Đạo đức giả giờ đây đã là vấn đề

14:25 | 18/10/2012

2,908 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mấy ngày nay trên các diễn đàn đang nóng vấn đề “bệnh giả dối”. Họ bàn luận và có cả tranh luận gay gắt xung quanh căn bệnh này ở nước ta, nhiều lý giải được đưa ra, có đồng tình, có phản đối… Để hiểu thêm căn bệnh này phải nhìn với nhiều chiều hướng khác nhau. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng.

PV: Mấy ngày qua “bệnh giả dối” được bàn luận sôi nổi từ chốn nghị sự đến các trang báo. Theo ông, vì sao “giả dối” trở thành một căn bệnh trầm kha trong xã hội ta?

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Nói về căn bệnh này, chúng ta phải đi tìm căn nguyên của nó. Xã hội ta hiện nay, các hệ giá trị cũ do mâu thuẫn với yêu cầu bình thường hóa cuộc sống của con người và hiện đại hóa để phát triển, nên càng ngày càng bị thu hẹp chỗ đứng. Ngược lại, các giá trị mới lại phát triển cực đoan về mức độ, vồ vập và tự phát bồng bột - xét ở hình thức chọn lựa và hành xử, mà đặc trưng nổi bật là ích kỷ, duy lợi, kiếm tiền bằng mọi giá, nên đặt đạo đức trên bờ vực của nguy cơ băng hoại. Cái cũ đã mất chỗ đứng, cái mới thật sự chưa hình thành tạo nên tình trạng song đề (dilemma) trong hiện trạng văn - xã. Đây là môi trường màu mỡ cho sự hư vô về niềm tin và luật pháp.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, do những mặt trái của kinh tế thị trường mới đẻ ra “bệnh giả dối”, ông nghĩ sao?

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Đúng là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản là sự tham lam vô độ. Cái gì lợi thì làm và cái gì không lợi thì không làm, bắt đầu từ định đề của nhà kinh tế Adam Smith. Tuy nhiên, ngay trong thời săn bắt hái lượm, khi săn được một con thú thì tại sao thợ săn mời tất cả bộ lạc cùng ăn. Thứ nhất là anh ta không có cách để tích trữ thức ăn đó và cái thứ hai rất quan trọng là anh ta mời như vậy để dự phòng ngày mai anh không săn được thì người khác sẽ mời anh ta ăn. Hành xử như vậy là dựa trên khế ước xã hội không thành văn, đảm bảo an sinh xã hội. Loài người từ thuở đó đã không chỉ kiếm về cho riêng mình.

Con người sống thành cộng đồng thì phải có những ràng buộc như vậy, đây là mối quan hệ tương tác và là quy luật tất nhiên của xã hội. Chính điều này đã xác lập tính cộng đồng và con người luôn quan tâm đến mối quan hệ với tha nhân, với cộng đồng; tính vị kỷ, vô trách nhiệm luôn bị phê phán.

PV: Làm sao để hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường thưa ông?

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Chúng ta đều biết là trong tất cả các giáo trình kinh tế học hiện đại thì không có giáo trình nào mà không có một chương nói về “Đạo đức và trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp. Đạo đức và trách nhiệm xã hội này được thể chế thành luật, ai vi phạm sẽ bị luật pháp xử ngay. Ví như doanh nghiệp vi phạm môi trường sẽ bị xử rất nặng… Trong khi kinh tế thị trường ở nước mình chưa nhấn mạnh có hiệu quả đến phần này.

Chủ nghĩa tư bản trong quá trình phát triển của nó được hệ thống pháp luật điều chỉnh, chế định để cân bằng.

Vì thế, thể chế nào muốn tồn tại cũng phải luôn đổi mới dựa trên thực tế nếu không thay đổi thì nó chết. Phải thực sự đổi mới, đảm bảo hiệu quả và nó được chế định để thay đổi chứ không phải nói đổi mới nhưng trên thực tế thì cái gì cũng nửa vời và mang tính chất giải pháp tình thế nên về cơ bản không thay đổi gì mấy.

PV: Hồi đi học, chúng tôi còn nhớ thầy cô dạy rằng, “đói cho sạch, rách cho thơm” nhưng dường như điều này không còn phổ biến trong xã hội hiện nay?

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Thời đại chúng ta cũng từng dạy: “Ăn no rồi mới ăn ngon, mặc ấm rồi mới mặc đẹp”. Thời khốn khó “đói ăn rau” thì thịt được coi là ăn ngon hơn rau, nhưng bây giờ xem ra rau lại được đổi ngôi và được coi là ngon và bổ. Nói cách khác, trong cái ăn để no tự nó cũng chứa yếu tố ngon - ngon theo phẩm chất nội tại của nó và căn duyên chủ quan của người dùng nó.

