‘Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam’

08:44 | 11/08/2012

1,610 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tối 10/8, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội đã diễn ra Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” nhân kỷ niệm 51 năm thảm họa da cam/dioxin Việt Nam (1961-2012) và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10/8),

Chương trình do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tới dự Chương trình đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức xã hội; đại diện đại sứ quán một số nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng sự có mặt của hàng trăm các gia đình và nạn nhân chất độc da cam/điôxin.

Tiết mục "Nỗi đau này xin hay sẻ chia" mở màn cho chương trình "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam''.

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 lượt phun rải với khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam, trong đó 61% là chất da cam chứa khoảng 366kg dioxin. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3. Phần lớn gia đình nạn nhân chất độc da cam đã và đang sống trong nghèo khổ, bệnh tật.

Thượng tướng Nguyễn Văn Dinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát biểu tại chương trình.

Nói về ý nghĩa của Chương trình "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam", Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam vẫn hiển hiện trong hàng triệu gia đình Việt Nam, trở thành nỗi đau chung của dân tộc và của loài người tiến bộ... Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi dau da cam” mong muốn góp tiếng nói phản ánh hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; tri ân và tiếp tục kết nối những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; hòa cùng phong trào quốc tế “nói không” với vũ khí hóa học, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường và quyền sống của con người. Với hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam hiện sống trong khổ đau, nghèo nàn vì bệnh tật đang rất cần sự tiếp tục sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng xã hội và mỗi người chúng ta.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại chương trình.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gửi tới các nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe, bình an. Phó Chủ tịch nước chia sẻ: "Cuộc chiến tranh ở đất nước chúng ta đã lùi xa, thời gian đã giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, nhiều nỗi đau của sự hi sinh, mất mát đã dần lành lại, song có những nỗi đau không những không thể vơi bớt mà còn bị nhân lên. Đó là “Nỗi đau da cam”. Nỗi đau đó vẫn đang hiện hữu trước mắt chúng ta".

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, trong hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, chế độ để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; hoan nghênh và đánh giá cao sự cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam, các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã nỗ lực, bền bỉ và có nhiều đóng góp cho việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Phần giao lưu với các vị khách mời.

Trong chương trình, khán giả đã gặp gỡ với hai nạn nhân chất độc da cam: bác Đỗ Hồng Cẩm ở Yên Thái - Yên Mô, anh Phan Thành Thương ở Tây Ninh – đại diện cho những nạn nhân da cam đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Cùng giao lưu với GS. TSKH. NGND Phương Lựu – người đã dành toàn bộ số tiền 200 triệu đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh trao tặng nạn nhân chất độc da cam. 

Thầy giáo Phan Thành Thương. 

Cuộc trò chuyện với ông Len Aldis và ông Lee Jong Hyun.

Khán giả cũng được theo dõi cuộc trò chuyện với hai vị khách mời quốc tế. Đó là ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh – Việt, là người có nhiều đóng góp tích cực trong công tác vận động dư luận quốc tế và nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân da cam Việt Nam; và ông Lee Jong Hyun, Giám đốc Đài Truyền hình MBC Nanum, Hàn Quốc (MBC là nhà tài trợ cho chuyến thăm và khám chữa bệnh tại Hàn Quốc của hơn 70 nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tháng 6 vừa qua).

Phần nghệ thuật chương trình "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam/ dioxin" đã mang tới cho khán giả những tác phẩm âm nhạc về chủ đề da cam: "Nỗi đau này xin hãy sẻ chia", "Lời ru", "Chiến tranh của mẹ", "Đứa con màu da cam", "Hành trình da cam" với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2... Đặc biệt, Chương trình có tiết mục độc tấu đàn bầu “Cung đàn đất nước”, sáng tác: Xuân Khải, do nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tùng, nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2 biểu diễn.

Tiết mục '"Chiến tranh của mẹ".

Tiết mục độc tấu đàn bầu "Cung đàn đất nước" do nghệ sỹ Thanh Tùng biểu diễn.

Khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và hậu quả chất độc da cam nói riêng là vấn đề lương tâm, trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, ngành, các tổ chức và của mọi người dân; cần được tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương với phương châm “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”.

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc