Chuyện về những con người “hiếm có”
Khóc, cười chuyện nhóm máu hiếm
Gặp tôi trong một quán cà phê nhỏ, chị Đỗ Thị Thùy Dung – Phó Chủ tịch CLB Nhóm máu hiếm TP Hà Nội và anh Trần Trọng Huy – thành viên CLB hồ hởi giới thiệu về CLB đặc biệt của mình.
Năm 2003 là lần đầu tiên chị Dung đi hiến máu tình nguyện ở trường Đại học, do sai sót của một số tình nguyện viên, đến năm 2007, chị mới được bác sĩ của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thông báo nhóm máu của chị thuộc nhóm máu hiếm. Lúc này, chị mới ngỡ ngàng và bắt đầu đi tìm hiểu thông tin về nhóm máu hiếm từ các tài liệu nghiên cứu trên Viện Huyết học. Tuy nhiên, thời điểm ấy, thông tin về các nhóm máu hiếm rất thiếu. 3 – 4 năm trở lại đây nhóm máu hiếm mới được chú ý nhiều hơn. Chị chia sẻ: “Lúc đầu biết tin mình rất khủng hoảng, bởi chưa bao giờ nghe tới cụm từ “nhóm máu hiếm”, cũng không hiểu cuộc sống của mình sẽ thay đổi theo hướng nào”.
Cũng như chị Dung, anh Huy cũng đã tham gia CLB từ năm 2008 tới nay và là thành viên tích cực, xông xáo nhất. Khi còn học Đại học, anh cùng bạn bè đi hiến máu tình nguyện theo sự kêu gọi của Hội Thanh niên, lúc này anh mới biết mình mang nhóm máu hiếm. Anh cười: “Sốc lắm chứ, vì cả gia đình mình và bạn bè mình không ai có nhóm máu hiếm, thật sự cảm thấy bối rối, thời điểm ấy quả thật không biết phải làm gì”.
Những người có nhóm máu hiếm thường chỉ được phát hiện khi đi hiến máu tình nguyện hoặc làm các xét nghiệm chuyên môn về nhóm máu. Trong khi đó, số lượng người hiến máu tình nguyện và chủ động làm các xét nghiệm này không nhiều, hoặc nếu có, họ cũng không chú ý tới việc nhóm máu mình có thuộc loại hiếm hay không.
Chúng ta có tất cả 4 nhóm máu khác nhau là A, B, AB, O và yếu tố Rhesus (ký hiệu là Rh). Khi thử máu, nếu có kháng nguyên Rh thì gọi là Rh dương tính (+), nếu không có kháng nguyên Rh thì gọi là Rh âm tính (-). Thạc sĩ Ngô Mạnh Quân – Trưởng khoa vận động và Tổ chức hiến máu (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết, theo thống kê thì có tới 85% con người có Rh dương tính, còn tỉ lệ người có nhóm máu hiếm (Rh âm tính) ở Việt Nam rất thấp (khoảng 0,04%). Như vậy ở Việt Nam, trong 1000 người thì có từ 1 đến 2 người mang nhóm máu hiếm. Nhóm máu hiếm chỉ là một đặc tính di truyền, giống như màu da, màu tóc… không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng những người có nhóm máu hiếm Rh- chỉ có thể truyền máu cho nhau. Nếu truyền nhầm nhóm máu (Rh+ sang Rh-) sẽ xảy ra hiện tượng tan máu (phản ứng loại trừ nhau) gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong.
Dưới sự bảo trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bác sĩ Trần Ngọc Quế – Trưởng khoa hiến máu và các thành phần máu (Viện huyết học Truyền máu Trung ương) đã thành lập CLB Nhóm máu hiếm TP Hà Nội vào ngày 6/1/2007. CLB Nhóm máu hiếm TP Hà Nội bắt đầu chỉ với 19 thành viên đến từ khắp các tỉnh miền Bắc, có những người từ Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang cũng lặn lội xuống Hà Nội họp mặt và giao lưu. Đến nay, sau 5 năm thành lập, CLB đã có hơn 200 thành viên, trong đó có hơn 50 người hoạt động thường xuyên và sẵn sàng hiến máu. Ngoài CLB Nhóm máu hiếm được phân bố trên khắp đất nước như CLB tại Hà Nội, CLB miền Trung và CLB TP HCM. Các CLB này đều có sự liên hệ, liên kết, giao lưu lẫn nhau.
Chị Dung chia sẻ, CLB Nhóm máu hiếm gặp mặt các thành viên khoảng 1-2 lần/năm vào các buổi gặp gỡ, trao đổi hoặc hội thảo chuyên ngành do Trung ương hội Chữ thập đỏ và Viện Huyết học tổ chức. Các thành viên trong CLB chủ yếu giao lưu thông qua các diễn đàn của các trang web như http://nhommauhiem.org, http://caulacbomauhiem.vn… Qua các diễn đàn ấy, các thành viên chia sẻ với nhau chuyện vui, chuyện buồn trong cuộc sống, công việc. Chị Dung nhớ mãi câu chuyện của một thành viên nữ của CLB, khi bác sĩ kiểm tra, khẳng định là nhóm máu hiếm và mời chị lên Viện để trao đổi thông tin. Chị đưa người yêu đi cùng để có thêm can đảm và để người yêu hiểu hơn về mình. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau cuộc gặp gỡ ấy, các thành viên trong CLB nhận được tin: người con trai ấy đã chia tay chị vì sợ những vấn đề của nhóm máu hiếm sẽ làm ảnh hưởng tới việc sinh nở và hạnh phúc sau này.
Nói đến đây, chị Dung cười buồn: “Rất nhiều bạn nữ trong CLB cảm thấy hoang mang, nhiều người còn sợ rằng mình không bao giờ được kết hôn và sinh con bởi nhóm máu hiếm của mình nên không dám yêu, không dám cho mình cơ hội để hạnh phúc”. Từ khi biết được mình mang nhóm máu hiếm, chị cũng đã vận động gia đình và bạn bè đi kiểm tra, chị chia sẻ: “Mỗi lần biết thông tin bạn mình, người thân mình không mang nhóm máu hiếm, mình lại cảm thấy vui mừng và nhẹ nhõm”.
Thời gian gần đây, mặc dù thông tin về các nhóm máu hiếm đã được nhiều phương tiện truyền thông nhắc tới. Tuy nhiên, kiến thức của đa phần người dân đều ít được cải thiện. Thậm chí một số người còn cho rằng máu hiếm là loại máu xấu, loại “khác người” vì thế những thành viên trong CLB như chị Dung, anh Huy không muốn công khai hình ảnh hay nhóm máu của mình, bởi định kiến của nhiều người vẫn khiến các anh chị ngại ngần. Bên cạnh đó, rất nhiều người mang nhóm máu hiếm, nhưng do băn khoăn, họ không muốn tham gia các CLB, chỉ đến khi có vấn đề như bệnh tật, tại nạn … họ mới tìm đến những người giống mình để được giúp đỡ.
Sẵn sàng hiến máu để cứu người
Chị Dung cho biết, các thành viên trong CLB Nhóm máu hiếm cần hạn chế đi hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, với người bệnh đang cần máu, họ lại hết lòng, hết sức, nhiều người gác lại công việc để hiến máu cứu người.
Chị Dung nhớ lại nhiều khi bệnh viện liên hệ với CLB vào đêm hôm, mưa rét, thế nhưng chị và các thành viên vẫn đội mưa, vượt gió rét, đêm khuya để tới với bệnh nhân. Ở nước ta hiện nay, việc kiểm tra và xác định nhóm máu hiếm vẫn còn bị thờ ơ, bên cạnh đó, công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về vấn đề này còn yếu, nên nhiều người không ý thức được việc xét nghiệm, kiểm tra nhóm máu hiếm quan trọng đến mức nào. Đối với một số người, chỉ cần biết máu mình thuộc nhóm A, B, O hay AB là đủ, “hiếm hay không hiếm thì giải quyết vấn đề gì”. Chỉ đến khi có tai nạn, bệnh tật hoặc sinh nở, họ mới tìm kiếm thông tin và tìm đến với những người có nhóm máu hiếm giống mình.
CLB Nhóm máu hiếm Hà Nội có hơn 200 thành viên, nhưng chỉ có khoảng 50 người hoạt động tích cực và hiến máu khi cần thiết, bản thân chị Dung đã hiến máu cứu người hơn 10 lần. Chỉ cần có thông tin từ Chủ nhiệm CLB, các thành viên này đều sẵn sàng vượt cả quãng đường xa xôi, gác lại công việc để tới bệnh viện cứu người bằng chính dòng máu hiếm của mình.
Chị Dung nhớ mãi một trường hợp sản phụ tên Lan (nhà ở Bát Đàn). Khi mang thai, xét nghiệm máu biết mình mang nhóm máu O (Rh-), chị Lan đã cẩn thận lựa chọn bệnh viện Việt – Pháp, hi vọng sinh nở an toàn. Các bác sĩ tại bệnh viện cũng chủ quan, không liên hệ trước với CLB đề phòng trường hợp không may. Đến khi sinh, do sức khỏe không đảm bảo, chị Lan đã bị băng huyết, nếu không được truyền máu kịp thời, tính mạng chị và cháu bé sẽ bị nguy hiểm. Lúc này, người nhà bệnh nhân và bệnh viện mới hốt hoảng gọi cho chị Dung. Chị nói: “Nhận được tin, mình đã huy động được 3, 4 bạn có nhóm máu O (Rh-) cùng tới bệnh viện. Nhờ các bạn này, chị Lan đã vượt cạn an toàn và sinh hạ được một cháu bé khỏe mạnh”. Chị còn cho biết “hiện nay cả gia đình chị Lan đều sinh hoạt trong CLB, mặc dù chỉ có mình người mẹ mang trong mình nhóm máu hiếm”, mỗi lần nhìn thấy cháu bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn, các thành viên CLB đều cảm thấy tự hào và hạnh phúc bởi sự “đặc biệt” của mình.
Hiện nay, các thành viên trong CLB nhóm máu hiếm của TP Hà Nội liên kết với rất nhiều bệnh viện, trong đó nhiều nhất là bệnh viện Phụ sản Trung ương và bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Số lượng máu mà các thành viên hiến để cứu người rất nhiều, tuy nhiên, hầu như không có ai tìm gặp CLB để cảm ơn. Chị Dung cười nói: “Mình hiến máu cứu người đâu phải để ai phải mang ơn, phải trả ơn mình. Điều mình cảm thấy tự hào nhất chính là chúng mình đã làm tất cả những gì có thể để cứu người”.
Trong số các thành viên CLB, anh Trần Trọng Huy là người đầu tiên tiếp xúc với người nhận máu của mình. Đó là năm 2010, là lần đầu tiên anh đi hiến máu cho người bệnh, sau khi nhận được thông tin từ ban Chủ nhiệm, anh cùng một số thành viên khác tới Viện 103 để hiến máu cho một người đàn ông bị tai nạn cần phẫu thuật gấp. Nhớ lại thời điểm đó, anh chia sẻ: “Tôi thật sự hoang mang, băn khoăn không biết với số máu của mình, người bệnh có qua khỏi được không”. Bẵng đi một thời gian, có người đàn ông tìm đến CLB để cám ơn a Huy, lúc ấy anh mới biết người đàn ông này chính là người mình đã cứu sống. Giờ đây, anh Việt – người đã được anh Huy cho máu đã tham gia CLB và hoạt động rất tích cực.
Năm 2011, anh Trần Trọng Huy đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao bằng khen vì đã có nhiều thanh tích trong công tác hiến máu tình nguyện. Anh Huy cho rằng đó chính là sự công nhận của các cấp lãnh đạo đối với nỗ lực cứu người của những con người có nhóm máu hiếm như các anh, các chị.
Năng nổ trong công việc, cuộc sống và cả trong công tác hiến máu cứu người, những thành viên trong CLB Nhóm máu hiếm TP Hà Nội đã và đang là những “ngân hàng máu” sống, hàng ngày góp phần giành giật sự sống cho những người “hiếm có” và “đặc biệt” như họ.
Vương Tâm
-
Tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
-
Người lao động là "chiến sĩ tiên phong" trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo
-
Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông phối hợp xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng