Con đường nào cho phát triển công nghiệp Việt Nam?

08:32 | 15/01/2012

725 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mô hình phát triển công nghiệp Việt Nam đã hợp lý chưa? Cách thức nào để công nghiệp Việt Nam không đi lại con đường cũ mà Hàn Quốc, Đài Loan đã thực hiện? Đó là những câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế Việt Nam tại Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam 2012.

Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương

Nền công nghiệp Việt Nam mới phát triển trong vòng hơn một thập kỷ qua dựa trên nền tảng phát huy thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên. Những năm 2007, 2008 tốc độ phát triển công nghiệp ở mức 14 – 15%. Năm 2009 do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên tốc độ phát triển công nghiệp sụt giảm còn 7%. Năm 2011 công nghiệp phục hồi và đạt tốc độ 12%.

Công nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong bối cảnh thế giới xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng, bất ổn chính trị.

Tại sao phải đổi mới nền công nghiệp Việt Nam? Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đổi mới công nghiệp để đảm bảo được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, để phù hợp với các mục tiêu chung của Chính phủ đề ra. Định hướng phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là: tập trung các ngành công nghiệp mũi nhọn để tạo ra giá trị cao (cơ khí, luyện kim, năng lượng,…). Việt Nam vẫn chú trọng phát triển các ngành công nghiệp đảm bảo nhu cầu của thị trường lao động và tạo ra công ăn việc làm cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu quan điểm, không thể trông chờ vào tài nguyên và lao động rẻ để phát triển công nghiệp mà phải dựa vào mô hình quản trị tiên tiến, công nghệ hiện đại.

Ông Vũ Thành Tự AnhGiám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Việt Nam vẫn phát triển công nghiệp theo cách truyền thống, tức là đem lại lợi nhuận cho mục đích ngắn hạn như dệt may, da giày… Những năm 50, 60 của thế kỷ trước Hàn Quốc phát triển các tập đoàn lớn làm nền tảng cho kinh tế và đó là cách thức phù hợp với tình hình kinh tế thế giới lúc đó. Nhưng hiện nay nếu các tập đoàn ở Việt Nam vẫn sử dụng con đường mà các tập đoàn Hàn Quốc đã xây dựng thì sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay. Thách thức phát triển công nghiệp Việt Nam lớn hơn bởi công cụ các nước khác đã áp dụng thành công lại có thể không phù hợp với Việt Nam.

Ông Stephen YeoGiám đốc BTS Đông Nam Á

Ông Stephen Yeo là một chuyên gia trong lĩnh vực dệt may giày da cho rằng, Việt Nam là một nước có thứ hạng trên thế giới về sản xuất quần áo và giày dép nhưng những ngành này đang phải nhập khẩu nguyên liệu nên ảnh hưởng đến kiềm chế nhập siêu. Vấn đề không phải là xuất khẩu bao nhiêu tỉ USD mà cần chú trọng hơn sản xuất nguyên liệu bông sợi trong nước.

Ngoài ra ông Stephen cũng nói, công nghiệp Việt Nam cần có nhiều ý tưởng mới, không nên dựa nhiều vào ý tưởng hoặc phát minh, phát kiến của phương Tây. Ông Stephen nêu một thực trạng rằng dịch vụ cảng biển của Việt Nam chưa được tốt như: thời gian thông cảng chậm, còn nhiều thủ tục hành chính. Trong khi đó vòng đời của sản phẩm công nghiệp thường ngắn sẽ làm cho sản phẩm bị thất thế cạnh tranh.

Việt Nam muốn thay đổi mô hình phát triển công nghiệp thì phải chuẩn bị được một lực lượng lao động có tay nghề, trình độ cao. Phát triển giáo dục là ưu tiên hàng đầu, đào tạo gắn bó mật thiết với nhu cầu thị trường.

Đức Chính (ghi)