Nói cách khác, trong no có ngon, trong ấm có đẹp. Đó là hai thuộc tính của một thực thể chứ không phải là hai quá trình của một tiến trình. Hãy dè chừng với sự tráo trở của loại tư duy tư biện kiểu này. Nói tắt một lời là bất cứ việc gì, được coi là chính đáng khi cùng lúc nó trả lời được cả hai câu hỏi về sự tồn tại và tồn tại như thế nào.

PV: Từ năm 1991 chúng ta đã có chủ trương xây dựng nền văn hóa “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Ông có ý kiến gì về cương lĩnh này?

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Trước hết ta phải hiểu cho đúng khái niệm. Tiên tiến được hiểu là các giá trị hiện đại và bản sắc dân tộc là giá trị truyền thống. Đây là hai mặt trong chỉnh thể văn hóa, bởi một dạng thức đương đại nào tự thân cũng được xem xét, chọn lựa trên cơ sở truyền thống - hiện đại. Trong thực tế, quan điểm coi truyền thống và hiện đại là bất tương dung lại chuyển từ cực này sang cực khác.

Nếu trước đây, quan điểm này dẫn đến thái độ hư vô về truyền thống, thậm chí là chủ nghĩa “sa mạc về văn hóa”, thì hơn mấy thập niên trở lại đây lại ngả sang chiều ngược lại mà phổ biến là quan điểm thượng tôn truyền thống, thường tỏ ra ham chuộng việc xây dựng các “lý thuyết” căn cứ vào các sử liệu để diễn giải các quyết sách hiện hành và dự đoán tương lai. Sự thượng tôn truyền thống/bản sắc thực sự đã làm mất cân bằng chỉnh thể “tiên tiến - đậm đà bản sắc” và làm mất phương hướng trong chiến lược phát triển văn hóa, biểu hiện khá rõ là xu hướng thiên trọng đến việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và e ngại với cái mới/tiên tiến - hệ quả của tâm lý bài tha của xu hướng dân tộc trung tâm thâm căn cố đế.

PV: Có phải điều đó thể hiện ở sự phục hồi nhiều bản sắc dân tộc đã không còn phù hợp?

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Hiển nhiên là phải hiện đại hóa theo con đường riêng của mình, phù hợp với các điều kiện riêng của mình, song phải biết rằng không thể tìm được con đường phát triển tốt đẹp sau cánh cửa truyền thống. Nói cách khác, hiện đại hóa bao gồm hiện đại hóa văn hóa, hiện đại hóa văn hóa bao gồm hiện đại các đặc điểm văn hóa dân tộc. Do đó, nói đến bản sắc là nói đến sâu rễ bền gốc, đồng thời cũng là sự chuyển biến đến cái mới, cái phổ quát. Quan tâm đến bản sắc/truyền thống là nhằm bảo đảm sự liên tục văn hóa, tránh sự đứt gãy trong tiến trình phát triển, chú ý đến sự tiến bộ chứ không để mình bị giam cầm trong truyền thống vì nội hôn là đồng nghĩa với suy vong.

Do đó trong thời đại ngày nay chúng ta chọn giá trị gì trong bản sắc văn hóa để gìn giữ chứ không phải giữ lại tất cả. Đặc điểm của cộng đồng đương đại là cộng đồng duy lý, duy vật, khoa học và tính toán dựa trên 4 phép tính khoa học chứ không phải tính toán dựa trên sự thần bí. Mọi sự việc đời nay không quy vào sự thần bí thì mới gọi là tiến bộ.

PV: Vậy, bảo vệ giá trị truyền thống cũng là cách tự vệ trong thời toàn cầu hóa hiện nay của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Đúng. Đây là phản ứng phải có trước xu thế và triển vọng hội nhập đang không ngừng mở rộng về không gian và thời gian, diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực. Theo đó, những tác động ồ ạt của các yếu tố văn hóa đa tạp từ bên ngoài du nhập vào bằng nhiều con đường mà phương cách kiểm soát cũ coi ra không còn hữu hiệu nữa. Vấn đề là phải chọn lựa. Có được sự chọn lựa đúng đắn là nhờ vào trình độ dân trí chứ không phải thượng tôn truyền thống quá mức và kỳ vọng lấy đó làm rào cản, làm màng lọc.

PVTheo ông, chúng ta phải làm gì để giải quyết thực trạng trên?

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Để thoát khỏi hiện trạng song đề của văn xã, việc cần thiết là phải xác lập một hệ chuẩn giá trị mới phù hợp với quyền lợi lâu dài của dân tộc và nỗ lực xúc tiến các biện pháp hữu hiệu làm cho hệ chuẩn mới đó trở thành giá trị định hướng cho phát triển.

PV: Cảm ơn ông!

Sống đạo đức giả hay còn gọi là chủ nghĩa tương đối về đạo đức hoặc chủ nghĩa thực dụng hai mặt, đồng nhất coi cái lợi vị kỷ với cái đúng, tức không theo đuổi một giá trị đạo lý nào cả là đặc điểm phổ biến thường thấy trong xã hội đương đại. Đa phần là chấp nhận nhân cách nhị trùng trong mỗi cá nhân.


Thiên Thanh (thực hiện)