Chợ phiên dành cho dân mê lùng đồ cổ

17:01 | 14/07/2013

4,395 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thứ Bảy hằng tuần, những người yêu thích sưu tập đồ cũ lại tìm đến "Chợ phiên đồ xưa". Những chiếc bát, đĩa sành, cây đèn Thăng Long… đã tạo nên sức hấp dẫn những người đến chợ, đặc biệt là đối với những người có sở thích sưu tầm đồ cổ.

 

Chợ phiên đồ xưa họp vào thứ Bảy hằng tuần, quy tụ những người yêu giá trị xưa cũ

Chơi đồ xưa, đồ cổ là một thú chơi, một nét văn hóa đặc biệt đã tồn tại từ lâu ở Hà Nội, cũng như các thành phố khác. Ngoài sự tinh tế, bắt mắt, nhạy cảm và lòng đam mê, thú chơi đòi hỏi người chơi còn phải có đủ thời gian và tiền bạc để duy trì nó.

Không gian bày trí của phiên chợ đồ xưa rất giản dị với những gian hàng đơn sơ, không cầu kỳ. Trên diện tích khoảng 500 m2 nằm dưới con dốc 456 Hoàng Hoa Thám, có gần 30 gian hàng. Gọi là “gian hàng” cho “oách,” chứ thật ra, mỗi gian chỉ được kê bằng một chiếc bàn nhựa, có gian được “thiết kế” bằng tấm vải bạt trải xuống sân gạch.

Từ cái bát sứt cho đến những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, đồng hồ, amply, loa, kính mắt, các tờ tiền mệnh giá cũ, đèn bầu pha lê Pháp, quạt, tượng cổ… Hầu hết các món đồ ấy đều có “tuổi” từ vài chục đến hàng trăm năm.

Đến với chợ phiên đồ cũ vào ngày thứ Bảy, khách hàng có thể tìm thấy đủ loại mặt hàng, vật dụng đã tồn tại một thời trong lịch sử. Điểm khác biệt giữa những món đồ ở đây chính là giá trị lịch sử và lý lịch riêng của nó.

Khách đến chợ phiên đồ xưa cũng đủ lứa tuổi. Người trung niên thì bồi hồi tìm mua những món đồ mà tuổi thơ từng gắn bó, các bạn thanh niên lại tò mò đến để xem những thứ mà cha ông họ đã từng sử dụng trong quá khứ. Và, trong đó có cả những “thợ” đồ cổ, đồ xưa đến để trao qua đổi lại, giao dịch hàng hóa.

Bác Bùi Quý Tuyên (ở tập thể Thành Công, Hà Nội) hồ hởi với những đồ vật vừa mua được là chiếc gạt tàn thuốc lá của Pháp, chiếc bật lửa và một chiếc đồng hồ SK.

Theo bác Tuyên, một người chơi đồ cũ đã lâu cho biết: “Đến chợ có nhiều những món đồ tìm đỏ mắt bên ngoài không thấy, giá cả lại phải chăng có thể thỏa thuận, trao đổi qua lại giữa người mua và người bán. Vì ở đây điều quan trọng nhất không phải là vấn đề giá mà người ta đến chợ để tìm kiếm những món đồ yêu thích”.

Ông Phạm Văn Tài (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) dắt cả cháu đến chợ để xem và cũng là để cho đứa cháu lên mười biết thêm về vật dụng, mệnh giá tiền mà cha ông ngày xưa đã từng sử dụng. Với ông, những chiếc bát sứt, kính cũ… gợi biết bao kỷ niệm về một thời ngang dọc suốt chiều dài đất nước mà với cuộc sống hiện tại, người ta ít có dịp nhìn thấy nó.

Điều đặc biệt, các món đồ được đem đến bày bán đều là của dân sưu tầm lâu năm, người bán không quan trọng chuyện bán được hay không, mà là được mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phân biệt thật-giả, cũ-mới...

“Chủ chợ" Kiều Quốc Khánh đang lựa những sản phẩm xưa cũ cho riêng mình

Trao đổi với phóng viên, anh Kiều Quốc Khánh – nguyên Chủ nhiệm CLB Thư pháp Hà Nội, người đứng ra tổ chức “Chợ phiên đồ xưa” cho biết: “Dù đã biết nhau từ lâu, nhưng những người có chung sở thích, đam mê đồ xưa cũ như chúng tôi chỉ được giao lưu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với nhau qua diễn đàn trên mạng Internet. Chính trong thế giới ảo bao la ấy, việc người bị lừa mua những món đồ cũ không phải là ít, khi mà họ không thể “mục sở thị” hàng hóa".

Từ ý tưởng tạo nơi giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chơi đồ cũ, anh Khánh đã quyết định đứng ra tổ chức “Chợ phiên đồ xưa” lần đầu tiên vào ngày 8/6/2013 với hình thức 2 tuần/lần vào ngày thứ Bảy. Thế nhưng ngay khi chợ được mở, khách đã kéo đến rất đông khiến anh Khánh phải “tăng phiên” và họp vào thứ Bảy hằng tuần.

Ngay từ khi khai trương, chợ của anh Khánh đã nhận được rất nhiều đăng ký tham gia của giới bán đồ xưa cũ trên mạng. Điều lạ là, ông chủ của chợ phiên đồ xưa không hề thu phí cả người mua lẫn người bán. Tất cả đều “vào cửa tự do”, chỉ thu tiền… trà đá hoặc cafe nếu khách có nhu cầu.

Anh Quang Huy bên gian hàng tại “chợ phiên đồ xưa”

Anh Quang Huy (phố Hoàng Minh Giám, Trung Hòa, Cầu Giấy), một trong những người bán hàng tại chợ phiên đồ xưa từ những ngày đầu cho hay, đa phần người bán chỉ mang đến chợ một phần nhỏ trong kho đồ mình đang sở hữu.

Tại gian hàng của anh, đồ có giá trị là chiếc quạt Marelli (của Ý, sản xuất từ những năm 1920-1930) có giá vài triệu đồng hoặc chiếc đèn bầu pha lê giá 10 triệu đồng… Đến với “chợ phiên đồ xưa” ngoài việc bán hàng, họ còn gặp gỡ, làm quen và trao đổi kinh nghiệm, mua hàng của nhau để về chơi hoặc bán lại cho khách.

Bác Trường Khánh (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, chợ quy tụ nhiều thành viên trên các diễn đàn chơi đồ cổ, đồ cũ. Trong đó, có rất nhiều người tìm mua đồ cũ ở trên mạng cũng tìm đến chợ để được sờ, ngắm tận mắt món đồ trước khi quyết định mua.

Là người chơi đồ cũ lâu năm, bác Khánh cũng mang đồ ở nhà ra bày bán và mua khá nhiều sản phẩm khác để làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình. “Tôi mong muốn chợ này sẽ thành một nét văn hóa riêng, là sân chơi mới của cộng đồng chơi đồ xưa cũ trên mạng, là nơi để thỏa lòng đam mê của dân chơi đồ cũ” - bác Khánh cho biết.

Quầy hàng bán tiền cũ thu hút rất nhiều người đến mua

Điều đặc biệt, theo anh Kiều Quốc Khánh, mỗi phiên chợ có một chủ đề văn hóa khác nhau như phiên đầu với chủ đề “hoan hỉ”, không phải bắt buộc mọi người đến, quá nhiệt liệt chào mừng mọi người, mà chủ yếu mọi người đến đây là cùng vui. Các phiên tiếp theo với nội dung là “Chân - Thiện - Mỹ” đấy là định hướng mà con người ta vươn tới.

Hay ngay chủ đề của phiên vừa rồi là “Thiên ngoại phi thiên” tức là ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác. Mọi người nên hiểu việc sưu tầm thú chơi văn hóa này không phải cái gì của tôi cũng là nhất, là đỉnh, phải biết rằng mọi người trong xã hội có những người có những cái cao hơn mình, những đồ tốt hơn mình và như thế càng thúc đẩy mọi người sưu tầm hơn.

Những món đồ có giá tới cả chục triệu đồng.

Bên cạnh đó, ở mỗi phiên, “chủ chợ” Kiều Quốc Khánh đều tổ chức một buổi đấu giá làm từ thiện. Sản phẩm đấu giá là những món đồ xưa cũ được các chủ cửa hàng trao tặng hoặc chính là món đồ của “chủ chợ” đã dày công sưu tầm. Đến hết phiên chợ thứ năm, số tiền thu được từ các phiên đấu giá đã lên tới gần 20 triệu đồng, được anh Khánh cùng bạn bè đi làm từ thiện cho bệnh nhân nhi bị bỏng.

Chia sẻ về ý tưởng phát triển chợ, anh Khánh cho hay bên cạnh việc duy trì chợ đều đặn, anh còn liên hệ với một số người am hiểu về đồ cổ, để họ có thể góp mặt ở chợ với tư cách chuyên gia, thẩm định, giúp khách hàng có kiến thức về mặt lý thuyết lịch sử, văn hóa, địa lý… giá trị của món đồ.

Không khí họp chợ thân thiện, không gian thoáng mát rất phù hợp với những người có niềm đam mê với đồ cũ. Sau vài phiên chợ, có những người mê đồ xưa cũ tận Hải Phòng, Nam Định… cũng tìm đến khiến anh Khánh càng thêm quyết tâm càng xây dựng chợ phiên ngày càng phát triển.

"Chợ phiên đồ xưa" hứa hẹn sẽ trở thành địa điểm quen thuộc để những người yêu thích đồ cổ đến giao lưu, mua bán, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Hy vọng, chợ phiên này sẽ được mở rộng và duy trì thường xuyên, nhằm gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.

Nguyễn Hoan