Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh

08:36 | 21/06/2024

1,080 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyển đổi xanh là yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện.
Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh- Ảnh 1.
Hội thảo Công bố báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”.

Ngày 20/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Công bố báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024 (BCKTTN 2024) với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”. Hội thảo do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, đã liên tục xuất bản và công bố trong 16 năm qua, tập trung phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề "Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh" đã nhận định tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024: Về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, các thị trường tiền tệ, tín dụng, tài chính, lao động và năng lượng; đánh giá mối quan hệ giữa chuyển dịch năng lượng tái tạo và tăng trưởng kinh tế; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ở các quốc gia như Anh, Đức, Trung Quốc về chuyển dịch năng lượng tái tạo và đưa ra giải pháp thúc đấy chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Việt Nam...

Xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, chuyển đổi xanh là yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện.

Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh- Ảnh 2.
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại COP 26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030.

"Áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hoá nền kinh tế.

Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới", PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê nhận định.

Tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư

Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đã đưa ra những đánh giá nhằm gợi mở một số khuyến nghị chính sách quan trọng.

Cụ thể, trong ngắn hạn, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% năm 2024, cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng; có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể, và cần đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.

Cần có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa carbon. Chính phủ cần sớm công bố danh mục phân loại xanh để các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng xanh trong nước và nước ngoài.

Tiếp thêm vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, tăng cường cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thúc đẩy thực hiện xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm căn cứ cho các quỹ có thể bảo lãnh tín chấp.

Bên cạnh đó, đảm bảo hài hoà, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung. Thúc đẩy đa dạng hoá các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng (nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác gắn với tín dụng xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cho thuê tài chính…).

Trong trung, dài hạn, cần hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số, như công nghệ phần mềm, kinh doanh nền tảng, thương mại điện tử để tạo ra động lực đổi mới sáng tạo. Bố trí nguồn lực thúc đẩy phát triển mô hình tăng trưởng, có cấu lại nền kinh tế.

Nghiên cứu hoàn thiện mô hình phát triển nhà ở xã hội để khắc phục những hạn chế hiện nay. Thành lập doanh nghiệp nhà nước chuyên thực hiện phát triển nhà ở xã hội (đầu tư, quản lý nhà ở xã hội).

Phát triển nhà ở xã hội ngoài mục tiêu chính là hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, còn có vai trò quan trọng trong hỗ trợ cân bằng thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu dài hạn, xuyên suốt và việc giao thị trường, nhất là khu vực tư nhân sẽ khó đảm bảo mục tiêu xã hội do tính thương mại và khó khăn trong triển khai dự án đầu tư và quản lý nhà ở xã hội giai đoạn vận hành.

Cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng, như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; tập trung tháo gỡ các khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, như các giao dịch dân sự, thủ tục đầu tư, phòng cháy chữa cháy...); cải thiện môi trường kinh doanh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, theo PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, cần ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi (chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công). Về lâu về dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Quá trình chuyển dịch năng lượng của các quốc gia trên thế giới

Quá trình chuyển dịch năng lượng của các quốc gia trên thế giới

Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực chống biến đổi khí hậu và sức ép của việc đảm bảo an ninh năng lượng, các quốc gia, chính phủ dần hình thành các kế hoạch, lộ trình để thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng.

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc