Chuyện ăn chia trong khai thác dầu mỏ
Exxon Mobil, theo phán quyết ICC, chỉ nhận được không đến 10% trong số tiền đòi bồi thường, tức gần 908 triệu USD trong 10 tỉ USD, trong khi cục diện giằng co pháp lý vẫn chưa ngã ngũ. Việc vụ kiện sẽ tiếp tục được "kính gửi” lên Trung tâm giải quyết các tranh chấp đầu tư (ICSID, thuộc Ngân hàng Thế giới) cho thấy quốc hữu hóa là một trong những vấn đề phức tạp nhất lịch sử đầu tư khai thác dầu mỏ…

Thập niên 30, Tổng thống Mexico Lázaro Cárdenas đã gây sốc với chính sách quốc hữu hóa công nghiệp dầu
Tại sao quốc hữu hóa?
Venezuela không chỉ đối mặt vấn đề pháp lý với Exxon Mobil mà còn với một công ty dầu Mỹ nữa (ConocoPhillips). Cả hai vụ đều liên quan đến trường hợp quốc hữu hóa Dự án Cerro Negro tại khu vực vành đai dầu Orinoco (nơi được tin có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới). Riêng với trường hợp Exxon Mobil, quyết định của ICC chỉ xoáy đến phần tranh chấp thương mại giữa tập đoàn dầu này với công ty dầu nhà nước Venezuela PDVSA, cụ thể là phần doanh thu mà Exxon Mobil bị mất, bởi hậu quả của việc bị “sang tay”. Trong khi đó, Venezuela nói rằng họ bị “xử đểu” và chỉ trả 255 triệu USD trong gần 908 triệu USD mà ICC yêu cầu. Tất nhiên là Exxon Mobil ấm ức và họ cho biết sẽ làm cho “ra trắng rõ đen”, bằng đơn kiện quy mô hơn gửi lên ICSID (Ngân hàng Thế giới), với nội dung đòi bòi thường phần tài sản bị Venezuela “ăn cướp trắng trợn”.
Tháng 9/2010, Venezuela đã đưa ra cái giá bồi thường 1 tỉ USD cho phần tài sản Exxon Mobil đầu tư vào nước họ và bị “sung công” nhưng Exxon Mobil không đồng ý. Với hai hồ sơ kiện (dự kiến gửi lên ICSID), Exxon Mobil đòi bồi thường đến 12 tỉ USD. Không biết kết quả vụ đáo tụng như thế nào, nhưng quyết định ICSID về vụ này, có thể nhùng nhằng cho đến sau năm 2012, chắc chắn sẽ là cơ sở cho các cuộc tranh chấp tương lai liên quan quốc hữu hóa công nghiệp dầu. Cần nói thêm, Exxon Mobil đã thắng một trận đấu nhỏ khi sử dụng công cụ tòa án quốc tế để phong tỏa khoảng 300 triệu USD mà Venezuela gửi tại các tài khoản Mỹ.
Vụ Exxon Mobil kiện Venezuela tất nhiên chẳng là lần đầu, liên quan vấn đề quốc hữu hóa công nghiệp dầu hỏa. Trong suốt chiều dài lịch sử công nghiệp dầu, những tranh chấp tương tự đã xảy ra như cơm bữa. Cần biết, theo Hãng tư vấn công nghiệp dầu PFC Energy, hiện chỉ khoảng 7% trữ lượng dầu – khí thế giới là nằm ở những nước cho phép các tập đoàn nước ngoài kiểm soát gần như 100%. Trong khi đó, có đến 65% trữ lượng là nằm trong tay công ty nhà nước, chẳng hạn, tập đoàn khổng lồ Saudi Aramco ở Arập Xêút.

Thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, trong đó có công nghiệp khai thác dầu, là chiến lược đối ngoại của Venezuela
Trước khi phát hiện dầu, các nước Trung Đông trong đó có Iraq, Iran, Arập Xêút và Kuwait đều nghèo. Rồi khi bất ngờ nhận biết mình vốn đang ngủ trên đống vàng, họ vẫn chưa có trình độ kỹ thuật lẫn kiến thức để khai thác. Thế là các hãng dầu phương Tây mò đến. Giàn khoan được kéo vào. Những cái bắt tay được siết chặt. Hầu hết hợp đồng khai thác thời điểm đó thường giới hạn thời gian, kèm theo vài yêu cầu đại loại công ty nước ngoài phải bỏ vốn 100%; tự gánh chịu rủi ro trong khai thác, phải nộp thuế cho quốc gia bản địa. Kết quả, dầu Trung Đông bắt đầu nằm trong tay 7 đại gia, gồm Chevron, Exxon, Gulf, Mobil và Texaco (đều của Mỹ); British Petroleum của Anh; và Royal Dutch, Shell của Hà Lan (các hãng trên sau này sáp nhập thành 4 tập đoàn lớn – Shell, Exxon Mobil, Chevron và BP).
Trước năm 1970, có 10 quốc gia áp dụng chính sách quốc hữu hóa công nghiệp dầu: Liên Xô năm 1918; Bolivia 1937 và 1969, Mexico 1938, Iran 1951, Iraq 1961, Miến Điện (nay là Myanmar) và Ai Cập 1962, Argentina 1963, Indonesia 1963 và Peru 1968. Lần hồi, nước bản địa nhận thấy họ đang bị chơi trên cơ, bị “ăn trên đầu trên cổ”, khi nhận thức được rằng, tài nguyên họ đang bị trục lợi. Sự nhận thức này, một phần, đến từ kết quả của phong trào ái quốc và dân tộc chủ nghĩa đang bùng nổ thời điểm đó. Năm 1943, Venezuela bắt đầu tăng thuế bản quyền, lên đến 50% tổng doanh thu của các công ty dầu nước ngoài. Nói cách khác, tỉ lệ ăn chia đã bắt đầu rõ ràng và cụ thể hơn.
Tuy nhiên, các công ty dầu nước ngoài vẫn có thể né được các khoản thuế bằng kỹ thuật gian lận sổ sách, bởi họ vẫn có thể hoàn toàn kiểm soát giá cả lẫn chi phí sản xuất. Nói cách khác, họ có thể kiểm soát đầu vào lẫn đầu ra. Các nước sản xuất dầu không biết rằng, công ty nước ngoài lâu nay đã “làm giá” (thao túng giá dầu) bằng nhiều xảo thuật. Khi mọi chuyện vỡ lở, họ phẫn nộ. Làn sóng quốc hữu hóa bùng phát, đặc biệt khi mà kỹ thuật lẫn công nghệ khai thác không còn là bí mật độc quyền của các công ty nước ngoài. Algeria là một trong những quốc gia đầu tiên ra tay, khi quốc hữu hóa 51% các công ty dầu Pháp làm ăn ở nước mình. “Án lệ” Algeria đã lan nhanh sang Libya, nơi quốc hữu hóa British Petroleum năm 1971 rồi các hãng dầu nước ngoài khác năm 1974.
Cơn địa chấn quốc hữu hóa tạo ảnh hưởng mạnh đến khu vực. Đến năm 1976, gần như mọi quốc gia sản xuất dầu tại Trung Đông, châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh đều áp dụng chính sách quốc hữu hóa công nghiệp dầu, toàn phần hay một phần (tỉ lệ ăn chia được tính lại, với phần nhỉnh hơn nghiêng về quốc gia sở tại). Cấu trúc thị trường dầu bắt đầu thay đổi, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động liên quan công nghiệp dầu, từ vận chuyển, lọc, phân phối đến mua bán sản phẩm phụ chế tạo từ dầu…

Vành đai Orinoco (dài khoảng 595km và rộng chừng 69km), nơi Cơ quan Địa chất Mỹ cho biết có trữ lượng dầu khổng lồ với khoảng 513 tỉ thùng (hơn gần gấp đôi Arập Xêút!)
Chính trị và quốc hữu hóa
Trường hợp Mexico là một trong những điển hình của vấn đề chính trị hóa vàng đen. Năm 1938, sau nhiều năm bị “bóc lột”, Chính phủ Mexico bắt đầu “chơi rắn”, với chính sách “expropiación petrolera” (truất hữu sự kiểm soát dầu mỏ), bằng một tuyên bố gây sốc, rằng từ nay, tất cả mỏ dầu, cơ sở sản xuất – khai thác lẫn công ty dầu nước ngoài đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước Mexico (không chỉ dầu, Tổng thống Lázaro Cárdenas cũng ban lệnh quốc hữu hóa tất cả mỏ khoáng sản).
Sự kiện Tổng thống Cárdenas xuất hiện trên làn sóng phát thanh với tuyên bố quốc hữu hóa công nghiệp dầu đã gây chấn động Mỹ Latinh. Đó là kết quả của sự đấu tranh trong thời gian khá dài giữa các liên đoàn lao động Mexico với giới chủ dầu nước ngoài. Cần biết, khi tuyên bố quốc hữu hóa được loan ra, dân Mexico phấn khích đến mức kéo ùa ra đường cả trăm ngàn người và họ còn tổ chức chương trình quyên góp, từ nữ trang đến thậm chí gia cầm (!) để gây quỹ trả nợ (tiền bồi thường) cho các công ty dầu nước ngoài.
Ngày 7/6/1938, Tổng thống Cárdenas ban bố sắc lệnh thành lập Công ty dầu nhà nước Petróleos Mexicanos (PEMEX). Phản hồi, các công ty dầu Mỹ thực hiện chiến dịch kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mexico đồng thời vận động hành lang yêu cầu Chính phủ Mỹ cấm vận kỹ thuật đối với Mexico. Kết quả, nhiều chính phủ nước ngoài đã đóng cửa thị trường đối với dầu Mexico, hy vọng PEMEX sẽ “bị nhấn chìm trong chính biển dầu” của họ. Từ năm 1938-1938, PEMEX xoay sở bằng cách giao dịch với một số nước châu Âu theo chủ nghĩa phát xít. Trong suốt Thế chiến thứ hai, Anh và Mỹ tiếp tục tìm cách ngăn cản xuất khẩu dầu Mexico ra thị trường quốc tế…

Bộ trưởng Năng lượng - Khoáng sản Venezuela Rafael Ramírez cho biết PDVSA sẽ được đầu tư 220,4 tỉ USD vào trước năm 2015, bất chấp sự ra đi của nhiều tập đoàn dầu mỏ sừng sỏ phương Tây
Đến nay, Mexico vẫn là một trong những quốc gia kiểm soát gần như 100% công nghiệp dầu bản địa. Tư nhân hóa công nghiệp dầu tại nước này vẫn chưa xảy ra và đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu vẫn đầy dẫy thủ tục khó khăn. Hiện nay, PEMEX là một công ty khổng lồ, với tổng vốn khoảng 415 tỉ USD (lớn thứ hai thế giới, xét về các công ty không niêm yết thị trường chứng khoán); và Mexico đã trở thành nước thứ sáu thế giới về sản xuất dầu hỏa; thứ 10 thế giới về xuất khẩu dầu hỏa…
Tương tự người anh em phía bắc, Venezuela ở Nam châu Mỹ cũng nổi tiếng với chính sách quốc hữu hóa công nghiệp dầu. Giữa thập niên 70, các công ty dầu nước ngoài đã bắt đầu bị “siết cổ” bằng chính sách thuế cũng như bằng nhiều hình thức “dã man” không kém, chẳng hạn buộc phải liên doanh với Công ty dầu nhà nước PDVSA (Petróleos de Venezuela; thành lập năm 1976). Tất cả dự án khai thác dầu của công ty nước ngoài tại Venezuela đều là những cục xương xẩu (đòi hỏi chi phí khai thác cao). Giữa thập niên 90, trong tình hình khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, Tổng thống Venezuela Rafael Caldera, vốn chủ trương thân Mỹ, bắt đầu mở cửa rộng hơn cho các công ty dầu nước ngoài.
Hơn nữa, khu vực vành đai Orinoco lại khó khai thác, vượt qua khả năng kỹ thuật của PDVSA. Exxon Mobil và ConocoPhillips là vài trong số tập đoàn dầu phương Tây đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, đến năm 2007, Tổng thống Hugo Chávez tuyên bố quốc hữu hóa Orinoco. 7 trong 11 công ty nước ngoài đang hoạt động tại Orinoco phải chấp nhận “chơi theo luật mới”, trong đó có Chevron của Mỹ, BP của Anh và Total của Pháp. Phần Exxon Mobil, ConocoPhillips, Petro – Canada và Opic của Đài Loan, họ không đồng ý và quyết định rút khỏi nước này. Theo luật, Venezuela phải bồi thường, như nói ở trên.
Trò quốc hữu hóa Orinoco của Venezuela thật ra là một đòn chính trị. Hugo Chávez hất cẳng phương Tây để trống chỗ đưa Trung Quốc vào mới thật sự là “nội dung” chính của lá bài quốc hữu hóa Orinoco. Giữa năm 2010, Venezuela đã đồng ý vay 20 tỉ USD từ Trung Quốc, và Caracas sẽ trả nợ Bắc Kinh bằng hình thức tăng xuất khẩu dầu đến Trung Quốc, từ 200.000 thùng/ngày (năm 2006) lên mức dự kiến 600.000 thùng/ngày. Cùng lúc, PDVSA cũng hợp tác với một công ty nhà nước Trung Quốc (Hắc Long Giang tân lương – lương du tập đoàn) để “phát triển nông nghiệp” tại vành đai Orinoco (PDVSA chiếm 70% vốn).
Cần nói thêm, mậu dịch Venezuela – Trung Quốc đã tăng từ chưa đến 500 triệu USD khi Hugo Chávez đắc cử Tổng thống năm 1999 lên đến 7,15 tỉ USD vào 10 năm sau. Với Venezuela, trong bối cảnh hiện nay, việc “sang tay” một phần công nghiệp dầu từ phương Tây sang Trung Quốc ẩn chứa nhiều nguyên cớ hơn là thuần túy quốc hữu hóa theo đúng ý nghĩa cụm từ này và đúng ý nghĩa của truyền thống quốc hữu hóa trong lịch sử công nghiệp dầu hỏa thế giới…
M.Kim
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số
-
Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn việc sáp nhập, trình Trung ương trước tháng 5
-
Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc
-
Tên gọi dự kiến của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả cháy rừng tại Quảng Ninh