Có thể đẩy lùi tai nạn giao thông!

16:00 | 19/11/2012

1,042 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người tham gia giao thông cần nhận thức đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới TNGT, từ đó nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ để chủ động phòng tránh tai nạn.

Ngày 19/11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT). Đây là việc làm thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các nạn nhân bị TNGT, đồng thời cũng là sự nhắc nhở mọi người cần nâng cao trách nhiệm đối với bản thân, đối với gia đình và cộng đồng, không để biến thành nạn nhân và tội phạm gây ra TNGT, bởi đến thời điểm này, TNGT so cùng kỳ năm trước tuy có giảm, nhưng vẫn là “quốc nạn”.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 10 năm qua, cả nước có hơn 120.000 người chết vì TNGT, bình quân mỗi năm là hơn 11.000 người, mỗi ngày là 30 người, hơn 200 gia đình bị tổn thất về vật chất, tinh thần. TNGT cũng gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bình quân mỗi năm nước ta mất 40.000 tỉ đồng khắc phục hậu quả TNGT. Số tiền này có thể xây dựng được 10 bệnh viện cấp tỉnh, 1.123 trường học, hơn 6.400 căn nhà tình nghĩa.

Bình quân mỗi năm nước ta mất 40.000 tỉ đồng khắc phục hậu quả TNGT

Riêng từ tháng 1 đến hết tháng 9 năm nay, cả nước đã xảy ra 24.000 vụ TNGT, làm chết gần 7.000 người, bị thương 25.000 người, thiệt hại về vật chất vẫn rất lớn. Ngay trong tháng cao điểm về an toàn giao thông với chủ đề “An toàn mọi lúc - Hạnh phúc mọi nơi” và hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT (từ ngày 19/10 đến 19/11), TNGT vẫn liên tiếp xảy ra, gây nên những cái chết thương tâm ở nhiều địa phương. Số người bị thương vì TNGT cũng vẫn còn cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội có tới 50 trường hợp TNGT vào cấp cứu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT. Đó là hệ thống đường sá ở nước ta còn hẹp, đa số chất lượng thấp, lượng ôtô, xe máy nhiều, rồi trời mưa, đường trơn, sương mù hạn chế tầm nhìn, việc tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ còn hạn chế, việc xử phạt người vi phạm luật còn nhẹ và có nơi chưa nghiêm nên không đủ độ răn đe. Nhưng, nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu là do người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành nghiêm luật pháp. Hiện nay vẫn có một bộ phận lái xe khách, xe tải đường dài thường phóng nhanh, vượt ẩu bất kể ngày, đêm dẫn tới đâm vào xe khác, đâm vào người đi đường. Nhiều người điều khiển xe máy, chở hai, chở ba cũng vi phạm tương tự. Người điều khiển môtô không có bằng lái, không biết Luật Giao thông đường bộ nhưng vẫn phóng xe máy bạt mạng, thậm chí có người còn không đội mũ bảo hiểm và sử dụng bia rượu quá nồng độ quy định. Rồi học sinh trung học phổ thông chưa đủ tuổi đi xe máy vẫn vô tư phóng xe tới trường…

Để bảo đảm an toàn giao thông một cách cơ bản, vững chắc, kéo giảm nhanh số người bị chết, bị thương, gây đau đớn, thiệt hại đối với gia đình và xã hội, người tham gia giao thông cần nhận thức đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới TNGT, từ đó nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ để chủ động phòng tránh tai nạn. Trước khi điều khiển ôtô, xe máy, mọi người nhất thiết phải trải qua lớp đào tạo cơ bản, chính quy để nắm vững kỹ thuật và Luật Giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông phải thực hiện đúng luật, đã uống nhiều rượu bia là không cầm lái. Người đi bộ phải đi đúng phần đường quy định và thận trọng khi băng qua đường sắt. Ngành giao thông vận tải cần kết hợp ngành giáo dục - đào tạo đưa việc phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ vào các trường học với nội dung, hình thức phù hợp ở từng cấp học để học sinh, sinh viên nắm vững và thực hiện đúng.

Các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền về các biện pháp ngăn chặn TNGT để người dân vận dụng. Các địa phương cần in nhiều tài liệu tóm tắt những quy định về an toàn giao thông, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo Nghị định 71/2012 NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ… để phổ biến tới người dân các thôn xóm, tổ dân phố và dán ở nơi công cộng để mọi người đọc, ghi nhớ và thực hiện.

Bộ Công an cần tổ chức lực lượng Cảnh sát giao thông hợp lý, tăng cường trang bị kỹ thuật hiện đại và thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ để ngăn chặn TNGT xảy ra. Mặt khác, Bộ cũng cần chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đưa ra khỏi lực lượng Cảnh sát giao thông những cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện thoái hóa, biến chất, không xử phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo đúng quy định mà nhận tiền bỏ túi cá nhân, dẫn tới tình trạng “nhờn luật”…

Về lâu dài, Nhà nước cần đầu tư ngân sách hoặc kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài xây dựng, nâng cấp đường sá, cầu cống… để tạo thuận lợi cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi lại thuận lợi, bảo đảm an toàn, giảm tới mức thấp nhất một cách ổn định và bền vững các vụ TNGT gây thiệt hại về người và của.

Duy Thủy