Sự cố vỡ đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội:

Đã vỡ 4 điểm, sẽ vỡ tiếp 25 điểm nữa?

10:52 | 26/12/2013

2,648 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ khi đi vào khai thác đến nay, đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội đã xảy ra 4 lần vỡ đường ống và riêng năm 2013 xảy ra 3 lần. Sự cố này đã gây nhiều thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân thủ đô. Điều đáng ngại nhất là việc vỡ đường ống đã được cảnh báo từ lâu, nhưng người có trách nhiệm vẫn phớt lờ.

>> Hà Nội: Vỡ đường ống nước, 70 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng

>> Hà Nội: 5 quận, huyện sẽ mất nước trong 3 ngày?

>> Người dân thủ đô lại tạm thời mất nguồn nước sạch

Hai năm 4 lần vỡ

Đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư. Nguồn nước được sử dụng từ nước mặt sông Đà đưa về hệ thống nhà máy nước sạch trên địa bàn Hà Nội để xử lý. Năm 2008, Đường ống dẫn nước DN1500 được hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng với công suất 300.000m3/ngày.

Hệ thống dẫn nước bao gồm các hạng mục chính, gồm: kênh dẫn nước, các trạm bơm, nhà máy xử lý nước, bể chứa điều hòa và các tuyến ống truyền tải dẫn nước sạch từ nhà máy về đến vành đai III Hà Nội. Hiện hơn 47,5km đường ống được coi là "độc đạo" đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy Nước sạch sông Đà (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) về đến xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội).

Đây được coi là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho hơn 70.000 hộ dân thuộc các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Chính vì vậy, mỗi lần xảy ra sự cố, việc cấp nước sinh hoạt sẽ phải dừng lại và phạm vi ảnh hưởng khá lớn.

Đường ống dẫn nước DN1500 trong năm 2013 đã xảy ra sự cố 3 lần.

Theo ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Viwaco (đơn vị quản lý đường ống dẫn nước DN1500), sự cố vỡ đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội mới nhất xảy ra vào chiều ngày 16/12/2013 trên đường nối của Đại lộ Thăng Long (thuộc địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Sự cố đã tạo thành một hố rộng có đường kính rộng khoảng 15 mét, sâu khoảng gần 10 mét.

Cũng theo Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Viwaco, từ đầu năm 2013 đến nay, đây là lần thứ 3 đường ống cấp nước sông Đà cho Hà Nội bị vỡ. Trước đó, vào trưa ngày 23/3, đường ống nước tuyến DN1500 từ Nhà máy nước mặt Sông Đà về Hà Nội đã xảy ra sự cố. Địa điểm vỡ ống dẫn nước thuộc km29 Đại lộ Thăng Long. Với sự cố này, Viwaco phải ngừng cấp nước, gây ảnh hưởng đến khoảng 70.000 hộ dân là khách hàng sử dụng nước sạch của Viwaco.

Đến ngày 21/11, tại km 27 Đại lộ Thăng Long (thuộc địa phận xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lại xảy ra sự cố vỡ đường ống DN1500. Địa điểm gặp sự cố cách nút giao cắt Đại lộ Thăng Long – đường Hồ Chí Minh (Ngã ba Hòa Lạc) về Hà Nội 3 km, trên dải phân cách giữa làn đường ô tô và xe máy. Đoạn ống vỡ chừng 5m, đường kính ống nước 2m, nằm sâu dưới lòng đất. Nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội được xác định là do nền địa chất trên Đại lộ Thăng Long không ổn định. Cùng với việc áp lực nước trong lòng đường ống rất mạnh nên dẫn đến vỡ đường ống dẫn nước.

Tính từ khi đi vào hoạt động, đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội đã xảy ra tất cả 4 lần. Lần đầu tiên xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước là ngày 4/2/2012. Địa điểm gặp sự cố là KM10+900 trên Đại lộ Thăng Long đã xảy ra sự cố với tuyến ống DN1500 dẫn đến việc tạm dừng cấp nước cho các khách hàng thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và một số xã thuộc huyện Từ Liêm. Sự cố khiến hơn 40.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.

