Còn không, Tây Nguyên huyền bí?

11:25 | 24/09/2013

1,224 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với “Giã biệt hoang vu” nhà văn, nhà báo Nguyễn Hàng Tình đã thức tỉnh người đọc về một Tây Nguyên đã không còn hoang sơ, huyền bí, thiêng liêng như những gì mà những người sinh ra và lớn lên ở đồng bằng, phố thị thấy trên báo chí, truyền hình. Quyền sách này vừa đoạt giải Sách hay ở Hạng mục Phát hiện mới.

Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng Nguyễn Hàng Tình đã có thể vượt qua cái hám lạ để có thể đi đến những vấn đề sâu sắc nhất, những cuộc đấu tranh quyết liệt, bi tráng, anh hùng với vô vàn khó khăn để chúng ta có thể giữ được Tây Nguyên, để Tây Nguyên có thể phát triển một cách tốt đẹp.

Nguyễn Hàng Tình chia sẻ, mấy ngày trước khi xuống núi anh ghé một buôn dân tộc Cơ Ho ở Đức Trọng. Người dân trong buôn đang khiếu nại có một người trong buôn mang nghĩa địa “đi gả” cho một người trồng rau. “Vì sao tôi nhắc đến đều này, vì dường như sự kính trọng những điều linh thiêng nhất, sự ngưỡng vọng thiên nhiên của cộng đồng dân tộc ở đây đã không còn nữa, hoặc đang bị xập xệ”.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hàng Tình chia sẻ nỗi niềm về Tây Nguyên (Ảnh: T. Thanh)

Điều Nguyễn Hàng Tình cảm nhận có lẽ không sai. Dù rằng, từ ngàn xưa, người Tây Nguyên khi đi săn nếu cảm nhận con thú đó đang có mang thì họ không bao giờ bắn nó. Người Cơ Ho Chil Tây Nguyên khi bắt cá mà nếu thấy có một ổ cá con thì không bao giờ họ bắt con cá mẹ. Như thế các cá con sẽ bơ vơ.

Hay người Tây Nguyên khi đi xa gặp con cọp dữ, mà con cọp đó đang nuôi con thì họ sẽ không bắn. Vì họ có niềm tin vào thiên nhiên và kính trọng thiên nhiên rất sâu xa. Nhưng bây giờ, đến ngay cả người Tây Nguyên gắn bó với rừng núi, không thể chia lìa với mẹ rừng mà họ còn có hành xử như thế, đối với nơi chốn của họ thì văn hóa bản địa Tây Nguyên quả là đang bị xập xệ.

Nguyễn Hàng Tình đã sống và thẩm thấu văn hóa Tây Nguyên rất sâu sắc, anh cho rằng: “Đối với người đồng bằng xa rừng lâu thì không còn cảm nhận điều thiêng liêng của núi rừng nhưng tôi tin chắc trong sâu xa trong mỗi chúng ta luôn luôn thờ rừng, thờ những gì thiêng liêng của thiên nhiên. Dường như con người càng xa rừng, càng xa thiên nhiên thì càng hung hãn, dữ tợn hơn chăng?”

Chính vì hung hãn hơn, dữ tợn hơn nên họ bóc trần hết mặt đất đồng bằng thì lên Tây Nguyên, khi bóc xong đất ở Tây Nguyên thì người ta đào xuống. Ngay tại Buôn Ma Thuột ngày xưa đào 20-30m là có nước còn giờ đây đào đến 90-100m mới có nước. Vì sao? Vì thảm thực vật mất hết rồi.

Vậy câu hỏi vì sao người Tây Nguyên từng rất hiền lành, kính trọng thiên nhiên lại trở nên hung hãn? Họ có thể cướp đi sự linh thiêng mà họ từng tôn kính, thờ phụng? Nguyên nhân chính có lẽ do sự xáo trộn của đời sống từ dưới xuôi đến miền ngược dẫn đến việc họ phải gánh chịu những điều đó.

Từ chú tê giác cuối cùng đã bị bắn hạ (Rời rừng đi, K’ Giang ơi!). Những con voi bị quật mồ để lấy trộm xương, lông (Người nài voi cuối cùng). Rừng thông đỏ nguyên sinh vô giá - niềm ao ước của thế giới bị lâm tặc cày nát (Thiên hạ oanh tạc “kho thuốc xanh” chữa bệnh ung thư). Cổ tháp Chăm đã chết, mà cái xác “còn trơ lạnh ẩn đó cho tha nhân xài xể, ngược đãi (Sự suy tư của cổ tháp giữa rừng già)…

… Đến ngành đường sắt hạ lệnh thanh lý tuyến xe lửa răng cưa - một trong những di sản đáng tự hào của người Việt còn mằn mặn “máu, nước mắt, mồ hôi và cả tủi hờn của những người phu đường ngày ấy” không giải thích, không tiếc thương (Con đường sắt nối biển và hoa tan như sương khói). Kéo theo đó là là cây cầu ba nhịp diễm lệ Dran cũng bị triệt phá nốt, khiến “cả thị trấn Dran giận dữ, cả thị trấn Dan xôn xao, cả thị trấn Dran nghiến răng cười, cả thị trấn Dran buồn” (Cái chết của cây cầu trăm tuổi)...

“Thực tế Tây Nguyên bây giờ đã bị bóc trần hết rồi. Những gì giờ đây của Tây Nguyên mà người ta cho là huyền bí thì không còn nữa. Vâng, người ta có quyền gọi “Festival cồng chiêng” là văn hóa, người ta có quyền gọi Festival trình diễn trên sân khấu là văn hóa nhưng tôi xem đó chỉ là sự cổ động để gìn giữ văn hóa. Còn văn hóa nội tại phải đi từ bên trong, từ những điều linh thiêng nhất giống như ngày xưa người Tây Nguyên từng cúng núi, cúng cây, cúng sông, cúng lúa. Giờ đây những cái cúng đó là vở kịch, mọi hình thức cúng đều có kịch bản chứ không xuất phát từ tâm hồn của đồng bào”.

Đó là cách nhìn sâu sắc, chân thực nhất về Tây Nguyên của thực tại mà Nguyễn Hàng Tình muốn chia sẻ cùng tất cả độc giả. “Giã biệt hoang vu” cũng là thông điệp giã biệt những điều thầm kín, sâu sắc, linh thiêng nhất của Tây Nguyên. Mong rằng cuốn sách nhỏ này sẽ khơi gợi cho người đọc sự kính trọng thiên nhiên thật lòng và thật lòng yêu thiên nhiên.

Thiên Thanh