Xây dựng hệ thống pháp luật về lao động trẻ em

Có nhiều vấn đề cấp thiết cần chuẩn hóa

08:00 | 04/04/2018

678 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lao động trẻ em hay trẻ em làm việc là một khái niệm vẫn chưa được phân định rõ ràng để trên cơ sở đó xây dựng hệ thống luật pháp bảo đảm các quyền của trẻ em. Đó là vấn đề được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra trong bối cảnh có rất nhiều khoảng trống pháp luật về bảo đảm quyền của trẻ em.

Chưa có thống kê đầy đủ

Theo khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiến hành cho thấy, có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em, chiếm 9,6% tổng dân số, chủ yếu ở nhóm tuổi từ 15-17, tập trung ở 3 nhóm ngành nghề: Nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - dịch vụ. Tuy nhiên, các con số này đến nay vẫn chưa được đầy đủ.

Bà Yoshie Noguchi, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, nếu không có số liệu hoặc những bằng chứng mang tính toàn diện hay khuôn khổ pháp lý và việc thống kê thu thập thông tin không song hành, không hỗ trợ nhau thì rất khó đưa ra được những giải pháp triệt để về lao động trẻ em, không có cơ sở để cải thiện chính sách về lao động trẻ em. Bởi số liệu thống kê giúp Việt Nam biết những giải pháp đang thực thi có hiệu quả hay không.

co nhieu van de cap thiet can chuan hoa
Trẻ em bốc xếp tại một lò gạch

Đồng tình với quan điểm đó, Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội Chang Hee - Lee khẳng định, thông tin và số liệu thống kê chi tiết về bản chất, mức độ lao động trẻ em cần được thu thập và cập nhật, để làm căn cứ cho việc xác định những ưu tiên hành động nhằm xóa bỏ lao động trẻ em, đặc biệt để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Muốn vậy, phải xác định phương pháp thu thập thông tin nào cần áp dụng, xác định hình thức lao động trẻ em nào là tồi tệ nhất, đặt ra chỉ tiêu xác định loại công việc nguy hại, nguy hiểm là gì, làm cơ sở để thiết kế kế hoạch hành động quốc gia.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH Đặng Hoa Nam, điều tra khảo sát về lao động trẻ em sẽ khởi động từ năm nay, song kinh nghiệm cho thấy, phải mất ít nhất hơn 1 năm để hoàn thiện khảo sát quốc gia. Điều đó đòi hỏi phải có sự bố trí nguồn lực và phối hợp giữa các bên liên quan. Cuộc khảo sát này rất quan trọng để thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam trong các công ước quốc tế, nhằm đánh giá tình hình chung về lao động trẻ em.

Lao động trẻ em hay trẻ em làm việc?

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH Hà Đình Bốn khẳng định, các số liệu thống kê đang là điểm yếu, không ít báo cáo thống kê vì thiếu tiêu chí, thiếu nguồn lực nên chắp vá. Để thống kê chính xác, cần sửa đổi bổ sung về khái niệm lao động trẻ em trong hệ thống pháp luật.

Ông Đặng Hoa Nam chỉ ra thực tế, hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra được khái niệm đầy đủ để có thể nhận diện được lao động trẻ em. Thực tiễn trong cuộc sống, nhận thức của người dân, gia đình cũng như những nhà hoạch định chính sách vẫn chưa phân định rõ giữa lao động trẻ em với trẻ em tham gia lao động, giữa công việc mà trẻ em không được phép làm với những công việc trẻ em có thể được làm. Thuật ngữ về lao động trẻ em theo chuẩn mực quốc tế cũng chưa được thể hiện rõ ràng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trước thực tế đó, có ý kiến kiến nghị, hệ thống các tiêu chí để nhận diện, đánh giá mức độ gây tổn hại cho trẻ em là tiêu chí tương đối phức tạp, tuy nhiên không thể không quy định. Cần có quy định về lao động trẻ em, bao gồm cả vấn đề về việc làm, bảo hiểm, an toàn lao động, xác định rõ nhất thế nào là lao động chưa thành niên, như thế nào thì trẻ em và người chưa thành niên được tham gia lao động. Đặc biệt, phải bảo đảm sự tương thích giữa Luật Trẻ em 2016 và Bộ luật Lao động 2012.

Thế nhưng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, Bộ luật Lao động chủ yếu điều chỉnh những người nằm trong quan hệ lao động, với quy định cấm sử dụng những người chưa thành niên làm những công việc nhất định. Còn Luật Trẻ em đưa ra khái niệm rộng hơn, cụ thể như không làm trước tuổi, không làm trong thời gian quá dài, công việc nặng nhọc nguy hiểm, những công việc tồi tệ nhất. Như vậy, phạm vi điều chỉnh rất khác nhau, khó có thể đồng nhất. Hơn nữa, lao động trẻ em ít khi thấy ở những nơi có quan hệ lao động, nơi mà người sử dụng lao động ký hợp đồng trả lương, mà thường phát hiện ở những nơi lao động không chính thức, không có quan hệ lao động và tại các hộ gia đình, với hình thức tự làm việc như bán báo, đánh giày, bán vé số hay phục vụ nhà hàng.

Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH Cao Thị Thanh Thủy đặt câu hỏi: Bên cạnh những tiêu chí chung mang tính nguyên tắc, xuyên suốt thì còn cần những tiêu chí nào để xác định lao động trẻ em? Trẻ em lao động trong khu vực phi chính thức có được xem là lao động trẻ em hay không? Nên chăng, ILO cần đưa ra khái niệm rõ ràng về “lao động trẻ em” cũng như khoảng trống trong vấn đề này, để Việt Nam nghiên cứu tham khảo vận dụng vào công tác xây dựng luật pháp về lao động trẻ em được hoàn chỉnh, bảo đảm các quyền của trẻ em.

Bà Yoshie Noguchi cho biết, để đưa ra định nghĩa về trẻ em cần có tiêu chí “mềm” hơn như về độ tuổi, tính chất công việc nhẹ nhàng hay nặng nhọc, căn cứ vào điều kiện làm nguy hiểm hay không nguy hiểm, độ dài thời gian. Điều đó tùy thuộc vào hệ thống pháp luật của từng quốc gia, cơ chế giám sát đo lường hay những chỉ tiêu, chỉ số của cơ quan thống kê để đưa ra được định nghĩa cụ thể, thống nhất.

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Đối với tuổi từ đủ 15 đến dưới 18 làm việc không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần và độ tuổi này được làm thêm giờ vào ban đêm trong một số nghề và công việc (được quy định theo văn bản pháp luật). Người dưới 15 tuổi không làm quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần, không được làm thêm giờ, hay không làm việc ban đêm.

Thảo Anh