Chống lợi ích nhóm - phải bằng sức mạnh tổng hợp!

08:32 | 09/11/2012

1,938 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Petrotimes có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên xoay quanh vấn đề lợi ích nhóm - một chủ đề “nhạy cảm” gây tác động đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước vốn đang được dư luận quan tâm nhất hiện nay.

“Không khó lắm để nhận diện các nhóm lợi ích tiêu cực - đó là những nhóm người giàu lên nhanh chóng hơn rất nhiều so với những người sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Họ có khả năng chi phối, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, của sự yếu kém trong quản lý Nhà nước của cán bộ, từ đó có thể tạo ra “siêu lợi nhuận” cho các thành viên trong nhóm, bất chấp thiệt hại của Nhà nước và của nhân dân. Đó là một hình thức tham nhũng tinh vi hơn và được che đậy kín đáo hơn nên khó phát hiện hơn so với loại tham nhũng thông thường.

Điều mong mỏi nhất của người dân là cần phải loại bỏ được cơ bản “một bộ phận không nhỏ” có lợi cho nhóm lợi ích, nếu làm được điều đó thì mới phá vỡ được cấu trúc vững chắc của nhóm lợi ích, làm cho chúng tự tan rã…” - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Miền Nam - SVEC) nhận định.

Thao túng!

PV: Có thể thấy rằng, lợi ích nhóm vốn không phải là mới mẻ gì ở nước ta vì đã được nói đến nhiều trong mấy năm gần đây. Theo ông, nhóm lợi ích tiêu cực ở Việt Nam hiện nay có đi theo con đường này hay không và chúng đang tồn tại ở những dạng hình thức nào?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Tôi cho rằng, khái niệm “nhóm lợi ích” ở Việt Nam hiện nay là một số ít người có khả năng chi phối, hoặc thao túng, điều khiển cán bộ quản lý, từ đó có những quyết định, chủ trương tạo ra “siêu lợi nhuận” cho các thành viên trong nhóm, bất chấp thiệt hại của Nhà nước và của nhân dân.

Ví dụ như lĩnh vực địa ốc, họ “lobby” để lái chủ trương chính sách theo kịch bản của họ, hoặc “móc ngoặc” để được biết trước thông tin về quy hoạch, họ mua trước với giá rất rẻ những khu đất sẽ có giá trị sau khi quy hoạch, khi công bố quy hoạch, giá đất sẽ tăng lên và khi đến mức cao nhất thì họ bán, kiếm siêu lợi nhuận. Người dân không biết thông tin nên bán rẻ, hoặc bị đền bù giải tỏa với giá thấp nên bị thiệt rất nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên

Các nhóm lợi ích khác cũng kiếm lời bằng cách nắm thông tin trước về chủ trương, chính sách - như trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thì họ hưởng lợi nhờ biết trước thông tin về trần lãi suất, hay quy định về kinh doanh vàng trước khi ban hành…

PV: Theo ông, đâu là những nguyên nhân làm xuất hiện những nhóm lợi ích tiêu cực có thể tác động xấu đến nền kinh tế của đất nước? Chúng ta cần nhận diện nhóm lợi ích tiêu cực nằm ở đâu và ở lĩnh vực nào?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Các nhóm lợi ích muốn hình thành cần phải có hai yếu tố cơ bản. Trước hết là phải liên kết được với một số thành viên trong “một bộ phận không nhỏ” ở tầng cao để nắm thông tin trước, hoặc để “hiến kế” theo kịch bản có lợi cho một nhóm. Đồng thời, nhóm đó phải có năng lực tài chính mạnh để “đánh nhanh, thắng lớn” ngay trong giai đoạn chuẩn bị và bắt đầu ban hành chủ trương, chính sách hay thực hiện quy hoạch.

Không khó lắm để nhận diện các nhóm lợi ích - đó là những nhóm người giàu lên nhanh chóng hơn rất nhiều so với những người sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Nhưng lại không dễ quy tội vì họ “lobby” rất “kín” và ở Việt Nam hiện nay chưa kiểm soát được thu nhập thông qua tài khoản ở ngân hàng, đồng thời luật pháp cũng chưa đòi hỏi phải chứng minh nguồn gốc tài sản nên không đủ chứng cứ để “chỉ mặt - đặt tên” cho từng nhóm.

Hình thức của các nhóm lợi ích rất đa dạng, có thể là cùng ngành nghề, có thể liên kết lâu dài, có thể chỉ hình thành “lâm thời” theo từng cơ hội kiếm lời. Nhóm lợi ích không hình thành bộ máy điều hành, không có nhóm trưởng nhưng gắn kết với nhau rất chặt chẽ bằng lợi ích kiếm được do có đặc quyền. 

PV: Mối quan hệ giữa nhóm lợi ích tiêu cực và nạn tham nhũng cần được hiểu ra sao, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Tôi cho rằng, nhóm lợi ích và tham nhũng có mối quan hệ “hữu cơ” với nhau. Những người có chức, có quyền giữ vai trò cung cấp thông tin cho một nhóm thuộc gia đình và người thân của họ.

Trong kinh tế thị trường ngày nay, thông tin về chủ trương, chính sách là lợi thế hàng đầu để cạnh tranh về giá cả và thắng thầu nên thực chất việc “cung cấp thông tin” là lợi dụng chức quyền để hưởng lợi trên sự thiệt hại của nhân dân và công quỹ - đó là hành vi tham nhũng. Chỉ một số người có chức quyền mới nắm được thông tin về chủ trương, chính sách, đồng thời mới có khả năng “bẻ lái” kế hoạch, quy định, chủ trương của đơn vị mình, ngành mình theo hướng có lợi riêng cho một nhóm - trong đó có quyền lợi của người đó. Thực chất đó là hành vi nhận hối lộ để cung cấp thông tin và chi phối chủ trương, chính sách.

Từ đó có thể nói rằng, nhóm lợi ích là một hình thức tham nhũng tinh vi hơn và được che đậy kín đáo hơn nên khó phát hiện hơn so với loại tham nhũng thông thường theo kiểu biển thủ công quỹ. Thành viên quan chức trong nhóm lợi ích cũng phải có vị trí cao hơn loại tham nhũng thông thường. Nhìn chung, các loại nhóm lợi ích đều hành động theo chiến thuật khá giống nhau là: Hối lộ, “lobby” để nắm thông tin hoặc “lái” chủ trương, chính sách. Trên cơ sở đó, họ “đi tắt”, “đón đầu”, dùng sức mạnh tài chính tiến hành “đánh nhanh thắng lớn”.

Lợi ích nhóm là chuyện cá lớn nuốt cá bé

PV: Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân xử lý được ít vụ việc tham nhũng có liên quan đến lợi ích nhóm là vì “mắc mớ về quyền lực và tiền bạc”, ông có đồng tình với nhận định này?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Như tôi đã nói, về lý thuyết, bản chất của nhóm lợi ích tiêu cực là sự liên kết giữa thế mạnh về tiền bạc với lợi thế về chức quyền. Chỉ “lobby” vào một bộ phận có chức quyền mới có hiệu quả về thông tin.

Do đó muốn xử lý nhóm lợi ích tức là phải đụng đến người có chức quyền đứng đằng sau nó. Nếu một người có chức quyền đến mức nắm được thông tin quan trọng và “lái” được chủ trương chính sách thì họ cũng có “sức mạnh” để ngăn cản hoặc vô hiệu hóa công tác giám sát, thanh tra, điều tra. Vì vậy có thể nói, về mặt lý thuyết, nhóm lợi ích là một cấu trúc được vận hành theo kiểu “Mafia” - tức là đã có sự bắt tay giữa hai yếu tố mạnh nhất là tài chính và quyền lực - trong đó tài chính như mũi giáo (thuẫn) để tấn công, chiếm đoạt, còn quyền lực như chiếc mộc (mâu) để che chắn, chống đỡ, ngăn cản mũi giáo của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích mà họ chiếm đoạt được một cách bất chính. 

