Chuyện của một người mẫu bất đắc dĩ

06:00 | 04/02/2012

982 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong lúc làm nhiệm vụ, như những người khác, Duyền mải mê ngắm nhìn đồng tiền còn thơm mùi giấy mới. Bỗng Duyền hét lên: "A... Chúng mày ơi... Tao đây này!!!" "Đâu, đâu... làm gì có? Đâu, xem nào... làm gì có chuyện ấy?"… Chuyện gì vậy?

Năm 1959, Nhà nước ta tiến hành đổi đồng tiền tài chính (tiền do Bộ Tài chính phát hành), chính thức lưu hành đồng tiền ngân hàng (do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành). Bà Nông Thị Duyền, lúc bấy giờ công tác ở Ngân hàng huyện Quảng Nguyên (nay là huyện Quảng Uyên, mới được tách ra từ huyện Quảng Hòa) tỉnh Cao Bằng, được phân công vào Ban Đổi tiền. Trong lúc làm nhiệm vụ, như những người khác, Duyền mải mê ngắm nhìn đồng tiền còn thơm mùi giấy mới. Bỗng Duyền hét lên: "A… Chúng mày ơi… Tao đây này!!!” – "Đâu, đâu… làm gì có? – Đâu, xem nào… làm gì có chuyện ấy?”… Chuyện gì vậy? Chúng ta cùng nghe bà Duyền kể lại:

Bà Nông thị Duyền thời trẻ

Dạo ấy tôi còn trẻ lắm, vào khoảng năm 1945, mới 18 tuổi – bà Nông Thị Duyền kể. Quê tôi ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nơi có rừng Trần Hưng Đạo, có Phai Khắt, Nà Ngần, địa danh nổi tiếng với những chiến công đầu tiên của quân đội ta. Bố tôi là Nông Phúc Phằn, cán bộ lão thành, từng được làm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được bác Giáp đặt tên bí danh là Nông Lê Lợi. Nhưng đấy là chuyện của các cụ, còn chuyện của tôi là thế này – Bà Duyền thủng thẳng – Có một hôm, tôi cùng mấy người bạn đi chợ huyện. Chợ vùng cao 5 ngày mới có một phiên, vui lắm. Bọn con gái chúng tôi rất thích đi chợ, vì đây là dịp để được mặc đẹp, được gặp gỡ, được ngắm nhìn… Mấy đứa chúng tôi đang rảo bước trên đường xuống chợ thì thấy có một anh thanh niên lạ cứ bám theo, nhìn chúng tôi chằm chằm. Chúng tôi bước nhanh hơn, vừa đi vừa cấu nhau, cười khúc khích. Người ấy cũng bước nhanh theo chúng tôi.

- Anh đuổi theo chúng em làm gì đấy? Tôi mạnh dạn hỏi.

- Thấy em đẹp quá, anh mới đuổi theo đấy – Người ấy cũng có vẻ bạo miệng: Cho anh ngắm em một tí!

- Ôi, thế thì không được đâu, em xấu hổ lắm!

Tôi nói thế và kéo nhau ù té chạy. Anh chàng này không tha, nhất định đuổi theo. Rồi chúng tôi đến chợ lúc nào không biết.

- Thôi, thôi, bây giờ thì anh nói thật, nói nghiêm chỉnh này – Anh ấy vừa thở hổn hển vừa nói – Anh là họa sĩ, anh muốn được vẽ chân dung em – Anh vừa nói vừa chỉ vào tôi.

- Không đâu – Tôi giật mình, đỏ mặt, núp vào sau lưng mấy đứa bạn – Em xấu lắm, anh vẽ đứa này này! Nhưng anh ấy nhất định không nghe, cứ nài nỉ mãi.

- Anh vẽ để làm gì? Tôi lại hỏi.

- Anh vẽ để đi triển lãm.

Tôi xấu hổ lắm, nhưng thấy thương thương, thế là ngồi làm mẫu cho anh ấy vẽ ngay ở chợ. Chuyện ấy rồi cũng qua đi, chẳng ai còn nhớ anh chàng họa sĩ kia nữa. Đến tháng 3/1956 tôi lấy chồng, anh ấy là giáo viên Trường Sư phạm miền núi Trung ương. Trường của anh ở phố Cửa Bắc, Hà Nội (trường này đã giải thể năm 1960). Thế là tôi theo chồng về Hà Nội. Bỗng một hôm ông Đặng Nghiêm Vạn, Hiệu trưởng nhà trường dẫn một người đến gặp vợ chồng tôi. Nhìn anh này thấy quen quen, ngờ ngợ, rồi tôi cũng nhận ra, chính là anh họa sĩ đã vẽ tôi 2 năm trước ở chợ Nguyên Bình. Mình có chồng rồi, sao anh ta lại còn cố bám theo làm gì nhỉ, mà sao anh ta lại biết mình ở đây mà tìm? Tôi tự hỏi.

- Anh về Tam Kim tìm Duyền – Anh ấy nhã nhặn – Hỏi mọi người, biết Duyền đã lấy chồng và về Hà Nội, anh mới hỏi thăm địa chỉ và tìm đến đây.

- Anh họa sĩ này muốn vẽ chân dung một phụ nữ người dân tộc – Ông Vạn nói – Anh ấy đã chọn cô Duyền, đã vất vả tìm kiếm, bây giờ mới thấy. Hai vợ chồng cố gắng bố trí giúp đỡ anh ấy nhé!

Chúng tôi nghĩ chắc phải là việc quan trọng lắm thì ông hiệu trưởng mới nói thế. Thế là vợ chồng tôi vui vẻ nhận lời ngay.

Hôm sau, tôi được mời lên một chiếc xe ôtô nhỏ, trong xe chỉ có tôi và người lái xe. Tôi có cảm giác hơi sợ, vì không biết người ta đưa mình đi đâu. Là một cô gái dân tộc vùng cao, nhút nhát lắm, nên tôi ngồi im không nói gì. Họ đưa tôi đến Ngã tư Sở, vào một nhà 3 tầng, leo lên gác 3. Gặp anh họa sĩ và hai anh nữa. Một anh bộ đội và một anh công nhân (sau này mới biết, anh họa sĩ tên là Sơn; anh bộ đội tên là Đại, đơn vị ở Hà Nội; còn anh công nhân tên là Bình, công nhân Nhà máy Chung quy mô, sau là Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Tôi chỉ biết tên, không biết họ người nào). Ba anh em chúng tôi bắt đầu đứng làm mẫu cho anh họa sĩ vẽ.

Anh Bình mặc quần áo công nhân, tay cầm cờ, đứng giữa; anh Đại mặc quân phục đứng bên trái; còn tôi đóng bộ thiếu nữ Tày (đây là bộ quần áo cưới của tôi), tay cầm bó lúa, đứng bên tay phải anh Đại. Cứ thế, mỗi ngày 2 buổi, liên tục trong 1 tháng, chúng tôi đứng làm mẫu cho anh Sơn vẽ (lúc ấy là khoảng tháng 8/1957). Trong thời gian ấy, cứ khoảng hai, ba ngày lại thấy có hai người đàn ông đến thăm và dặn dò anh Sơn điều gì đó. Buổi trưa hằng ngày, 3 anh kia đi đâu ăn cơm tôi không biết, còn tôi ăn cơm tại gia đình, chị chủ nhà tên là Lý nấu cơm cho tôi ăn. Chị này được anh Sơn giao nhiệm vụ trông nom tôi cẩn thận, không cho đi đâu, vì họ sợ tôi bị lạc. Thế là tôi cứ ở đấy cả ngày.

Chiều họ lại đưa về Cửa Bắc với chồng. Trong lòng tôi cũng thấy thắc mắc, không hiểu họ vẽ làm gì mà lâu thế, nhưng không dám hỏi. Được một thời gian, thấy đã hơi quen quen, tôi mới hỏi anh Sơn vẽ để làm gì? Anh ấy bảo vẽ để mang đi triển lãm ở Trung Quốc. Anh ấy nói vậy thì biết thế. Và ngày ngày, cứ ăn xong tôi lại đứng làm người mẫu. Kể ra cũng hơi mỏi, hơi buồn, nhưng mấy anh em chúng tôi vô tư lắm, không kêu ca phàn nàn, cũng không đòi hỏi gì. Nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ, mỗi người cũng được bồi dưỡng 2 đồng.

Chúng tôi chia tay nhau, nhưng chẳng ai xin địa chỉ của ai. Chuyện ấy rồi cũng lại qua đi. Đến tháng 11/1958 tôi vào ngành ngân hàng, công tác tại Ngân hàng thị xã Cao Bằng. Tháng 2/1959 chuyển vào Ngân hàng huyện Quảng Nguyên, làm nhân viên kiểm ngân. Tháng 4/1959, Nhà nước ta tiến hành đổi đồng tiền tài chính (do Bộ Tài chính phát hành), chính thức lưu hành đồng tiền ngân hàng (do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành). Tôi được phân công vào Ban Đổi tiền. Tôi còn nhớ, đêm trước ngày đổi tiền, những người được phân làm công tác đổi tiền đều bị “giam lỏng” ở UBND huyện.

Vợ chồng bà Duyền cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa

5h sáng hôm sau, chúng tôi phân công nhau đi dán những tờ giấy in mẫu tiền mới ở các điểm đổi tiền. Ai cũng phấn khởi, vui vẻ vì được làm nhiệm vụ quan trọng này, được vinh dự nhìn thấy đồng tiền mới trước nhiều người. Người dân cũng dậy sớm hơn mọi hôm, họ kéo đến rất đông. Ai cũng xuýt xoa khen tiền Bác Hồ đẹp quá! Chúng tôi hăng hái làm nhiệm vụ. Đến lúc vãn người, mới được dịp ngắm kỹ những đồng tiền. Tiền giấy có 4 loại: Mệnh giá cao nhất 10 đồng, in hình Bác Hồ; tờ 5 đồng in hình Nhà máy Diêm Cầu Đuống; 2 đồng in hình tượng trưng cho các tầng lớp trí thức, công nhân, nông dân và bộ đội; tờ 1 đồng in hình một nhóm nông dân đang gặt lúa. Tôi chú ý đến tờ 2 đồng vì thấy trong đó có một cô gái Tày và thấy có cái gì đó rất quen… Bỗng tôi đứng bật dậy và hét lên sung sướng:

- A… Chúng mày ơi… Tao đây này… Tao đây này!!!

Mọi người tưởng tôi bị làm sao, xúm đến.

- Duyền bị sao đấy?

- Nhớ chồng quá à?

- Chúng mày không thấy à, tao đây này – Tôi nói và giơ đồng 2 đồng cho mọi người xem.

- Làm gì có chuyện ấy?

- Đâu, xem nào, làm gì có chuyện ấy, con này dở hơi rồi!

- Chúng mày không tin à, tao đang cầm bó lúa đây thây, cái áo này là áo cô dâu của tao đây thây! – Tôi hổn hển, ngực tôi như có người đánh trống ở trong ấy.

- Để tao chỉ cho, đây là anh Đại này, đây là anh Bình này, lá cờ này là bằng giấy dán ở đằng sau nhé, chứ không thì sao nó lại bay được. Người này cũng là anh Bình này (vì thiếu người mẫu nên anh Bình phải đóng 2 vai, vừa là công nhân, vừa là nông dân, vì thế trong đồng tiền mới thấy có 4 người. Người nông dân đứng bên phải tôi cũng theo nguyên mẫu của anh Bình). Lúc bấy giờ mọi người mới tập trung nhìn kỹ.

- Ừ, đúng là cái Duyền thật chúng mày ạ, nó xinh như thế cơ mà!

- Nó xinh thế thì người ta mới vẽ nó chứ…

Thế là trong người có bao nhiêu tiền tôi đổi hết lấy loại tiền 2 đồng. Mọi người ai cũng vui vẻ, chúc mừng tôi. Họ bảo: “Chuyến này cái Duyền phải về bảo bố thịt trâu ăn mừng thôi!”.

Từ hôm ấy, thỉnh thoảng tôi lại đem đồng tiền ra ngắm. Mỗi lần ngắm nhìn là một lần rưng rưng xúc động. Tôi thấy mình thật là may mắn, từ đó tôi càng yêu ngành, yêu nghề hơn và luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong công tác. Năm 1960 tôi được đi học Trung cấp Ngân hàng ở Cự Đà, Hà Đông. Năm 1961 tốt nghiệp về làm kiểm ngân, sau làm thủ kho, rồi thủ quỹ ở Chi nhánh Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên. Cho đến tháng 12/1993 về nghỉ hưu tại xóm Sơn Tiến, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên.

Câu chuyện về bà Duyền – Chuyện của một người mẫu, một người mẫu đặc biệt, có một niềm vinh hạnh đặc biệt, đã đi vào ký ức của cả một thế hệ. Niềm vinh hạnh ấy không chỉ của riêng bà, đó là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ các dân tộc Việt Bắc nói riêng, những người phụ nữ được sống dưới chế độ mới, chế độ dân chủ, tự do và bình đẳng.

Ngô Đức Thụ