Sự cố sẽ còn tiếp diễn

Sau mỗi lần xảy ra sự cố, Viwaco đã phải huy động hàng trăm công nhân cùng các phương tiện máy móc để khắc phục và mỗi lần như vậy đơn vị quản lý đường ống phải chi hàng tỉ đồng. Theo lý giải từ phía Viwaco, nguyên nhân ban đầu có thể do nền đất yếu, cộng với việc gần đường cao tốc nên đường ống bị rung và dịch chuyển gây nên sự cố.  

Xung quanh việc vỡ đường ống nước liên tục xảy ra được phía Viwaco đổ lỗi cho tuyến Đại lộ Thăng Long, ông Nguyễn Sỹ Trung - kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) cho hay: "Phía Viwaco đổ lỗi cho tuyến Đại lộ Thăng Long là không chính xác. Tuyến đường này có chiều dài gần 30km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau. Đặc biệt, có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m, dài 20-200m. Khi làm đường, chúng tôi đã phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian bằng công nghệ cọc cát, giếng cát, thay đất… khi nền ổn định mới xây dựng công trình. Đến bây giờ có thể khẳng định, tuyến đường rất ổn định.

Trong khi đó, đường ống nước sông Đà được đặt cách vai đường Láng - Hòa Lạc 12,5m, độ sâu từ 4-6m so với mặt đất tự nhiên, không nằm trong phạm vi xử lý nền đường. Tôi khẳng định đường ống không nằm trong nền đường cao tốc, do đó cũng không thể nói nền đường Đại lộ Thăng Long gây sụt lún ảnh hưởng vỡ đường ống. Hơn nữa, độ rung từ mặt đường cao tốc do ô tô đi lại gây ảnh hưởng đến đường ống về mặt định lượng gần như bằng không. Khi hai dự án cùng thực hiện (đường Láng - Hòa Lạc và đường ống nước sạch sông Đà), không dưới 5 lần tại các cuộc họp tôi đã cảnh báo khá gay gắt chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu. Tuy nhiên, họ không nghe mà vẫn tiến hành đặt đường ống mà không xử lý nền yếu".

“Các điểm xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước đều trùng khớp với các điểm có nền đất yếu mà chúng tôi từng cảnh báo chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà. Tôi khẳng định, đường ống dẫn nước này còn xảy ra sự cố và sẽ xảy ra ở 25 điểm khác nữa trong năm tới” – ông Nguyễn Sỹ Trung nói thêm.

Việc vỡ đường ống đã được cảnh báo từ lâu, nhưng người có trách nhiệm đã phớt lờ.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến các sự cố của đường ống dẫn nước DN1500, ông Nguyễn Sỹ Trung cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa là do người thiết kế và nhà thầu thi công chưa xử lý móng của tuyến ống, để nó chạy trên nền đất yếu. Vật liệu của ống lại là composite, là vật liệu mới được áp dụng gần như đầu tiên ở Việt Nam, không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng. Bởi vậy khi móng của đường ống không đều, tuyến ống sẽ vỡ”.

“Đã có sự cẩu thả và vô trách nhiệm trong việc thi công. Nhà thầu làm cho xong, còn chủ đầu tư, đơn vị nghiệm thu nhắm mắt cho qua. Không thể đặt đường ống một cách vô tư, cẩu thả trên tất cả các địa hình mặc dù đã được cảnh báo từ trước. Chỉ tính riêng trên toàn bộ Đại lộ Thăng Long, có tới 5,4km là đất yếu, nếu không thể xử lý đường ống toàn tuyến chí ít cũng phải ưu tiên xử lý đường ống đoạn chạy qua nền đất yếu này” - ông Nguyễn Sỹ Trung nhấn mạnh..

Theo kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung, sự việc xem như đã rồi, giờ tìm được nguyên nhân thì nên khắc phục theo hướng “sống chung với lũ”. Theo đó, một là đơn vị quản lý, khai thác có thể xây dựng một bể chứa dự phòng phía gần nội đô, khi có sự cố xảy ra sẽ lấy nước từ đây bơm về; hai là làm một đường ống nước thứ 2 có quy mô tương tự. Nếu không, đường ống dẫn nước này còn xảy ra nhiều lần vỡ tiếp và người dân vẫn phải gánh chịu cảnh mất nước sinh hoạt. Liên tiếp các sự cố xảy ra khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tính ổn định của đường ống dẫn nước sạch sông Đà, cũng như chất lượng đường ống. Với nền đất yếu không được xử lý, ai dám khẳng định sẽ không còn xảy ra sự cố.

Thiên Minh - Nguyễn Hoan