Cuộc quyết đấu giữa 2 cơ quan tình báo KGB và CIA (Phần 9)

19:00 | 31/03/2019

2,812 lượt xem
|
(PetroTimes) - Đến đời tổng thống kế nhiệm Ronald Reagan, cuộc chiến tình báo Mỹ tại Nam Á leo thang nhanh, đặc biệt khi Reagan ký Sắc lệnh an ninh quốc gia 166, với nội dung “tái định nghĩa” mục tiêu Mỹ tại đấu trường Afghanistan. Năm 1986, hầu hết thành viên Quốc hội Mỹ tin rằng Liên Xô không có ý rút khỏi Afghanistan.

Trước đó không lâu, Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze nói với Ngoại trưởng Mỹ George Shultz rằng lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev có kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, nhưng trong thực tế, Moscow không có tín hiệu cụ thể. Trong khi đó, chương trình tuyệt mật CIA tại Nam Á đã kéo dài 6 năm, từ vài chục triệu USD thời Jimmy Carter đến hàng trăm triệu USD đầu thập niên 1980.

cuoc quyet dau giua 2 co quan tinh bao kgb va cia phan 9
Đại sứ Adolph Dubs bị bắt cóc và giết chết

Năm 1980, Zbigniew Brzezinski ký thỏa ước với vua Ả Rập Saudi về việc Ả Rập Saudi chia đều mức hỗ trợ tài chính mà Mỹ dành cho cuộc chiến bí mật tại Afghanistan. Bây giờ, Giám đốc CIA William Casey tiếp tục thực hiện chiến dịch thọc gậy bánh xe, bằng khoản ngân sách dồi dào.

Ngân sách năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1-10-1986 đã vọt lên 1 tỉ USD – nửa tỉ từ vương quốc dầu hỏa Ả Rập Saudi và nửa tỉ từ Mỹ. Hầu hết ngân sách được dùng mua vũ khí, từ súng trường Trung Quốc, tiểu liên Ai Cập, lựu đạn Pháp đến tên lửa Mỹ Stinger, chưa kể hàng ngàn xe vận tải Nhật và lừa Trung Quốc được sử dụng chuyển vũ khí vượt “lằn ranh zero” – biên giới Pakistan - Afghanistan. Với Milt Bearden, mọi thứ đã được bày trên sân khấu và ông chỉ có việc trình diễn. Vấn đề bây giờ là cần thêm một chút may mắn...

Bàn tay bí mật của CIA tại Kabul

Kremlin, tháng 8-1986. Anatoly Chernyaev đang thực hiện một trong những nhiệm vụ khó khăn cuộc đời mình. Với vị trí tùy viên chính sách đối ngoại của Tổng Bí thư Gorbachev, sứ mạng Chernyaev là đưa Gorbachev thoát hiểm khỏi bãi mìn chính trị Afghanistan.

Trước đó, Chủ tịch KGB Yuri Andropov và Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitri Ustinov đã có hai kết luận quan trọng về tình hình Afghanistan. Thứ nhất, Mỹ chắc chắn nhảy vào Afghanistan để lấy lại thế quân bình khu vực sau khi bị hất khỏi Iran bởi cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran 1979.

Thứ hai, Hafizullah Amin – Ngoại trưởng Afghanistan thời điểm đó – đang tung chiến dịch lật đổ Nur Muhammad Taraki, người do Moscow dựng lên hiện giữ ghế tổng thống sau cuộc chính biến xảy ra năm trước. KGB nghi rằng Hafizullah Amin là người của CIA và nếu Hafizullah Amin (tốt nghiệp Đại học Columbia, Mỹ) không là điệp viên CIA thì cũng là kẻ thân Washington.

Một khi lật đổ thành công Nur Muhammad Taraki, Hafizullah Amin sẽ thay đổi chính sách ngoại giao, cắt lần quan hệ Kremlin và ngả dần sang Mỹ. Lúc đó, quân đội Mỹ hẳn sẽ thiết lập căn cứ quân sự tại Afghanistan. Liệu mất bao nhiêu thời gian để tên lửa tầm trung Pershing của Mỹ phóng từ Afghanistan bay vào lãnh thổ Liên Xô?

cuoc quyet dau giua 2 co quan tinh bao kgb va cia phan 9
Hafizullah Amin – Ngoại trưởng Afghanistan

Cần nhắc lại, 1979 là năm xảy ra nhiều sự kiện quan trọng. Tháng 2-1979, Đại sứ Mỹ tại Kabul, Adolph Dubs, bị giết chết sau khi bị bắt cóc và bị giam tại khách sạn Kabul. Trong thời gian Adolph Dubs bị bắt cóc, Mỹ không biết làm gì hơn là dọa cắt viện trợ Chính phủ Afghanistan.

Và rồi tháng 3-1979, một sự kiện kinh hoàng hơn lại xảy ra. Thủ lĩnh quân sự Afghanistan Ismail Khan ra lệnh chặt đầu một nhóm sĩ quan và lính Liên Xô cùng gia đình họ tại thành cổ Herat. Sau vụ Herat, Nur Muhammad Taraki yêu cầu Liên Xô đưa viện trợ quân nhằm tiễu trừ loạn phỉ.

Trong cùng tháng, Hafizullah Amin tự phong thủ tướng. “Tên CIA ở Kabul” đã bắt đầu hành động. Tình hình càng rối loạn vài tháng kế tiếp. Sau khi bị ám sát hụt hai lần, Hafizullah Amin ra lệnh giết Nur Muhammad Taraki vào tháng 10.

Cuối tháng 10, KGB phái nhóm chuyên viên đặc biệt sang Afghanistan thực hiện chiến dịch Thiên đỉnh (Zenith), thăm dò tình hình để có thể quyết định tung chiến dịch quân sự toàn diện vào Afghanistan hay không...

Kabul, Afghanistan, 17 giờ, ngày 26-8-1986. Chất axít từ cái thùng được đặc chế tại Phòng Kỹ thuật CIA bắt đầu ăn mòn sợi dây đồng. Trong tích tắc, ống xy lanh bắt đầu nhồi mạnh, tạo ra chuỗi xung điện phóng vào đống tên lửa tại kho khí cụ ở Kharga, ngoại ô Kabul.

Mớ tên lửa 100 mm nhảy tưng rồi phát nổ và bay vọt lên không trung trước khi rớt xuống cách xa 6 km. Đám du kích Afghanistan gây ra vụ trên đã chuồn mất dạng. Vụ cháy tên lửa kích nổ đống hỏa tiễn SAM gần kho khí cụ và tiếp đó là loạt tiếng nổ đinh tai điếc óc của hàng chục ngàn lựu đạn.

Suốt đêm đó, giới ngoại giao nước ngoài cũng như dân chúng Kabul đã chứng kiến màn pháo bông có một không hai. Một phóng viên truyền hình BBC kịp leo lên nóc Tòa Đại sứ Anh đã ghi lại cảnh tượng kinh hoàng.

Từ truyền hình Islamabad, Milt Bearden – chánh văn phòng CIA tại Pakistan – bắt đầu hình dung bao nhiêu tay du kích Afghanistan (Mujahideen) đã tham gia vụ phá hoại nhằm vào quân đội Liên Xô. Như vậy, kế hoạch sử dụng Mujahideen đánh Liên Xô tại Afghanistan đã thật sự khai màn. Từ bây giờ, Afghanistan không chỉ là chiến trường giữa lực lượng Mujahideen và quân đội Liên Xô mà còn là cuộc quyết đấu sống mái giữa CIA và KGB...

(Còn tiếp)

Thiên Phú

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc