Đập phá, bỏ làng ra đi vì... "ma ám"?

07:00 | 20/02/2014

1,369 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 10 ngày nay, người dân làng Bút Tưa của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu sống trong cảnh hoang mang, cho rằng làng bị “ma ám” nên mới có nhiều người chết trong tư thế treo cổ, nên đã đập phá nhà cửa, rời bỏ làng đi nơi khác ở. Tuy nhiên, đây chỉ là lời đồn thổi, tung tin của kẻ xấu để gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Chính quyền địa phương đang tích cực, cố gắng giải thích, vận động để người dân quay trở lại cuộc sống thường nhật.

Làng có nhiều người chết treo cổ

Theo ghi nhận, gần 20 hộ dân của làng Bút Tưa của xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam lũ lượt bỏ nhà của mình đến tá túc nhà người thân ở các khu vực lân cận, không những vậy mọi đồ đạc, tài sản cũng được mang theo vì lo sợ có... ma.

Được biết, chỉ trong vòng một tháng, tại làng Bút Tưa của xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, có 2 người tự tử khiến cho hàng chục hộ dân đồng bào Cơ Tu ở đây lần lượt bỏ nhà đi nơi khác sinh sống vì lo sợ. Ngôi làng trở nên hoang vắng, bao trùm không khí u ám đến lạnh lẽo. Một người dân địa phương cho biết, sau Tết Nguyên đán đến nay, gần 20 hộ dân ở tổ dân cư số 2 của thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn lũ lượt bỏ nhà của mình, đến tá túc nhà người thân ở các khu vực lân cận.

Rời bỏ làng đi đã đành, mọi đồ đạc, tài sản của họ cũng được họ mang theo. Một số người còn dựng chòi tạm ngay bên đường đi vào làng để ở. Trong khi đó, những căn nhà xây kiên cố, khang trang bỗng chốc thành những căn nhà hoang, trong làng vắng bóng người qua lại khiến ai cũng hoang mang, lo sợ.

Nhà cửa bị đập phá tan hoang.

Kể từ khi sự việc xảy ra, người dân làng Bút Tưa không ai dám đến gần khu vực xảy ra các vụ tự tử vì sợ. Nên dẫn đến cuộc sống của người dân bị đảo lộn với nhiều khó khăn chồng chất. Mọi công việc đồng áng, nương rẫy đều bị gián đoạn. Ai cũng lo cho công việc giải quyết hậu quả sau đợt di cư, tìm nơi ở tạm thời. Tuy nhiên, một số người cho hay cả 2 trường hợp tự tử đều từng có bệnh lý về thần kinh và đã có thời gian điều trị tại các bệnh viện.

Được biết, ALăng Nghĩa, bị bệnh tâm thần đã bốn năm, bất ngờ vào một buổi trưa đến nhà anh trai chơi, nói năng lung tung, rồi sau đó không hiểu sao ALăng Nghĩa đi tìm sợi dây rồi treo cổ chết. Ngay sau đó dân trong làng cho rằng con ma đã thâm nhập vùng đất này, chưa hết bởi dòng họ nhà ALăng Nghĩa đã có năm người tự tử trong tư thế treo cổ làm cho sự việc bị thêu dệt to hơn, rùng rợn hơn, chính vì vậy mà dân làng hoang mang, nỗi sợ hãi bao trùm cả làng. Chưa hết, ngoài ra, trong dịp Tết vừa rồi còn có thêm hai người trong thôn treo cổ tự vẫn nữa. Cứ thế, dân làng cho rằng, làng mình bị “con ma” nó về bắt thật… mới có nhiều người chết như vậy.

Anh ALăng Phần, một cư dân địa phương, cho hay: "Gia đình mình định cư tại khu đất này hơn 50 năm nhưng nay phải đập bỏ nhà ra đi vì mỗi năm ở đây có 3-4 người chết, người trong nhà mình ai cũng sợ “con ma” sẽ quay trở lại bắt người làng nữa như ALăng Nghĩa đó nên phải dọn đồ đạc đi khỏi làng thôi. Không ai dám ở làng nữa đâu. Đập nhà mình thấy tiếc lắm vì số tiền xây nhà rất lớn. Giờ dời đi cũng chưa biết ở đâu nhưng phải đập bỏ vì người trong thôn nói nếu không đi trong tháng tới sẽ có người chết nữa".

Chỉ là tin đồn, gây xáo trộn cuộc sống người dân

Về chuyện này, ông Lê Duy Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang xác nhận có xảy ra tình trạng một số hộ dân của làng Bút Tưa của xã Sông Kôn bỏ nhà đi. Theo ông Thắng, ngay sau khi nắm được sự việc, lãnh đạo huyện Đông Giang đã trực tiếp làm việc với địa phương, gặp gỡ người dân để nắm bắt tình hình và kịp thời làm công tác tư tưởng, động viên người dân an tâm sinh sống.

Trong khi đó, ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết là vào ngày 12/2, đích thân ông đã đi xuống nơi xảy ra sự việc để gặp gỡ người dân và giải thích với người hiểu bản chất sự việc mà yên tâm sinh sống. Để đảm bảo an ninh trật tự cũng như an toàn về tài sản của người dân, ông Đỗ Tài cho biết, đã chỉ đạo các lực lượng công an, dân quân cơ động xã túc trực, bảo vệ tài sản người dân tại khu vực dựng chòi. Đồng thời, cũng huy động lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ việc tháo gỡ những căn nhà của người dân, di chuyển về vị trí tập kết tại khu dân cư số 1, bắt đầu từ ngày 13/2.

Theo ông Đỗ Tài, ban đầu đã có 13 hộ dân sau khi rời bỏ làng đi đã đồng ý quay trở lại nơi ở cũ nhưng bất ngờ bị kẻ xấu tung tin mê tín dị đoan, đồn thổi cho rằng đó là điềm báo xấu nên người dân kiên quyết bỏ làng. Hiện chính quyền địa phường cùng các cơ quan chức năng, vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân làng hiểu cặn kẽ bản chất sự việc để không rời bỏ làng đi nữa, cũng như không đập phá nhà cửa sẽ dẫn đến đời sống bị xáo trộn về sau.

X.H