Nhà báo Nguyễn Vinh:

Cuộc chiến Gạc Ma và bài học về truyền thông

07:00 | 15/03/2016

2,700 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã 28 năm trôi qua nhưng đối với nhà báo Nguyễn Văn Vinh (một trong những nhà báo đầu tiên trên con tàu Mỹ Á đưa phóng viên ra Trường Sa) thì ký ức về cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn.

Trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, đã đi vào lịch sử dân tộc. Nhưng suốt 28 năm qua những thông tin về cuộc chiến này còn rất hạn chế. 28 năm sau khi nhìn lại, nhà báo Nguyễn Vinh khi đó là phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam được cử đi tác nghiệp sau trận chiến chia sẻ: "Đó là một trong những sự kiện đặc biệt nhất trong sự nghiệp làm báo của tôi".

Nhà báo Nguyễn Vinh kể: "Khi tôi nhận lệnh lên đường, trong lòng cũng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận tình hình xấu nhất. Nhưng thực tế thì khi chúng tôi ra đến nơi, biển đã bình yên. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là tàu HQ 505 bị Trung Quốc bắn cháy ở phần đuôi vẫn đứng sừng sững. Khi ấy tàu đã được thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho neo đậu trên một bãi đá ngầm trên đảo Cô Lin.

cuoc chien gac ma va bai hoc ve truyen thong
Nhà báo Nguyễn Vinh với kỷ vật được chúa đảo Sinh Tồn tặng mà ông đã giữ suốt 28 năm

Các chiến sĩ còn lại trên đảo mà tôi được gặp đều còn sĩ rất trẻ, là những con người chất phác. Tôi thực sự ấn tượng khi các chiến sĩ vẫn vô cùng bình tĩnh. Lúc ấy, trên người các chiến sĩ chỉ độc quần đùi với áo may ô nhưng mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường mặc cho tàu chiến của Trung Quốc vẫn gầm rú xung quanh để uy hiếp. Có thể nói, những chiến sĩ trẻ cùng với thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã giữ vững được bãi đá Cô Lin.

Khi tôi hỏi thì họ trả lời đơn giản rằng: Đây là vùng biển của mình, bãi đá của mình, mình phải giữ lại bằng mọi cách. Quả thực, nếu không có những con người đó, có thể Trung Quốc đã chiếm nốt Cô Lin và Len Đao rồi.

Đầu tiên là tàu Đại Lãnh ra cứu hộ là sau sự kiện đó khoảng 5-6 ngày mang theo những thợ lặn rất giỏi để tìm kiếm thi thể của các chiến sĩ bị mắc kẹt trên con tàu HQ 605 và 604.

Có 9 chiến sĩ trụ lại trên tàu HQ 505 cùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ mà đến giờ tên tuổi họ, tôi vẫn còn nhớ.

Đó là Chiến sĩ Nguyễn Văn Thuân (quê Hà Trung, Thanh Hoá), Chiến sĩ Nguyễn Đức Sâm (quê Lạng Giang, Bắc Giang), Chiến sĩ Nguyễn Sỹ Hiền (quê Diễn Châu, Nghệ Tĩnh), chiến sĩ Hoàng Đình Thảo (quê Nam Định), chiến sĩ Đào Xuân Hồng (quê Đô Lương, Nghệ Tĩnh), chiến sĩ Lữ Đức Thọ (quê Nghệ Tĩnh), chiễn sĩ Hoàng Quốc Bảy (quê Yên Thành, Nghệ Tĩnh), chiến sĩ Phạm Huy Sơn (Tiên Lãng, Hải Phòng) và chiến sĩ Nguyễn Văn Thanh (quê Thuỵ Nguyên, Hải Phòng)".

cuoc chien gac ma va bai hoc ve truyen thong
Các phóng viên gặp gỡ thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và các chiến sĩ trên đảo Cô Lin

Nhận định về cuộc chiến Gạc Ma sau 28 năm, nhà báo Nguyễn Vinh chia sẻ: Đến tận bây giờ thì việc Trung Quốc chiếm bãi đá Gạc Ma là một hành động hết sức phi lí và ngang ngược.

Tại thời điểm đó, Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. Sau cuộc chiến tranh biên giới 17/2/1979, Trung Quốc vào năm 1988 đã chiếm 5 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và họ vẫn tiếp tục muốn chiếm vị trí chiến lược là bãi đá Gạc Ma nằm trong cụm đảo Sinh Tồn.

Trong khi đó, các chiến sĩ công binh vẫn đang cố gắng xây dựng bãi đá và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hoàn toàn với những vũ khí rất nhẹ.

Nhà báo Nguyễn Vinh nhận định: “Tôi nghĩ rằng, thực tế đây không phải một trận chiến”.

Bởi theo nhà báo Nguyễn Vinh thì phía Trung Quốc đã dùng vũ lực tấn công quân ta rất là mạnh và bắt nhiều chiến sĩ làm tù binh sau khi đã giết 64 chiến sĩ ở khu vực Gạc Ma và bắn chìm 2 tàu HQ 605 và HQ 604.

Cho đến bây giờ, ông vẫn đau đáu hướng về Gạc Ma. Bởi thực tế, Trung Quốc đã chiếm được Gạc Ma và xây dựng một cơ sở hạ tầng rất hiện đại trên đó. Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế và mọi người đều lên án.

cuoc chien gac ma va bai hoc ve truyen thong
Nhóm phóng viên đầu tiên đến với Trường Sa sau cuộc chiến lịch sử

Thời gian là 28 năm trôi qua, điều khiến nhà báo Nguyễn Vinh băn khoăn là: Một thời gian rất dài nhưng truyền thông trong nước chưa đầy đủ về sự kiện này. Ngay cả các sự kiện về biển đảo gần đây, những đảo mà Trung Quốc cưỡng chiếm trên Biển Đông, chúng ta chưa thông tin đầy đủ.

Theo nhà báo Nguyễn Vinh thì: "Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về trận chiến Gạc Ma nói riêng và diễn biến tình hình trên Biển Đông nói chung.

Về sự kiện Gạc Ma, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên nhầm lẫn. Tôi không muốn dùng chữ tuyên truyền mà cần phải thông tin đầy đủ và rộng rãi những sự kiện lịch sử đã xảy ra. Phải ghi nhận đầy đủ lịch sử. Bởi sự hy sinh của các chiến sĩ với Tổ quốc là vô giá. Họ sẽ không bao giờ bị lãng quên".

Mỗi quốc gia đều có lịch sử và Việt Nam cũng như vậy. Lịch sử Việt Nam là một lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm với 1.000 năm Bắc thuộc rồi chống 2 đế quốc.

Chúng ta luôn tự hào, Việt Nam là một đất nước nhỏ nhưng thắng 2 đế quốc to. Và chúng ta cũng luôn tự hào là một nước nhỏ nhưng thắng được chủ nghĩa bành trướng.

"Theo suy nghĩ cá nhân của tôi, Trung Quốc không từ bỏ chủ nghĩa bành trướng của họ. Đến thời điểm này, họ vẫn tiếp tục và đang muốn đẩy nhanh những ý đồ xâm chiếm đất đai lãnh thổ của các nước láng giềng", ông nói.

Lịch sử phải trả về cho lịch sử! Nhiệm vụ của truyền thông là không được phản ánh quá nhưng cũng không được che giấu, đồng thời giáo dục ý thức và ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Những vấn đề xảy ra ở Biển Đông thời gian vừa qua, như việc tàu cá của ngư dân thường xuyên va chạm, bị bắn cháy... là chủ ý của Trung Quốc. Những sự việc ấy sẽ còn tiếp tục kéo dài, ngày càng phức tạp và mạnh mẽ hơn. Đó là những khó khăn mà chúng ta phải đương đầu. Vậy nên truyền thông chúng ta nên chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác những diễn biến này.

"Truyền thông cần phải thông tin để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề. Việc làm này không phải để kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cái mà Trung Quốc đã từng làm, mà để con cháu chúng ta đủ bản lĩnh, trí tuệ để giải quyết được những tranh chấp này" - nhà báo Nguyễn Vinh khẳng định.

Huyền Anh - Ngọc Dung

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc