Chống chuyển giá ở doanh nghiệp FDI Việt Nam: Khó, nhưng cũng phải làm

06:22 | 27/05/2012

705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn nạn chuyển giá khó có điểm dừng và con số thất thoát cuối cùng chưa thể xuất hiện một sớm một chiều. Ông Ayumi Konishi, nguyên Giám đốc ADB Việt Nam từng nhận định, bất cứ nền kinh tế tăng trưởng nóng và mới nổi nào cũng khó thoát khỏi thực trạng nhức nhối trên. Vấn đề là tùy thuộc điều kiện, năng lực và sức khỏe mà mỗi quốc gia xử lý chuyển giá đến đâu, ra sao và theo hướng tiếp cận như thế nào mà thôi.

Vấn nạn của nền kinh tế mới nổi

Giải thích một cách đơn giản thì chuyển giá là động tác tăng giá đầu vào và giảm giá đầu ra, từ đó gây ra tình trạng lỗ trên giấy tờ nhưng lãi trên trên thực tế. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trong năm 2011 Cơ quan Thanh tra thuộc đơn vị này truy thu tới gần 2.000 tỉ đồng thuộc diện nghi vấn bị… “làm giá”. Trong năm 2012, Thanh tra Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cam kết tiếp tục mở rộng đối tượng thanh, kiểm tra sang những địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp FDI và liên doanh.

Doanh nghiệp liên doanh đóng góp khá lớn vào GDP

“Nhập dây chuyền sản xuất, nhập nguyên liệu hoặc bán thành phẩm với giá khó tin… những động tác trên đẩy giá thành sản phẩm cuối lên cao vọt (khấu hao thiết bị, phí quản trị tăng, thuế nhập khẩu), nhưng khi xuất bán ngược lại chính quốc, hoặc sang nước thứ ba thì giá thành phẩm lại thấp tới 30-35% so với thực tế.

Và doanh nghiệp báo lỗ, than khó làm ăn ở Việt Nam, trong khi tiền của họ thực sự đã chuyển ngược về khi nhập khẩu trang thiết bị từ chính Tập đoàn mẹ” – Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn trao đổi với Năng lượng Mới: “Bởi thế, nếu có nói chuyển giá là vấn nạn của nền kinh tế thì cũng không sai, cũng bởi giá trị bất hợp pháp nó mang lại cho doanh nghiệp là quá lớn. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ thua lỗ, thậm chí lỗ nặng nếu làm ăn nghiêm túc, theo quy luật của thị trường và quy định của pháp luật. Nhưng nhờ chuyển giá trót lọt qua mặt cơ quan thuế thành công, nó lại đưa năm tài chính của doanh nghiệp đó cập bến an toàn với bản báo cáo sạch tinh tươm”.

Thường thì một thương hiệu nước ngoài muốn vào Việt Nam phải mất 2-3 năm để nghiên cứu thị trường. Nếu thấy khó, họ sẵn sàng thành lập liên doanh, với phần góp về… đất hoặc mặt bằng nhà xưởng (đôi khi là tiền mặt, dù ít – PV) của một doanh nghiệp bản địa. Sau vài mùa làm ăn kiểu phú – quý – giật – lùi, liên doanh thua lỗ bằng đúng phần góp của đối tác Việt. Kết quả là chúng ta bị đánh bật và liên doanh kia ung dung giành quyền kiểm soát công ty, trước khi dùng chính nguồn vốn có được trong thời gian chuyển giá thực hiện tái đầu tư.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, ảnh hưởng lớn nhất mà ai cũng có thể nhận thấy là NSNN bị giảm thiểu đáng kể. Trong năm 2012, ngành thuế cam kết thanh, kiểm tra ít nhất 8.000 doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có biểu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp kinh doanh lỗ… đang được nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận. Thậm chí, một vài chuyên gia kinh tế còn hy vọng rằng, 100% trong số hàng ngàn doanh nghiệp FDI và liên doanh trên sẽ lần lượt bị sờ gáy trước khi phạt nặng nếu chuyển giá. Tuy nhiên trên thực tế, ông Toàn khẳng định mọi việc lại không hề đơn giản như vậy…

Mạnh tay nhưng phải khéo léo

Theo quan điểm của ông Toàn thì: “Hiện tại chúng ta cũng chưa có biện pháp cụ thể nào để ngăn chặn. Chỉ bằng cách các cơ quan hữu quan như Thuế, Hải quan, Kế hoạch Đầu tư địa phương, Công an kinh tế… thường xuyên kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp, để ngỏ cho họ thấy quyết tâm chống chuyển giá lớn từ Chính phủ Việt Nam. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là doanh nghiệp lỗ dài, lỗ nặng nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mạnh. Bởi vậy, vấn đề mấu chốt vẫn là kiểm tra thường xuyên, liên tục, yêu cầu doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính 6 tháng một, hoặc hàng quý nếu cần thiết. Bên cạnh đó, chế tài đủ nghiêm khắc cũng mang đến hiệu quả nhất định cho công tác chống chuyển giá”.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chuyển giá trong doanh nghiệp FDI ngày càng diễn biến khó lường. “Bản chất của chuyển giá bắt nguồn từ những liên minh chồng chéo, đa quốc gia, mở rộng đến nhiều thương hiệu mạnh. Bởi vậy, sẽ rất khó để khống chế nếu các doanh nghiệp chủ động đưa chuyển giá vào tính toán khi đầu tư vào Việt Nam. Họ lý luận Việt Nam là thị trường mới, chấp nhận lỗ một vài năm để thuyết phục người tiêu dùng hoặc khách hàng. Thậm chí, nếu doanh nghiệp FDI “lãi nhẹ” trong một thời gian dài thì đó cũng là một biểu hiện rất đáng ngờ. Ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, Nhà nước còn thất thu thuế giá trị gia tăng trên mỗi đầu sản phẩm”.

Theo một điều tra độc lập, có tính nội bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2011, tình trạng chuyển giá giờ đã lây lan từ khối FDI và liên doanh sang doanh nghiệp nội địa. Giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị rúng động, doanh nghiệp “thèm” tiền, có lẽ nó giống như một thứ dịch bệnh. Cách thức phổ biến nhất là việc chủ doanh nghiệp, bằng cách nào đó, thường thành lập 2, 3 công ty cùng một lúc.

Việc kê khai doanh thu của các đơn vị đều do công ty mẹ điều hành, từ đó họ có thể điều chỉnh doanh thu công ty này thấp xuống hoặc công ty khác được đẩy lên nhằm điều tiết lỗ, lãi giữa các công ty thành viên. Mục đích cuối cùng là doanh nghiệp mẹ cũng trốn được thuế, bổ sung cho lãi “đen”. Vì thế, khi doanh nghiệp nội địa hoạt động minh bạch và có trách nhiệm, các đối tác trong khu vực FDI cũng như liên doanh sẽ nhìn vào đó để chỉnh lại thước đo đạo đức kinh doanh.

Trên thực tế, người đảm trách vai trò này và một Phó tổng giám đốc người Việt luôn nhận được đặc quyền từ đối tác. Ngoài lương cao, thưởng lớn, được tạo điều kiện đi công tác nước ngoài thường xuyên, con cái các quan chức trên còn được hỗ trợ du học, người nhà được tiếp nhận vô điều kiện… đó là những lợi ích trực tiếp. Nếu không vượt qua những cái lợi cục bộ đó, thì chuyển giá luôn có đất để diễn và thoải mái gây hại cho nền kinh tế Việt Nam.

Được biết, Hiệp hội đang phối hợp với Cục Đầu tư Nước ngoài và nhiều đơn vị trong Bộ Kế hoạch & Đầu tư để mở những khóa học thực chất cho các “vị” đại diện phần vốn. “Ngoài kỹ năng quản trị, chuyên môn vững, ngoại ngữ tốt, trách nhiệm cao, người đại diện phần vốn còn phải đủ tự tin và bản lĩnh để buộc đối tác phải dập tắt ý đồ chuyển giá từ trong hồ sơ xin đầu tư vào Việt Nam” – ông Toàn kết luận.

Hữu Tùng