Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Đã đến lúc phải ngồi với nhau, nhưng…

07:00 | 14/07/2013

335 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin trên tờ China News (7/7) đang khiến dư luận quan ngại về khả năng gia tăng căng thẳng tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi nhân kỷ niệm 76 năm sự kiện cầu Lư Câu, nhiều tổ chức ở Hongkong đã tổ chức biểu tình trước lãnh sự quán Nhật Bản tại Hongkong, yêu cầu Tokyo thừa nhận lịch sử.

Theo người phát ngôn của “Ủy ban Hành động bảo vệ đảo Điếu Ngư” Hongkong, ngày 15/7 (ngày Nhật Bản thua trận), họ sẽ kết hợp với các nhà hoạt động “bảo vệ đảo Điếu Ngư” ở các khu vực khác đến vùng biển thuộc Senkaku/Điếu Ngư câu cá, tuyên bố chủ quyền và không loại trừ khả năng đổ bộ lên quần đảo này. Cũng trong ngày 7/7, tờ Phượng Hoàng (Hongkong) cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe đã phê phán Trung Quốc có ý đồ thay đổi hiện trạng trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Ông Shinzo Abe nhấn mạnh, việc Nhật Bản không chịu thừa nhận tồn tại tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không thể trở thành lý do để Trung Quốc từ chối tiến hành các cuộc họp song phương ở cấp cao nhất. Tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng cho rằng, căng thẳng Trung - Nhật trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư vẫn tiếp tục diễn ra.

Lại vì “giấc mộng Trung Hoa”

Ngày 4/7, Hội Nhà báo Trung Quốc tổ chức giao lưu với chủ đề “Giấc mộng Trung Hoa” và tại diễn đàn này, Thiếu tướng La Viện đã có bài tham luận gây chú ý. Bởi theo học giả “diều hâu” này, “giấc mơ Trung Hoa” bao gồm dân giàu và quân mạnh, trong đó có cả những thách thức tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông La Viện cho rằng, Biển Đông và biển Hoa Đông đang là những thách thức đối với Trung Quốc, đồng thời quy trách nhiệm gây rối Biển Đông và biển Hoa Đông là do Mỹ.

Theo ông La Viện, nếu chỉ dân giàu mà quân không mạnh thì không thể trở thành cường quốc và “giấc mộng Trung Hoa” là một phần quan trọng trong “giấc mơ nhân loại”, bởi sau khoảng 100 năm Trung Quốc bị “sỉ nhục”, giờ là lúc Bắc Kinh muốn nhanh chóng trở thành cường quốc. Nhưng có 2 thách thức lớn để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”: một là, phải làm thế nào để giải thích với thế giới về con đường trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc; hai là, một số nước phương Tây vẫn cảnh giác với con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Vẫn theo Thiếu tướng La Viện, Philippines là “kẻ gây rối” ở Biển Đông, đồng thời cho rằng, Manila hy vọng thông qua việc nâng cao năng lực quốc phòng để giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ là hoang tưởng bởi cho dù có nhập bao nhiêu vũ khí, Philippines cũng không thể thay đổi được tương quan lực lượng với Trung Quốc. Trước đó (4/7), ông La Viện còn chỉ trích gay gắt Mỹ và Philippines về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc với quốc gia Đông Nam Á vì cho rằng, Washington đã đổ thêm dầu vào lửa khi hợp tác với Manila trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.

Phát biểu của ông La Viện được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vừa mời người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đến thăm Philippines để thảo luận về tất cả các vấn đề liên quan đến hai nước. Ông Albert del Rosario muốn nhắc ông Vương Nghị làm điều này vì Ngoại trưởng Philippines đã 3 lần thăm Bắc Kinh trong khi người đồng cấp Trung Quốc chưa từng đến Manila kể từ khi được cử làm Ngoại trưởng quốc gia đông dân nhất thế giới. Ngoài ra, ông Albert del Rosario cũng từ chối bình luận, thậm chí coi thường, không thèm chấp những phát biểu của Thiếu tướng La Viện.

Ngày 4/7, tờ Inquirer (Philippines) nhận định, chỉ sau 1 năm đã có nhiều khác biệt trong nhận thức và hành động về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và ASEAN đã trở nên đoàn kết hơn trước, còn Camphuchia đã bắt đầu “thấy lỗi và sửa sai”. Bởi tại hội nghị AMM46, ASEAN một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải trong khu vực Biển Đông. ASEAN - Trung Quốc đã nhất trí tiến hành tham vấn chính thức ở cấp quan chức cấp cao (SOM) về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào tháng 9. Tuy nhiên, đã có không ít chuyên gia cảnh báo, cho dù ký được COC với Trung Quốc, Biển Đông chưa chắc đã bình yên. Bởi không ai dám chắc COC sẽ được tuân thủ đầy đủ từ các bên, nhất là Trung Quốc. Theo ông Carlyle Thayer, Giáo sư của Đại học New South Wales, Australia, mọi chính sách của Trung Quốc là phản ứng, là đối phó và chủ quyền là dây thần kinh sống của Bắc Kinh và hiển nhiên khi bị chạm, dù nhẹ, dây thần kinh đó sẽ phản ứng lại.

Trong cuốn “Sự trỗi dậy của Trung Quốc đi ngược logic chiến lược phát triển”, tác giả người Mỹ, một chuyên gia trong lĩnh vực chiến lược Edward Luttwak đã phân tích và bày kế khống chế Trung Quốc. Theo đó, Mỹ cần gây áp lực địa chính trị chiến lược, đánh quỵ kinh tế của Bắc Kinh đến cấp độ không còn có thể gây ra các mối đe dọa, loại bỏ khả năng Trung Quốc thống trị thị trường thế giới. Ngày 2/7, tờ The Huffington Post (Mỹ) đăng bài viết nhan đề “Chuẩn bị khai chiến với Trung Quốc”. Theo đó, nếu không điều tra được Trung Quốc tập trung sự quan tâm đối với những thách thức nghiêm trọng trong nước hay đối đầu với Mỹ, Washington phải đánh giá nghiêm túc vấn đề này để tránh rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang to lớn. Nhưng kế hoạch “tác chiến trên không - trên biển” thực sự đáng để nghiên cứu.

Có đi có lại mới hiểu “bụng nhau”

Ngày 7/7, tờ thời báo kinh tế Nikkei dẫn báo cáo của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, Tokyo có kế hoạch phóng 9 tên lửa giám sát các đại dương trên thế giới trong vòng 5 năm tới. Trước đó (4/7), tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin của tờ Sankei (Nhật Bản) cho biết, Chủ tịch đảng Duy Tân hội Nhật Bản, cựu Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara nhấn mạnh, nếu không sửa Hiến pháp, Nhật Bản sẽ thành chư hầu của Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn Cầu chỉ trích ông Shintaro Ishihara là kẻ “cuồng ngôn loạn ngữ”, “ăn nói càn rỡ” khi thường xuyên gọi Trung Quốc là China tại những nơi công cộng.

Trong cuộc gặp song phương tại Tokyo hôm 5/7, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật biển quốc tế về tranh chấp chủ quyền biển, đảo. Cũng trong ngày 5/7, trang tin Want China Times cho biết, không quân Mỹ - Nhật dự định tập trận từ ngày 8 đến 12/7 tại không phận giữa đảo Hokkaido và Misawa, địa điểm gần nơi Hải quân Trung Quốc và Nga đang tập trận chung trên biển Hoa Đông từ ngày 5 đến 12/7.

Học giả "diều hâu" La Viện

Theo trang quân sự Stars and Stripes của Mỹ, việc Mỹ và các đồng minh ở châu Á liên tục tập trận cho thấy những xu hướng tích cực trong việc triển khai hải quân. Song, điều đó không có nghĩa căng thẳng trên biển ở khu vực này đã được giải quyết. Giới phân tích nhận định, hầu hết các quốc gia đều muốn hợp tác với Mỹ theo kiểu “dựa lưng hổ”, trong việc triển khai tập trận trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, bất chấp dấu hiệu tích cực trong quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên.

