Chống đôla hóa đã có hiệu quả rõ rệt
Năng lượng Mới số 294
Tỷ lệ đôla trong nền kinh tế đã được giảm mạnh
Với mục tiêu giảm tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ xuống 15% vào năm 2015 và chấm dứt tình trạng đôla hóa trước năm 2020, NHNN đã lên kế hoạch và thi hành nhiều chính sách, biện pháp ngay từ năm 2011. Trong hơn 2 năm qua, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống được cải thiện. Có thời điểm tỷ giá có áp lực tăng nhưng chủ yếu do yếu tố tâm lý và đã nhanh ổn định ngay sau những động thái can thiệp kịp thời của NHNN.
Để mở đường trước khi đưa Pháp lệnh quản lý ngoại hối (ban hành năm 2013) với hàng loạt sửa đổi nhằm quản lý ngoại hối chặt chẽ hơn sẽ có hiệu lực từ 1/1/2014, NHNN đã thi hành một loạt các biện pháp như tăng mạnh dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, giảm mạnh trạng thái ngoại hối của các NHTM (giảm trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dung (TCTD) xuống mức ±20% vốn điều lệ so với yêu cầu trước đó là ±30%), áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp hơn và yêu cầu kết hối ngoại tệ 100% đối với doanh nghiệp Nhà nước; hạn chế ngân hàng cho vay ngoại tệ và đối tượng được vay ngoại tệ; giảm lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ đối với cá nhân và doanh nghiệp; nghiêm cấm các giao dịch, niêm yết giá trong nước bằng vàng, ngoại tệ…
Với chủ trương và các biện pháp quyết liệt như vậy từ NHNN đã khiến cho tính hấp dẫn của ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD giảm xuống. Tín dụng bằng ngoại tệ cũng giảm mạnh, kéo theo hiện tượng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ, cũng giảm đi đáng kể, đồng thời góp phần quan trọng giúp cho vị thế của tiền đồng, niềm tin vào tiền đồng được nâng lên. Ngoài ra, hiện tượng niêm yết bằng đồng USD tại các khách sạn, một số trung tâm mua bán cũng giảm đáng kể. Việc niêm yết, mua bán bằng USD đối với đồ điện tử, ôtô, bất động sản… gần như đã biến mất sau nhiều năm làm đau đầu các nhà quản lý.
Thành công lớn nhất của các biện pháp chống đôla hóa thể hiện rõ khi đến cuối 2013, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán tiếp tục giảm, còn khoảng 12%, dữ trữ ngoại hối tăng gấp hai lần so với cuối năm 2011. Đặc biệt, nhờ đó, tâm lý nắm giữ ngoại tệ được đẩy lùi, thị trường tự do bị thu hẹp. Tình trạng đôla hóa giảm, lòng tin vào đồng Việt Nam được nâng cao.
Về nỗ lực chống tình trạng đôla hóa nền kinh tế của nước ta, mới đây, nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), ông Takehiko Nakao, đã đánh giá cao công cuộc chống đôla hóa nền kinh tế của Việt Nam. Theo ông Takehiko Nakao, nhờ những chính sách hợp lý, đặc biệt là tạo dựng được niềm tin cho người dân, doanh nghiệp nên tỷ giá, thanh khoản của Việt Nam đã được ổn định, dự trữ ngoại hối liên tục tăng.
Tiếp tục duy trì giá trị tiền đồng và ổn định tỷ giá trong thời gian tới
Vào thời điểm cuối năm 2013, khi mà khủng hoảng kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu chấm dứt, bất ổn kinh tế tại các nước trong khu vực gia tăng, đâu đó đã có những ý kiến “khuyên” nên phá giá VND một vài phần trăm, tuy nhiên ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc NHNN khẳng định: “Theo đánh giá của NHNN cung cầu ngoại tệ vẫn cân bằng, tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ là do tâm lý thị trường chịu sự tác động tâm lý từ những đánh giá bên ngoài”.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, thời điểm cuối năm 2013, nhiều Tổ chức tín dụng lớn dư thừa một lượng lớn tiền VND. Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, một mặt các ngân hàng này giảm lãi suất huy động để hạn chế áp lực trả lãi, mặt khác, họ tìm hướng ra trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, thị trường ngoại hối. Do đó, những ý kiến muốn tỷ giá “bớt ổn định” nhằm phục vụ lợi ích kinh doanh ngoại hối (FX) của các ngân hàng là chính chứ không phải xuất phát từ cung cầu ngoại tệ trên thị trường.
Có thể thấy, trong cả năm 2013, tỷ giá chỉ điều chỉnh tăng 1% lên mức 21,036 đồng từ ngày 28/6/2013. Điều này nằm trong cam kết của được đưa ra từ đầu năm là ổn định tỷ giá với biên độ tăng không quá 2-3%. Nó cũng phù hợp với diễn biến cung cầu ngoại tệ, với những chính sách khuyến khích người dân nắm giữ VND, giảm nắm giữ ngoại tệ.
Từ đầu năm 2014, ngày 2/1/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Về chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.
Cũng trong Nghị quyết này, Chính phủ nhấn mạnh vai trò của NHNN trong việc quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng, tiếp tục củng cố kết quả chống vàng hóa, kiên quyết đẩy nhanh chống đôla hóa, có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cũng như hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ.
Ngay sau đó, NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014. Theo đó, mục tiêu trong năm 2014 sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Điều hành tỷ giá và lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt diễn biến lạm phát, bảo đảm giá trị tiền đồng. Đồng thời thực hiện các giải pháp quản lý ngoại hối nhằm quản lý thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá, khắc phục tình trạng đôla hóa nền kinh tế, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp trên trước hết hệ thống các TCTD cần phải “sống khỏe” trước. Do vậy, trong thời gian tới NHNN nên tiếp tục đẩy mạnh quá trình cơ cấu các ngân hàng yếu kém, xử lý dứt điểm nợ xấu, tránh tình trạng nợ xấu bùng phát, gây mất an toàn hệ thống. Có như vậy, các chính sách điều hành tiền tệ nói chung và các giải pháp nhằm giữ vững giá trị tiền đồng, khắc phục tình trạng đôla hóa mới tiếp tục phát huy được hiệu quả.
Theo tiêu chí của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một nền kinh tế được coi là có tình trạng đôla hóa cao khi tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm từ 30% trở lên trong tổng khối tiền tệ mở rộng. Trong khi đó, ở nước ta, giai đoạn 2000-2003, tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ ở mức rất cao chiếm khoảng 28-30% và có lúc cao nhất là gần 32% trong tổng phương tiện thanh toán. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2011, con số này giảm dần về mức 20% và đến tháng 12-2012 còn 12,36%. Năm 2013, tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống còn khoảng 12%. |
Thành Trung
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4