Cung ứng điện cho miền Nam: Vẫn còn đó những mối lo

11:23 | 27/03/2014

818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Miền Nam đang bước vào thời kỳ mà nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng, đặc biệt là các tháng 4-5, phụ tải điện sẽ tăng cao. Trước thực tế trên, để nguồn cung điện cho phát triển kinh tế - xã hội và của người dân được ổn đinh, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang gấp rút triển khai các công trình, dự án mở rộng hệ thống lưới điện.

Năng lượng Mới số 307

Đồng thời, để giảm tải áp lực gia tăng sản lượng điện tiêu thụ, tuyên truyền tiết kiệm điện cũng đã được EVN SPC tích cực triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của EVN SPC thì tình hình cung ứng điện cho miền Nam những tháng tới vẫn rất căng thẳng.

Thông tin từ EVN SPC cho biết, năm 2014, nguồn điện của khu vực miền Nam sẽ chỉ được bổ sung thêm 2 tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với tổng công suất 1.200MW. Chính vì sự bổ sung có phần khiêm tốn so với nhu cầu gia tăng sản lượng tiêu thụ điện của các tỉnh phía Nam nên tình hình vận hành hệ thống lưới điện trong khu vực sẽ rất căng thẳng, nhất là những tháng cao điểm của mùa khô.

Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông bám sát tiến độ

Ngoài ra, do khu vực miền Nam không tự cân đối được công suất nội miền, luôn phải nhận thêm công suất từ miền Bắc và miền Trung truyền tải vào. Điều này đã khiến các máy biến áp 500kV Phú Lâm - Tân Định, Sông Mây và các đường dây 500kV Pleiku - Di Linh - Tân Định, Đăk Nông - Phú Lâm luôn phải truyền tải với công suất cao. Và nếu có tính cả khả năng truyền tải trên đường dây 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long, cũng như việc đưa thêm đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông vào vận hành trong tháng 4 tới thì với việc mức dự phòng công suất ở miền Nam ở mức rất thấp, nhiều tháng gần như không có dự phòng và thiếu công suất đỉnh, nguy cơ mất cân đối cung cầu một số thời điểm trong năm tại các tỉnh trong khu vực luôn tiềm ẩn.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Ngọc Lễ - Phó tổng giám đốc EVN SPC cho biết: Tại 21 tỉnh, thành phía Nam trong khu vực tổng công ty quản lý, còn nhiều nơi lưới điện xung yếu chưa được khắc phục triệt để. Thậm chí, lưới điện ở Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Long An đang hoạt động trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, tiến độ thực hiện các trạm và đường dây 220kV chậm như trạm 220kV Nhơn Trạch, Phú Mỹ 2, Vũng Tàu, Mỹ Xuân, Tây Ninh, Hàm Tân, Đức Hòa cùng với một số trạm đang trong tình trạng đầy tải đã tạo sự căng thẳng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng tại một số khu vực.

Từ thực tế trên, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho miền Nam trong năm nay, trước mắt là cao điểm mùa khô này, tổng công ty đã giao cho Công ty Lưới điện cao thế miền Nam rà soát phương thức vận hành lưới điện 110kV để tăng độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng kỹ thuật; thực hiện tốt kế hoạch sửa chữa, bảo trì, thí nghiệm các công trình cải tạo lưới điện 110kV. Đồng thời là đầu mối giữa các công ty truyền tải điện, các ban quản lý dự án và các công ty điện lực trong việc phối hợp cắt điện thi công lưới truyền tải và phân phối.

Cùng với đó, các công ty điện lực cũng đã làm việc với khách hàng lớn, nắm lại nhu cầu phụ tải, ký biên bản thỏa thuận về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải và tiết kiệm điện. Không những vậy còn tổ chức rà soát, thống kê chi tiết các phụ tải mang tính chất mùa vụ, đặc trưng của địa phương và có phương án ưu tiên cho các phụ tải trọng yếu phục vụ nhu cầu dân sinh cơ bản, chống hạn, chống úng, ngăn dịch bệnh, các sự kiện chính trị - xã hội trên địa bàn. Đồng thời chủ động khai thác tối đa công suất các nguồn thủy điện nhỏ ở các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng và Tây Ninh.

Bên cạnh những giải pháp trên, ông Nguyễn Phước Quý Hải - Phó ban Kỹ thuật sản xuất (EVN SPC) cho biết: Tổng công ty đã yêu cầu các công ty điện lực phải tiến hành giám sát chặt chẽ công tác quản lý kỹ thuật - vận hành lưới điện, phòng ngừa giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cấp điện; chuẩn bị đủ vật tư, thiết bị dự phòng sẵn sàng khắc phục nhanh khi có sự cố xảy ra hay đào tạo kỹ năng giao tiếp khách hàng cho 800 nhân viên điện lực để tạo sự hài lòng của khách hàng trong công tác phục vụ. Đồng thời, EVN SPC cũng đã yêu các điện lực làm việc với khách hàng chuyển giờ sản xuất từ giờ cao điểm vào thấp điểm để tổng phụ tải sẽ không ở mức cao, việc này sẽ được tính toán dựa trên nhu cầu phụ tải và tình hình tiêu thụ công suất phản kháng trên lưới điện. Ngoài ra, năm 2014, tổng công ty cũng đã có kế hoạch lắp tụ bù với tổng dung lượng 530MVAr và trước mắt trong quý I sẽ hoàn thành dung lượng 200MVAr.

Theo đánh giá của EVN SPC, với hiện trạng lưới điện quốc gia hiện nay, tổng nguồn phát điện phía Nam đang mất cân đối với nhu cầu tăng cường phụ tải khu vực, trong khi tổng nguồn phát điện phía Bắc đảm bảo tính dự phòng cao. Nhằm đảm bảo cung cấp điện cho toàn miền Nam, bao gồm cả TP Hồ Chí Minh, song song với việc tập trung đưa vào vận hành các công trình nguồn, trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bằng mọi giải pháp ngành điện phải nỗ lực hoàn thành các công trình truyền tải nhằm chuyển tải công suất từ Bắc vào Nam. Trong đó, các đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Vĩnh Tân - Sông Mây - Tân Định và trạm biến áp 500kV Cầu Bông cần phải  đóng điện trước mùa khô này là những công trình trọng điểm giải quyết bài toán chiến lược trên.

P.V