Ngày 6/7, tờ Shanghai Daily đưa tin, một tòa án ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vừa tuyên phạt 10 năm tù giam đối với ông Thái Dương vì hành hung dã man một chủ xe Toyota Corolla trong cuộc biểu tình chống Nhật Bản hồi năm ngoái sau khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Nhưng cũng trong ngày 6/7, Hãng tin Kyodo lẫn lời Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 3 tàu hải giám Trung Quốc bị phát hiện ở ngoài khu vực lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông hôm 6/7. Đây là ngày thứ hai liên tiếp tàu Trung Quốc bị phát hiện ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 5/7, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài viết cho rằng, ngày 3/7 trên mạng Internet Trung Quốc xuất hiện một thông tin gây chú ý: 9 giờ ngày 21/6, tàu Hải giám 5001 Trung Quốc đang tuần tra ở biển Hoa Đông đã đối mặt với tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của quân Mỹ tại vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và phát lời cảnh báo với con tàu này. Tàu thăm dò đại dương là tàu hỗ trợ của hải quân, thuộc Bộ Tư lệnh vận tải quân sự trên biển, chủ yếu dùng để thu thập các thông tin về địa hình đáy biển, thủy văn, âm thanh nước, hải lưu nước sâu, dùng để phân tích nghiên cứu phạm vi hoạt động tiềm năng, đường ra vào cho lực lượng dưới nước như tàu ngầm ở các vùng biển có liên quan.

Trước đó (4/7), chuyên gia quân sự Trung Quốc Vương Á Nam khi trả lời tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, rất nhiều tàu thăm dò đại dương Mỹ không chỉ sử dụng thiết bị định vị thủy âm có tính năng cao, mà còn trang bị thiết bị thu thập tín hiệu điện tử, nếu xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của một nước nào đó thì hoàn toàn có thể thu thập được những đặc điểm tín hiệu điện tử của máy bay, tàu thuyền đang hoạt động ở vùng biển gần.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu vừa đăng bài viết cho rằng, từ cuộc diễn tập liên hợp hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối tác (ADMM+) cho thấy, việc tranh giành ảnh hưởng quân sự đối với ASEAN vốn âm thầm của các nước lớn không chỉ đã được công khai mà còn có xu hướng quyết liệt. Thiếu tướng Jefferey Harley, Tư lệnh Lực lượng đổ bộ Hạm đội 7 của Mỹ cho rằng, cuộc diễn tập Carat lần thứ 19 có nghĩa là cuộc diễn tập thường niên giữa Mỹ và các nước ASEAN đã có 19 năm, điều này giúp cho Hải quân Mỹ và ASEAN tìm được một con đường hợp tác có hiệu quả trong tương lai. Vai trò và ảnh hưởng quân sự của Nhật Bản đối với ASEAN cũng tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây.

Trung Quốc thích gây sự với Philippines ở Biển Đông!

Ngày 7/7, tờ Bưu điện Hoa Nam xuất bản tại Hongkong đánh giá, thỏa thuận đạt được giữa Trung Quốc với ASEAN về việc sẽ tổ chức tham vấn về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) là một sự “thay đổi đáng kể” phản ánh vai trò ngày càng tăng của Bắc Kinh như một quyền lực toàn cầu. Nhưng dường như bản chất không phải như vậy. Ngày 4/7, người phát ngôn tổng thống Philippines Edwin Lacierda cho biết, Manila sẵn sàng thảo luận về bản dự thảo COC của nước này với các quan chức Trung Quốc nhằm tháo gỡ căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Edwin Lacierda cũng cho rằng, việc Philippines tiếp tục đưa tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra tòa án quốc tế trong khi các cuộc đàm phán COC diễn ra, là cách tiếp cận đúng đắn. Cũng trong ngày 4/7, Bộ Ngoại giao Philippines đã bác tin cho rằng, các tàu chiến Trung Quốc đã rời khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario

