Điện lực Quảng Nam:

Chuyện cấp điện cho huyện giáp biên Nam Giang

07:00 | 16/06/2014

1,019 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Điện lưới quốc gia đã mở rộng đến thị trấn Thạnh Mỹ từ hơn 15 năm trước, song việc đầu tư cấp điện cho các xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế do suất đầu tư quá cao (bình quân trên 30 triệu đồng/hộ), vì thế phải lần lượt đầu tư theo kiểu cuốn chiếu, nơi thuận lợi tiến hành trước, vùng đồi núi thực hiện sau. Mặt khác, do dân cư phân tán, đời sống kinh tế của người dân còn nghèo nên việc quản lý vận hành, kinh doanh bán điện nơi đây còn hết sức khó khăn, nhất là đối với việc giữ vững dòng điện cung ứng cho huyện Đắc Chưng của nước bạn Lào, qua cửa khẩu Đắc Ốc (huyện Nam Giang).

Nhiều thách thức

Với 85% diện tích là đồi núi, mật độ dân số chỉ khoảng 12,5 người/km2, huyện miền núi Nam Giang - giáp biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào) - được biết tới là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam. Nơi đây hầu như chỉ có hai mùa mưa nắng. Mùa nắng, thì nắng như đổ lửa, kéo theo mưa giông, gió lốc, giông sét; mùa mưa, mưa như trút nước khiến các dòng sông Bến Giằng, Đắc Ốc gầm rú kinh người giữa đại ngàn Trường Sơn âm u, sương phủ, gây ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng điện cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây.

Tuy khó khăn là vậy, song với những nỗ lực của ngành điện, lần lượt lưới điện được mở rộng về các thôn. Đầu tiên, ngành điện đầu tư đường trục chính 35kV, đưa điện từ dưới xuôi lên cấp điện cho trung tâm hành chính của huyện tại Thạnh Mỹ. Đến năm 2002, Tổng Công ty Điện lực miền Trung tiếp tục đầu tư hệ thống đường dây 22kV và trạm biến áp đưa điện từ thị trấn Thạnh Mỹ lên cửa khẩu Đắc Ốc, dài trên 80km, vừa làm nhiệm vụ bang giao quốc tế vừa tạo trục chính cấp điện cho 5 xã dọc theo tuyến đường 14D.

Khắc phục sự cố lưới điện do mưa bão ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam)

Về sau, khi đã có đường trục chính, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư lưới điện về một số thôn nằm sâu trong vùng đồi núi để đến nay, toàn huyện có 10/12 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, với hơn 90% số hộ có điện. Hiện tại, toàn huyện chỉ còn 2 xã là La Êê và Ch’chun, gồm 6 thôn, 328 hộ dân thuộc vùng núi cao, giáp biên giới với tỉnh Sê Kông chưa có điện nên các hộ dân vẫn còn dùng điện thủy luân công suất nhỏ, thường xuyên hư hỏng và phụ thuộc vào nguồn nước ở các khe, suối, lúc có lúc không. Song, 2 xã này cùng với 2 thôn lẻ khác của huyện Nam Giang cũng đã có dự án đầu tư cấp điện lưới quốc gia và đang được triển khai, chậm nhất hoàn thành cấp điện cuối năm nay. Tính chung toàn huyện hiện có 4.825 hộ dân có điện, trong đó 2/3 là đồng bào các dân tộc thiểu số Ve, Cơ Tu, Tà Riềng sinh sống ở các xã vùng sâu, vùng xa và dọc theo biên giới Việt - Lào.

Để thực hiện nhiệm vụ quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn huyện, từ năm 2007, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã thành lập Tổ Quản lý điện hỗn hợp Nam Giang. Về sau, khi lưới điện khu vực này phát triển mạnh, Đội Quản lý điện tổng hợp Nam Giang ra đời thay tổ thực hiện chức năng quản lý, cung ứng điện trên địa bàn toàn huyện. Hiện tại, đội có 3 tổ công tác, 17 lao động, được giao quản lý, vận hành 335km lưới điện, trong đó 106,7km đường dây 35kV; còn lại là lưới điện trung, hạ áp và 130 trạm biến áp. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Điện lực Đại Lộc, kiêm Đội trưởng Đội Quản lý điện Nam Giang, trong năm nay, khi các dự án đầu tư lưới điện hoàn thành, cấp điện cho các thôn, xã vùng cao còn lại chưa có điện, chắc chắn khối lượng quản lý của đội sẽ tăng cao hơn nhiều.

“Với địa bàn quản lý rộng, giao thông trắc trở, dân chúng sinh sống phân tán, đời sống khó khăn nên đơn vị gặp nhiều trở ngại trong quản lý vận hành và cung cấp điện cũng như giải quyết sự cố cho dân. Vì thế CBCNV trong đơn vị phải chủ động kế hoạch, nỗ lực khắc phục khó khăn mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo cấp điện theo yêu cầu của địa phương” - ông Sơn nói.

Nỗ lực vượt khó

Là một đội sản xuất nhỏ lẻ, phân cấp hạn hẹp, song đơn vị đã thực hiện đầy đủ chức năng của một điện lực khu vực trong quản lý, vận hành đường dây và trạm và cung cấp điện cho khách hàng. Đặc biệt, từ năm 2012, theo chỉ đạo và hướng dẫn của PC Quảng Nam, đơn vị đã triển khai thực hiện đồng bộ 2 chủ trương lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong đó đáng chú ý là việc đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo hướng văn minh, hiện đại gắn với thực hiện văn hóa doanh nghiệp; không ngừng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên cơ sở thực hiện các biện pháp kỹ thuật như bảo đảm lưới điện vận hành an toàn; quản lý lắp đặt công tơ, lắp đặt thiết bị đo xa cho các khách hàng lớn; thực hiện công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ lưới điện…

Năm 2013, khách hàng trên địa bàn huyện Nam Giang được cung ứng điện đầy đủ, ổn định với độ tin cậy cung cấp điện khá tốt. So với mức bình quân chung của Điện lực Đại Lộc, suất sự cố của đội đạt kế hoạch giao và thấp hơn 26%, với mức 1,79 lần/100km/năm; về các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, tuy không đạt kế hoạch, song thực hiện vẫn tốt hơn mức bình quân chung, với số lần mất điện của một khách hàng 37,2 lần/năm, thời gian mất điện bình quân 2.664 phút/năm.

Việc cấp điện cho huyện Đắc Chưng cũng có nhiều tiến bộ. Năm 2013 là năm thứ tư PC Quảng Nam bán điện qua Lào, đạt sản lượng hơn 746 nghìn kWh, tăng 40% so với 2012, doanh thu thực hiện 55.424 USD. Trong 4 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng điện 281.951kWh, tăng 18% so cùng kỳ. Để việc bán điện cho huyện bạn có chất lượng, Đội Quản lý điện Nam Giang không ngừng đẩy mạnh nhiệm vụ kiểm tra phát quang hành lang an toàn lưới điện, thường xuyên gia cố lưới điện ở những nơi có khả năng xảy ra sự cố trên tuyến đường dây Thạnh Mỹ - Đắc Ốc; thường xuyên phối hợp quản lý vận hành giữa hai bên theo “Quy chế phối hợp vận hành đường dây cấp điện huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông - Lào”; việc cấp điện tương đối ổn định và thông báo ngừng cấp điện cũng như giải quyết sự cố kịp thời và đúng qui định. Trong năm 2013, tuyến đường dây này mất điện 37 lần, gồm 28 lần do sự cố, tạm ngưng cấp điện công tác 9 lần để bảo dưỡng đường dây và đấu nối công trình mới, với thời gian mất điện mỗi lần rất ngắn.

Có thể nói, việc cấp điện đầy đủ, ổn định đã thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Nam Giang không ngừng phát triển, đời sống người dân được cải thiện, sản xuất và sinh hoạt của dân chúng trở nên năng động hơn. Đặc biệt công nghiệp địa phương phát triển mạnh, trong đó nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã chuyển sang dùng máy móc thay thế sức người; du lịch cũng bắt đầu khởi sắc. Trong khi đó, những người làm điện ở Nam Giang vẫn mãi mãi khó khăn do đa số phải sống xa gia đình, đời sống đắt đỏ, ngày nghỉ cuối tuần cũng phải phân công nhau trực để thay phiên nhau về thăm nhà. Cuộc sống, việc làm tuy khó khăn, gian khổ là vậy nhưng anh em vẫn vui vẻ, bởi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo PC Quảng Nam, của Điện lực Đại Lộc và sự chăm lo của các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên về đời sống tinh thần.

Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội trong khu vực, nhu cầu điện ngày một tăng cao đòi hỏi năng lực công tác, chất lượng kinh doanh và trình độ giao tiếp của CBCNV phải được tăng cường. Vì thế, trong quy hoạch tổ chức và công tác cán bộ của Đảng ủy PC Quảng Nam giai đoạn 2011-2015 đã có tính đến việc xây dựng Điện lực Nam Giang vào năm 2015 trên cơ sở chuyển đổi mô hình tổ chức của Đội Quản lý điện Nam Giang. Với khả năng hiện có của toàn đội, việc thay đổi mô hình tổ chức của đội chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nhị Triều