Vụ học sinh bị CSGT "khóa tay":

CSGT không được dùng vũ lực để khống chế, trấn áp khi truy đuổi

14:36 | 23/07/2014

2,221 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM phân tích, đối tượng này chỉ vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ, do đó họ chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm nên Cảnh sát giao thông không được dùng vũ lực để khống chế, trấn áp khi truy đuổi.

Khoảng 7h30 phút ngày 21/7, Tổ CSGT thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM đang làm nhiệm vụ trên đường Trường Chinh (quận 12). Lúc này, Tổ CSGT phát hiện Nguyễn Anh Tài (17 tuổi, học sinh lớp 11) điều khiển xe gắn máy lại 50 phân khối lưu thông trên phần đường dành cho xe ô tô theo hướng từ cầu vượt An Sương về khu công nghiệp Tân Bình.

Tổ CSGT ra hiệu dừng xe nhưng Tài bỏ chạy. Lực lượng CSGT tiến hành truy đuổi. Đến trước nhà số 28/3C Trường Chinh (phường Tân Thới Nhất, quận 12) Tổ CSGT đuổi theo kịp và ép xe Tài. Theo các cơ quan báo chí, Tổ CSGT đã có hành động bẻ ngược tay của Tài ra phía sau để khống chế khiến nhiều người dân bức xúc.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM nói, theo quy định tại Thông tư 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ thì cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết để đảm bảo việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chỉ được quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật...

Chỉ trong những trường hợp thật cần thiết thì cảnh sát giao thông mới được phép bắt giữ và khống chế người vi phạm giao thông, chẳng hạn như trường hợp đối tượng đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ và người khác; hoặc trong trường hợp cảnh sát giao thông biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn...

Tôi cho rằng đối với những hành vi bỏ chạy, không chấp hành yêu cầu dừng xe của cảnh sát giao thông… thì các chiến sĩ cảnh sát giao thông cần hết sức bình tĩnh và có cách hành xử đúng mực, đúng pháp luật, tránh những trường hợp truy đuổi, khống chế gây nguy hiểm cho người vi phạm giao thông nếu có hậu quả xảy ra thì có thể bị xử lý, thậm chí là chịu trách nhiệm hình sự.

Với những trường hợp như thế này, lực lượng cảnh sát giao thông có thể sử dụng các biện pháp và công cụ hỗ trợ nghiệp vụ, chẳng hạn như dùng bút ghi lại biển số phương tiện hoặc dùng điện thoại chụp hình, quay phim hành vi vi phạm sau đó cung cấp cho lực lượng cảnh sát hình sự vào cuộc, truy xét, xử lý.

PV: Nhiều người dân cho rằng, việc khống chế đối tượng vi phạm giao thông bằng cách bẻ quặt tay ra phía sau là không đúng! Ý kiến luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho rằng các đối tượng này chỉ vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ, do đó họ chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm nên Cảnh sát giao thông không được dùng vũ lực để khống chế, trấn áp khi truy đuổi.

Hành vi truy đuổi các đối tượng vi phạm Luật giao thông đường bộ trên đường cũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của chính người thi hành công vụ và những người đang tham gia giao thông, đặc biệt là trong giờ cao điểm.

Do đó đối với những người vi phạm nhưng không chịu tuân thủ hiệu lệnh thì Cảnh sát giao thông có thể ghi lại biển số xe của người vi phạm rồi thông báo cho các chốt kiểm tra liền kề hoặc các tổ tuần tra để kịp thời ngăn chặn và xử lý.

PV: Trong trường hợp nào, CSGT được khống chế người vi phạm giao thông?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Như đã trình bày ở trên, theo quy định tại Thông tư 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ thì pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào của pháp luật cho phép Cảnh sát giao thông được sử dụng các biện pháp vũ lực để khống chế người có hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ.

Trong trường hợp người vi phạm chống đối thì Cảnh sát giao thông chỉ có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính, chứ cũng không được phép dùng vũ lực để khống chế người vi phạm giao thông.

Tuy nhiên trong trường hợp người vi phạm luật giao thông có hành vi dùng vũ lực (đánh, đấm) xâm phạm đến sức khoẻ tính mạng của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ hoặc người khác thì nếu xét thấy cần thiết phải ngăn chặn bằng biện pháp dùng vũ lực thì Cảnh sát giao thông có thể tấn công đối tượng để khống chế. Tuy nhiên, hành vi này cũng chỉ được coi là hợp pháp nếu thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 Bộ luật hình sự thì phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Bên cạnh đó, trong trường hợp nếu biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn thì cảnh sát giao thông cũng có thể sử dụng biện pháp nhằm khống chế đối tượng này…

PV: Hành vi bỏ chạy của Tài có nằm trong trường hợp chống người thi hành công vụ chưa?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Hành vi bỏ chạy của Tài là hành vi gây cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ, cụ thể ở đây là Tài đã bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh dừng lại kiểm tra của cảnh sát giao thông.

Và theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Trong những trường hợp người vi phạm cố tình bỏ chạy thì bị coi là tình tiết tăng nặng để đưa ra mức xử phạt cao hơn những người chấp hành hiệu lệnh.

Hưng Long (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc