Cú đột phá của thời trang công sở dành cho nam giới!

11:08 | 16/01/2012

1,431 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thị trường thời trang công sở nam tưởng chừng không được chú trọng khi đa phần các hãng thời trang tập trung vào việc thu hút phái nữ, nhưng trên thực tế đang có sự cạnh tranh ngấm ngầm và gay gắt trong phân khúc này.

Việt Tiến công bố đại sứ thương hiệu cho thời trang nam giới 2012

Toàn cảnh thị trường thời trang nội địa

Theo số liệu nghiên cứu và dự báo của công ty nghiên cứu và tư vấn thương hiệu the Pathfinder thì tốc độ tăng trưởng tiêu dùng hàng may mặc của thị trường trong nước khoảng 15%/năm. Quy mô thị trường năm 2010 đạt khoảng 44.000 tỉ đồng/năm và dự kiến sẽ tăng lên 88.000 tỉ đồng vào năm 2015, với mức tiêu thụ trên đầu người đạt 420.000 đồng/năm/người và 950.000đồng/năm/người. Với quy mô thị trường trên đây Việt Nam hiện được xem như một thị trường đầy tiềm năng trong lĩnh vực thời trang, mang đến cơ hội hấp dẫn cho cả các thương hiệu quốc tế và trong nội địa.

Trong quy mô thị trường trên đây, thị trường trang phục nam giới có quy mô khá hấp dẫn với doanh số khoảng 8.610 tỉ, trong đó trang phục công sở đi làm chiếm gần 40%, đạt con số 3.440 tỉ năm 2010. Đó là lý do tại sao trong vài năm gần đây, hàng loạt các thương hiệu thời trang công sở cho nam giới liên tục xuất hiện trong các phân đoạn thị trường khác nhau.

Cụ thể như phân khúc cao cấp có các thương hiệu như San Sciaro, Manhattan, Arrow, Alain Delon, Pierre Cardin, Valentino Rudy, Paul Smith….

Phân khúc trung cấp có Việt Tiến (bao gồm thương hiệu nhánh Viettien Smat Casual), Mattana (may Nhà bè), John Henry, Buss Figo, Unicol, An Phước, N&M và rất nhiều các thương hiệu khác có giá bán linh hoạt và trải rộng do chưa rõ định vị hơn như May 10, Khatoco, Legamex, Việt Thắng, Agtex 28…

Phân khúc thu nhập hạn chế hơn có các thương hiệu mới xuất hiện như Việt Long (của TCT May Việt Tiến), Monda, Novelty (may Nhà Bè)..

Mặc dù một số ít giới tiêu dùng có thu nhập cao vẫn ưa chuộng hàng hiệu quốc tế có giá bán cao gấp 5 hay nhiều lần hơn hàng nội địa nhưng đa số giới công sở vẫn chọn lựa hàng hiệu trong nước do chất lượng, kiểu dáng ngày càng được các công ty trong nước đầu tư kỹ lưỡng và có giá cả hợp lý hơn. Đơn cử như Việt Tiến là thương hiệu liên tục dẫn đầu trong nhiều năm liền với thị phần trung bình chiếm hơn 60% thị trường công sở nam giới (số liệu của the Pathfinder, 2010) do uy tín về chất lượng vượt trội, tính chuẩn mực về sản phẩm và phong cách cũng như hệ thống phân phối trải rộng Việt Nam.

Theo dự báo, cuộc cạnh tranh trong phân khúc thị trường thời trang cho nam giới sẽ tiếp tục gia tăng với sự xâm nhập sâu rộng hơn của các thương hiệu quốc tế qua nhiều phương thức khác nhau như: thiết lập hệ thống kinh doanh thông qua nhà phân phối hay đại lý; hình thức nhượng quyền thương mại (franchise), hợp tác sản xuất – kinh doanh…Chính áp lực cạnh tranh gia tăng sẽ góp phần thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước liên tục đổi mới về sản phẩm, thiết kế, thương hiệu, phương thức truyền thông tiếp thị, thiết kế và trưng bày cửa hàng, kỹ năng nhân viên để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển.

Nguồn: the Pathfinder (www.thepathfinder.com.vn)

Bước đột phá của các thương hiệu trong nước

Trước xu thế cạnh tranh ngày càng quyết liệt để dành lấy thị phần trong phân khúc thời trang nam giới đầy tiềm năng, nhiều công ty trong nước đã nỗ lực tìm kiếm và khai thác cơ hội đổi mới sản phẩm và thương hiệu. Minh chứng rõ nét là các thương hiệu mới xuất hiện gần đây đã thể hiện sự năng động và nhanh nhạy của các công ty trong nước như Buss Figo, Unicol…

Đặc biệt nói đến sự nỗ lực nhằm tạo nên bước đột phá tòan diện cho thời trang công sở nam phải kể đến công ty Việt Tiến. Để giữ vững vị thế tiên phong trên 30 năm với 60% thị phần, Việt Tiến đã mạnh dạn đầu tư một lượng lớn ngân sách, và cả chất xám cho các hoạt động truyền thông, điều mà trước đây một số doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm tới.

Tuy nhiên, đầu tư đổi mới phải bắt nguồn từ cốt lõi của kinh doanh là cung cấp các sản phẩm chất lượng. Phối hợp song song là các họat động truyền thông mới làm nên thương hiệu. Và đầu năm nay, Việt Tiến đã làm được điều này. Ông Phan Văn Kiệt – Phó TGĐ Tổng công ty May Việt Tiến cho biết “để đáp ứng nhu cầu của thị trường thời trang công sở 2012, công ty đã tung ra các dòng sản phẩm mới như các loại sơ mi vừa vặn và veston kiểu mới có đặc tính nhẹ, thoáng và tiện dụng với thiết kế đa dạng, điểm nhấn đặc trưng trên cổ áo, vải lót, đường viền, nút áo, lá cổ và bo tay áo nhằm thể hiện tính cách và hình ảnh riêng của người mặc…”. Khi đã đạt về chất lượng và thiết kế, Việt Tiến đã mạnh dạn đầu tư cho truyền thông, tạo dấu ấn cho thương hiệu bằng cách lựa chọn diễn viên, người mẫu và doanh nhân thành đạt Nguyễn Minh Cường làm đại sứ thương hiệu để quảng bá cho thời trang công sở nam của mình theo tiêu chí cổ động cho lối sống chuẩn mực.

Nhận định về việc cổ động lối sống chuẩn mực qua hình ảnh đại sứ của một đơn vị thời trang trong nước, Thạc Sỹ Nguyễn Thị Tâm – chuyên gia tâm lý, giám đốc trung tâm tư vấn Hồn Việt cho biết: “Đó là một việc làm thiết thực, khi xã hội hiện nay có quá nhiều biến động, cuộc sống người đàn ông càng gặp nhiều thách thức thì sự chuẩn mực càng phải được đề cao. Việc xây dựng thương hiệu gắn kết với ý nghĩa xã hội sẽ mang đến thành công cho doanh nghiệp..” Phương thức tiếp thị tìm kiếm mối quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng và xã hội như vậy sẽ trở nên phổ biến và phù hợp hơn đối với các công ty trong nước bởi ngân sách của họ hạn chế hơn so với các công ty quốc tế.

Không chỉ riêng Việt Tiến, hàng lọat các thương hiệu dệt may khác như Việt Thắng, Nhà Bè… cũng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thiết kế, tiếp thị và phân phối các sản phẩm thời trang công sở nam ra thị trường nội địa. Với bước đột phá đầu tiên của Việt Tiến trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu thời trang công sở nam giới 2012, hy vọng trong năm nay người tiêu dùng sẽ chứng kiến thêm nhiều sự chuyển mình ngọan mục của các doanh nghiệp dệt may khác trên thị trường nội địa, còn các đấng “mày râu” cũng có thêm nhiều sự lựa chọn đầy phong cách cho mình.

Theo CTO