Đâu còn "phiên chợ trăm năm"!

16:53 | 31/01/2012

1,493 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cứ vào ngày 4, 9, 14, 19, 24 và 29 Âm lịch, phiên chợ Bưởi lại được tổ chức. Phiên chợ đã được mặc định trong tâm thức người mua, người bán hàng trăm năm nay nhưng do thời thế đổi thay, cái nét xưa của chợ Bưởi dần mất đi khiến những ai yêu cái hương vị chợ xưa phải nao lòng, lưu luyến.

Chợ Bưởi tọa lạc ở một vị trí đắc địa, nơi giao nhau của con đường Hoàng Hoa Thám và đường Bưởi. Cái tên chợ Bưởi vẫn còn nhưng “phần xác” của nó đã khoác thêm màu sắc hiện đại với một tòa nhà 3 tầng làm nơi họp chợ cho tiểu thương. Và để duy trì cái phiên chợ xưa, người ta tổ chức một khu đất chừng 20m2 làm nơi buôn bán cho những người bán con giống, cây giống.

Nét chợ xưa nay còn đâu?

Và mỗi tháng 6 lần, những người bán cây, con giống lại đem sản vật của nhà nuôi trồng được đến đây bán. Khu chợ xưa ấy nhìn thật xót xa. Nó nằm tít mãi trong góc chợ Bưởi, cách mặt đường chừng 70m. Ở đây, là nơi được quy hoạch bán cây, con giống nhưng thoạt nhìn chỉ thấy con giống mà chẳng thấy cây giống đâu.

Theo lời anh Nguyễn Văn Phúc (nhân viên bảo vệ chợ Bưởi) thì những người bán cây giống không có đất để ngồi bán; phải ra rìa chợ, cạnh ngã ba đường Bưởi và đường Hoàng Hoa Thám bám trụ ở đó. Việc tách riêng khu bán con giống, cây giống ra làm hai nơi khiến cho cái vẻ đẹp chợ Bưởi xưa như bị xé toang, dễ bị nhầm lẫn vào cái không gian chợ hiện đại.

Những con giống bán ở phiên chợ Bưởi là chó, mèo, thỏ...

Khu bán con giống khá hẹp và tựa lưng vào những đồ vật trông rất chướng mắt.

PV Petrotimes ngồi trò chuyện với bà Phương Hạnh, người đang mang 2 con chó ta đi bán. Bà Hạnh đã có thâm niên bán con giống ở phiên chợ Bưởi được chừng 10 năm, chẳng thấm thoát vào đâu so với những người bán khác nhưng bà hiểu đủ mọi thứ khó coi ở đây. Dù là người bán lâu năm nhưng nếu không thường xuyên có sản vật đem bán thì cũng bị xí chỗ ngay bởi khu vực này đất đã chật, người bán lại đông. Những người cạnh tranh với bà Hạnh không ai khác chính là những người đi buôn con giống.

Chợ Bưởi xưa không có những thành phần trung gian đó mà chỉ là những người tự nuôi con giống rồi đến phiên đem ra chợ bán. Phong thái bán hàng của những người buôn con giống là bắt chẹt khách hàng.

Đứng một lúc mà PV Petrotimes nghe được hai mệnh giá trên cùng một con chó. Khi người mua là một cụ ông tóc bạc phơ, đứng xem một lúc lâu rồi ngả giá, một người bán nói: "330 nghìn cụ ạ”. Cụ ông thấy giá cao quá, trả thấp một chút nhưng không được chấp nhận và không mua nữa. Một lúc sau, hai người trông trẻ trung, vẫn ngồi trên chiếc xe Attila hỏi mua con chó đó và nhận được mệnh giá: "520 chị ơi”.

Đem câu chuyện đó hỏi bà Hạnh, bà bảo chợ phiên xưa không có chuyện nói thách, mặc cả nên rất thuận mua vừa bán. Không chỉ có chuyện thách giá, mặc cả mà ngay cái cách mua hàng của khách ở đây cũng thật đáng buồn. Do được tự do đi xe trong khu vực chợ nên nhiều người vẫn thản nhiên ngồi trên xe máy và hỏi giá; có người còn đội nguyên cái mũ bảo hiểm to choán đầu, đeo khẩu trang kín mặt.

Những hình ảnh người mua ngồi trên xe và hỏi giá đã làm mất đi thẩm mỹ của phiên chợ Bưởi.

Trên tấm biển quảng cáo này có hai thông tin trái ngược nhau cùng đăng tải và những con số về ngày họp chợ quá nhỏ so với chữ Hapro và Ansa.

Nhiều người bán còn quát tháo những người tham quan khu chợ xưa nếu chụp ảnh hoặc hỏi mua quá nhiều mà không mua. Nếu ai không biết đây là khu chợ phiên của chợ Bưởi thì khu này không khác mấy so với khu bán hàng khác ở các chợ hiện đại bởi cái nét mua bán xưa đã không còn, nay đã bị pha tạp nhiều phương cách mua bán hỗn tạp.

Ở khu bán cây giống, hạt giống ngay sát cổng lớn chợ Bưởi tuy có vẻ điềm nhiên hơn những cũng rình rập những nguy cơ vỡ… chợ. Chỉ là tập trung của 6 – 7 người bán cây giống, hạt giống nhưng họ phải đối mặt với những nguy hiểm về an toàn giao thông. Người bán là thế, người mua cũng không mấy dễ chịu nếu xe máy, xe con cứ ù ù đi bên cạnh.

Theo lời bà Lan Đại, người đã có 50 năm bán cây giống ở phiên chợ Bưởi thì nhiều hôm, khách đang mua hàng thì một cái xe buýt đỗ xịch sát chân. Khách hoảng quá suýt ngất. Bà Đại cũng phải chuẩn bị cho mình nón, khẩu trang để tránh nắng và bụi đường tạt vào mỗi khi có xe to chạy qua.

Bà bảo ước gì những người bán hàng như bà được dọn về một nơi kín đáo hơn, an toàn hơn để tuổi già đỡ phải run rẩy trước cái nhiễu loạn của phố thị.

Một đời bám chợ Bưởi

Chưa có thống kê chính xác nhưng với hơn 50 năm bán hàng ở chợ Bưởi, bà Lan Đại (cư trú Nhổn) là một trong những người bán hàng lâu năm nhất. Bà Đại nay đã 75 tuổi, bà bán rau và hạt giống từ thời con gái. Bố mẹ bà có nhiều mảnh đất nông nghiệp ở khu Nhổn nên đã làm rau đem lên chợ Bưởi bán kiếm cơm nuôi gia đình.

Thuở xưa bà phải đi bộ gần 20km để đến được chợ Bưởi bán hàng. Thức dậy từ 3h sáng và quảy gánh hàng rau đi trong đêm tối suốt mấy chục năm, dù ngày mưa hay giá lạnh, bà Đại cũng chẳng bỏ phiên chợ nào. Chính vì một tháng 6 phiên nên những ngày khác, bà Đại lại gánh hàng rau giống đi sang tận chợ Mơ, Đồng Xuân và gần nhất là chợ Canh để kiếm thêm thu nhập.

Gánh hàng rau của bà nuôi được 8 người con khôn lớn trưởng thành. Nay các con đã có gia đình riêng nên dù có biếu bà chút tiền nhưng bà không thích nhận. Bà Đại vẫn duy trì gánh hàng rau giống này để kiếm thêm vài chục mỗi phiên dành dụm cho những chuyến đi chùa.

Bà Lan Đại tâm sự: “Tuổi già làm cho vui và cũng đi bán vì nhớ cái không khí chợ xưa lắm”.

Khu bán cây giống nằm sát lề đường Lạc Long Quân.

Bà Lan Đại (75 tuổi) có thể là người bán rau lâu năm nhất chợ Bưởi.

Trong tiềm thức của bà Đại, cái phiên chợ Bưởi xưa sao mà tinh tế và quyến rũ thế. Cả người mua và người bán đều thích đến chợ. Có khi chẳng ai mua hàng gì đem về, cũng có khi người bán ế hàng nhưng tất cả đều vui bởi không gian chợ ngày xưa là một nơi quần tụ con người, nơi để người dân trao đổi những tâm sự cuộc sống hàng ngày. Nay ra chợ, người bán chỉ biết bán, người mua chỉ để mua, những câu chuyện tầm giao về cuộc sống cũng tắt lịm.

Bên cạnh bà Lan Đại là anh Đăng Nguyên trông rất hiền lành và không nói chuyện với ai bao giờ. Hỏi ra mới biết, anh bị tật bẩm sinh nên không nói được nhưng vẫn nghe loáng thoáng. Trong khi bán, anh Nguyên thường ra dấu tay để ý chỉ mệnh giá của sản phẩm, cũng có khi anh cần bà Đại “phiên dịch”.

Hai vợ chồng anh Nguyên đều làm ruộng, hai con đã học lớp 2 và lớp 7 nên phải làm lụng vất vả mới lo toan được cho gia đình. Dù bất lợi trong lời nói nhưng anh Nguyên bán hàng rất duyên và khách của anh toàn người quen.

10 năm bán rau giống bên cạnh bà Đại cũng là khoảng thời gian anh Nguyên học được nhiều cái văn hóa bán hàng của bà Đại. Hình như không ai dám mặc cả với bà đại mớ rau giống hay lạng hạt giống bao giờ và cái duyên bán hàng ấy cũng được anh Nguyên hưởng thụ.

Dù chỉ bán những thứ hàng có giá trị thấp nhưng với bà Đại và anh Nguyên, việc duy trì bán hàng ở phiên chợ Bưởi trước tiên là một nhu cầu cho cuộc sống sinh nhai; nhưng cao hơn, họ cảm thấy nơi đây chính là cuộc sống của họ – một cuộc sống mà có thể tựa lưng vào cái văn hóa xưa để quên đi những vất vả của cuộc sống lo toan thời hiện đại.

Không gian phố thị đã làm mất đi vẻ xưa cũ của khu chợ bán cây, hạt giống.

Những loại hạt ở đây giá khá rẻ. Cải cúc giá 20 nghìn/lạng, cải mơ 15 nghìn/lạng, cải ngọt 15 nghìn/lạng, mùng tơi 30 nghìn/lạng.

Anh Đăng Nguyên bán hàng bằng kí hiệu tay.

Cái đẹp ở những người bán hàng nơi đây chính là những cử chỉ giúp đỡ nhau. Anh Đăng Nguyên đang cho rau vào túi, giúp bà Lan Đại bán hàng trong khi anh cũng có một sạp hàng bên cạnh nhưng chưa ai đến mua.

Bà Lan Đại gói hạt giống cho khách bằng giấy vụn.

Đức Chính