sự kiện này. Chương trình không mang lại được bất cứ thông điệp nào như mục tiêu mà ban tổ chức chương trình đã đề ra. Khán giả không những thất vọng về sự rời rạc của chương trình mà còn bức xúc vì nhân vật được chờ đón nhất là “trai đẹp” Omar và ba chàng trai họ Lưu gốc Việt chỉ xuất hiện rất ngắn gọn trên sân khấu. Họ nói vài câu vô bổ, sau đó dắt người mẫu đi vòng quanh sân khấu rồi… kết thúc chương trình. Đó là tất cả những gì mà khán giả được chứng kiến “tài năng” cũng như nhìn ngắm “trai đẹp”, người được ban tổ chức bỏ ra cả đống ngoại tệ để mời về và cả một chiến dịch truyền thông tốn kém sau đó! 

Cuối cùng người ta không hiểu mục đích của sự xuất hiện của “trai đẹp” là gì? Công ty đưa Omar đến đương nhiên là vì chuyện kinh doanh, chuyện làm thương hiệu nhưng với công chúng thì có lẽ không gì khác hơn là chỉ để so sánh xem ở ngoài đời và trong ảnh anh ta khác nhau thế nào! Đơn vị tổ chức sự kiện này không những lãng phí khi bỏ ra hàng tỉ VNĐ để mời Omar mà đó còn là biểu hiện của sự coi thường khán giả.

Song, chuyện yêu thích cái đẹp là bình thường, công ty đưa Omar về Việt Nam chỉ thuần túy là vì chuyện kinh doanh nên việc họ tạo ra những giá trị ảo và những trò múa may quay cuồng cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng điều đáng lên án nhất ở đây chính là sự nhiệt tình thái quá của một số báo mạng. Lẽ ra, các cơ quan truyền thông phải có cách hành xử đúng mực, để tạo nên những quy chuẩn xác đáng hơn về mặt văn hóa. Trái lại, họ lại “đồng lõa” với đám đông để kích động không khí phát cuồng vì những trò nhảm nhí và những giá trị ảo.

Vì thế, công bằng mà nói, sự xuất hiện của Omar tại Việt Nam cũng có ý nghĩa khi làm cho nhiều người phải giật mình về mức độ nhảm của một bộ phận truyền thông hiện tại, một kiểu “đầu độc” thị hiếu không thương tiếc. Và sự xuất hiện của anh cũng đã cho thấy thẩm mỹ công chúng Việt thật ra không tệ như nhiều người nghĩ. Vì bằng trái tim và sự ngưỡng mộ của mình, họ yêu thích chàng trai giàu nghị lực không tay không chân Nick Vujicic hơn là ngưỡng mộ và yêu thích một thanh niên chỉ vì anh ta “quá đẹp trai!

Lê Trúc