PV: Có bao giờ ông bị chi phối bởi những nhóm lợi ích trong những nghiên cứu, nhận định của mình hay không?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Tôi chỉ là một người nghiên cứu bình thường và sống bằng lương hưu, tiếng nói của mình chỉ giới hạn ở một phạm vi nhất định nào đó và “chẳng có gram trọng lượng nào” để nhóm lợi ích để mắt đến. Tôi cũng không dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào để mưu lợi cho mình. Vì thế tôi khẳng định mình không thể bị chi phối bởi bất cứ nhóm lợi ích nào.

Nhóm lợi ích chỉ chi phối vào những ai mà tiếng nói có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho họ, hầu như họ không sợ những tiếng nói của dư luận xã hội - kể cả tiếng nói của các nhà khoa học. Thậm chí, nếu lên diễn đàn họ còn nói về chống tham nhũng và nhóm lợi ích một cách quyết liệt hơn người khác - họ rất tự tin vì đã có những chiếc “mộc” khá vững che chắn. Họ chỉ sợ những người biết rõ họ là ai, đồng thời có đủ chứng cứ và đủ sức mạnh để dám tố cáo họ trước pháp luật và trước nhân dân - ngay cả như thế, họ vẫn có thể có cách thoát ra từ một cửa rất hẹp. 

Không khó lắm để nhận diện các nhóm lợi ích - đó là những nhóm người giàu lên nhanh chóng hơn rất nhiều so với những người sản xuất, kinh doanh hợp pháp

Cần loại bỏ “một bộ phận không nhỏ”

PV: Có thể thấy rằng, chưa bao giờ vấn đề lợi ích nhóm và tội phạm ngân hàng lại nóng như hiện nay! Một vài nhóm lợi ích trong hệ thống ngân hàng có thể thao túng ngân hàng và ảnh hưởng đến cả hệ thống. Để mang lại sự lành mạnh cho tổ chức và hoạt động tín dụng, theo ông, Ngân hàng Nhà nước cần làm gì để chống lại lợi ích nhóm?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Đúng là tình hình tài chính, ngân hàng đang rất phức tạp. Sự phức tạp này sinh ra từ cơ chế quản lý lỏng lẻo. Nhưng đó là sự lỏng lẻo “có lựa chọn” đối với một số nhóm lợi ích. Đó là điều kiện để các nhóm này thao túng và thâu tóm quyền lực tài chính. Về mặt lý thuyết thì giải pháp khá đơn giản - chỉ cần siết chặt luật pháp, kỷ cương… Nhưng trong thực hiện thì lại quá phức tạp vì có quá nhiều các mối liên kết chồng chéo nhau do các nhóm lợi ích tạo ra.

Trước hết là vấn đề người thực thi luật pháp và kỷ cương? Nếu người ấy thiếu năng lực, hay thiếu trách nhiệm, hoặc thiếu quyền hạn thì không đủ khả năng “cầm cương”, các nhóm lợi ích đã liên kết với nhau và không ngăn cản được sự thao túng của các nhóm ấy… Nếu người được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật là kỷ cương, lại là thành viên của “một bộ phận không nhỏ…” thì càng phức tạp hơn: luật lệ sẽ bị vô hiệu hóa hoặc bị “bẻ cong”, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thao túng mạnh hơn.

Hoạt động của ngân hàng hiện đại trong nền kinh tế thị trường là “công nghệ cao” đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, hiện đại vì nó phải kết nối và tương thích với sự vận hành của hệ thống ngân hàng thế giới. Do đó muốn lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng hiện nay không chỉ cần có pháp luật, kỷ cương nghiêm ngặt mà cần có những chuyên gia có trình độ cao và phẩm chất tốt về lĩnh vực này. Điều này lại liên quan đến chính sách cán bộ của Đảng, chính sách đào tạo và sử dụng nhân tài của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu ví tài chính như máu, Ngân hàng Nhà nước như trái tim có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước thì việc giữ cho trái tim khỏe mạnh có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với sức khỏe của nền kinh tế và tội danh thao túng ngân hàng phải được coi là một trong những tội phạm nguy hiểm nhất, cần được trừng trị mạnh tay nhất.

PV: Theo ông, để việc tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả thông qua việc chống lại lợi ích nhóm tiêu cực thì chúng ta cần phải làm gì?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Như tôi đã nói, nhóm lợi ích có cấu trúc “nhị nguyên” - đó là sự kết hợp thế mạnh tài chính với lợi thế chức quyền. Nếu một số người đứng đầu các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và một số cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý của Nhà nước mà cùng nằm trong “một bộ phận không nhỏ…” thì việc tái cấu trúc doanh nghiệp chỉ là tái củng cố sự liên kết của các nhóm lợi ích mà họ là thành viên.

Vì vậy, tái cấu trúc các doanh nghiệp chỉ có hiệu quả kinh tế xã hội cụ thể khi phá vỡ được cấu trúc này bằng cách thực hiện nghiêm ngặt điều lệ Đảng và luật pháp đối với “một bộ phận không nhỏ”, phải coi bộ phận ấy như là một “ổ vi trùng” nếu không có thuốc kháng sinh đủ mạnh để tiêu diệt hay làm suy yếu, hoặc cô lập chúng thì hiệu quả kinh tế xã hội của việc tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ không bền vững - giống như chỉ “cắt cỏ tranh” mà không nhổ tận gốc thì chúng sẽ lại mọc lên lớp cỏ tranh khác... 

PV: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đang tấn công mạnh mẽ vào tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực. Điều gì làm ông mong mỏi nhất trong cuộc chiến chống lợi ích nhóm hiện nay?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Điều mong mỏi nhất không chỉ của riêng tôi mà của tất cả nhân dân là Nghị quyết Trung ương 4 phải loại bỏ được cơ bản “một bộ phận không nhỏ”. Nếu làm được điều đó thì mới phá vỡ được cấu trúc vững chắc của nhóm lợi ích, làm cho chúng tự tan rã. Tuy nhiên, điều mà nhân dân còn băn khoăn và lo lắng là: Tấn công vào tham nhũng và nhóm lợi ích giống như đánh giặc - đừng hy vọng kêu gọi chúng tự hạ vũ khí - mà phải có sức mạnh tổng hợp lớn hơn đối phương - đó chính là sức mạnh đoàn kết và đồng thuận chống tham nhũng của nhân dân, nhưng phải tạo ra được cơ chế cho nhân dân tham gia trực tiếp vào công cuộc chống tham nhũng thì sức mạnh ấy mới được phát huy.

Mặt khác, nếu chúng ta công phá được lợi ích nhóm tiêu cực thì không chỉ cần có sức mạnh tổng hợp mà đòi hỏi phải có chiến lược và chiến thuật giỏi hơn “đối phương”, phải lựa chọn đúng phương châm tác chiến “đánh nhanh thắng nhanh” hay “đánh chắc tiến chắc”. Chúng ta phải nắm chắc tình hình của lợi ích nhóm tiêu cực để biết lựa chọn mục tiêu nào thì “bao vây”, mục tiêu nào phải “công phá”… và phải có lòng dũng cảm, chấp nhận hy sinh nếu cần vì nhân dân, vì đất nước. Đó là lý thuyết, còn thành bại lại tùy thuộc vào tài năng, ý chí của người chỉ huy, lòng dũng cảm và mưu trí của người chiến sĩ đến mức nào.  

Chỉ khi nào chống tham nhũng đạt được những thành công đáng kể thì kinh tế, xã hội sẽ lành mạnh hơn, đời sống nhân dân được cải thiện thì niềm tin mới được phục hồi. Đúng như Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận định: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng và suy thoái có tầm quan trọng đặc biệt vì nó liên quan đến sự tồn vong của một chế độ. 

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trong xã hội vẫn hình thành những nhóm người có chung lợi ích nhưng họ chỉ liên kết với nhau để sản xuất, kinh doanh chân chính, hợp pháp và đóng góp vào lợi ích chung của quốc gia, xã hội thì đó là những nhóm lợi ích tích cực, họ không nằm trong khái niệm “nhóm lợi ích” đang bàn ở câu chuyện này.


 

Thế Vinh (thực hiện)