Ngày 6/7, cựu Đại sứ Philippines tại Hungari Alejandro del Rosario có bài phân tích trên tờ Manila Standart Today về việc tại sao Trung Quốc lại cần 1 cuộc chiến tranh, tại sao Trung Quốc thích gây sự với Philippines ở Biển Đông. Ngoài việc Philippines là nước có lực lượng quân sự yếu nhất trong khu vực châu Á, Trung Quốc còn muốn che đậy các vấn đề đối nội nổi cộm thông qua việc hướng sự chú ý của dư luận vào các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Nhưng thay vì giải quyết những vấn đề bức xúc trong nước, Trung Quốc lại muốn xây dựng quân đội mạnh với lực lượng hải quân xa bờ để bắt nạt các nước láng giềng đang có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Nhìn lại những hành động của Philippines trong nửa năm qua, có vẻ như quốc gia nhỏ bé này đang thách đấu với “gã khổng lồ” Trung Quốc trong cuộc tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông. Một trong những lý do tạo sự tự tin của Manila chính là họ tin tưởng vào sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, cộng đồng quốc tế không ủng hộ “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Việc 2 giáo sư người Đài Loan đều cho rằng, chấp nhận tham vấn COC chỉ là trò đánh lạc hướng bởi Trung Quốc tránh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông khiến dư luận quan tâm. Giáo sư Lưu Quảng Hoa (Đại học Minh Truyền, Đài Loan) và Giáo sư Lâm Trung Bân (Đại học Đạm Giang, Đài Loan) cho rằng, lần trước Trung Quốc phản ứng gay gắt với đề xuất của Mỹ về đàm phán COC bởi Bắc Kinh lo ngại Washington can thiệp vào Biển Đông, lần này tuy chấp nhận, nhưng Trung Quốc vẫn làm theo cách của họ bởi Bắc Kinh tự coi mình là “anh cả của châu Á”. Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với từng nước tranh chấp, ngăn chặn mọi thỏa thuận đa phương.

Ông Rommel Banlaoi, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc tại Philippines khẳng định, Trung Quốc sẽ không chịu từ bỏ Scarborough/Hoàng Nham sau những nỗ lực để thiết lập kiểm soát (bất hợp pháp) khu vực này bất chấp những áp lực quốc tế phản đối. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo cho hay, hải quân nước này đã quyết định chi 18 tỉ peso (hơn 400 triệu USD), để tậu hai khu trục hạm, thay vì mua các tàu cũ của hải quân Italia.

Trước đó, Manila cũng chi gần 19 tỉ peso (hơn 400 triệu USD) để mua 12 chiến đấu cơ FA-50 của Hàn Quốc để sử dụng vào việc huấn luyện, ngăn chặn và đối phó thảm họa. Người phát ngôn Cảnh sát biển Philippines, Trung tá Armand Balilo cho biết, Manila hy vọng các cuộc đàm phán sẽ được hoàn thành vào quý VI để hoạt động đóng tàu có thể bắt đầu. Nhật Bản và Philippines đều thống nhất đóng 10 tàu cùng độ dài 40m và đang tiếp tục thỏa thuận các chi tiết kỹ thuật.

Ngày 4/7, tờ Japan News Network cho hay, Nhật Bản đã điều máy bay chiến đấu F-15 truy đuổi 2 máy bay trinh sát chống ngầm IL-38 của Nga cho dù máy bay trinh sát chỉ bay dọc theo đường giới tuyến chứ không hề xâm phạm không phận nước này. Cũng trong ngày 4/7, giới truyền thông Trung Quốc cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã điều máy bay do thám P-3C và tàu khu trục tên lửa Aegis DDG-172 Shimakaze (lớp Hatakaze) giám sát và chụp ảnh tàu chiến Trung Quốc. Giới quân sự cho rằng, trong những ngày tới, vùng biển Nhật Bản sẽ trở thành vũ đài triển khai cuộc đấu "trinh sát và chống trinh sát" thông tin tình báo giữa Nhật Bản và liên quân Nga - Trung. Đây là cuộc chiến "không khói súng" nhưng được dự báo là rất gay go và ác liệt.

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh