Chi quá nhiều cho việc xây đập, Lào nợ Trung Quốc ngày càng nhiều

09:43 | 02/06/2020

210 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Covid-19 đã làm Lào điêu đứng trong việc bán trái phiếu đô la, gây thêm áp lực cho quốc gia chi tiêu quá nhiều vào việc xây đập và đang phải xoay sở để trả nợ, đặc biệt là khoản nợ với Trung Quốc.
Chi quá nhiều cho việc xây đập, Lào nợ Trung Quốc ngày càng nhiều
Công nhân thi công trên tuyến đường sắt Côn Minh - Viêng Chăn phía Tây Nam của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Các nguồn tin thân cận với hệ thống ngân hàng tại Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á, cho biết Chính phủ đã và đang áp dụng thái độ "kiên nhẫn chờ đợi " trước khi tiến hành bán trái phiếu. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nước này vẫn phải xác nhận liệu việc bán trái phiếu có được thực hiện trong năm nay hay không.

Việc nước này chuyển hướng sang thị trường quốc tế đã được dự báo từ trước vào tháng 1, sau khi Lào nhận được xếp hạng B3 đầu tiên từ cơ quan xếp hạng tín dụng Moody. Sự kiện này diễn ra sau 4 năm tính từ thời điểm Lào bán được 182 triệu trái phiếu đô la theo 2 đợt cho các nhà đầu tư, tổ chức ở Thái Lan. Lào cũng đã phát hành trái phiếu Chính phủ bằng đồng baht Thái nhằm mục đích lấp đầy kho bạc của mình.

Thế nhưng, Fitch Ratings đã phơi bày quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính đang ẩn hiện ở đất nước này. Trong một báo cáo hồi giữa tháng Năm, cơ quan xếp hạng tín dụng này đã hạ thấp triển vọng về nợ quốc gia của Lào từ mức ổn định xuống còn tiêu cực.

Báo cáo nêu rõ "Negative Outlook đã phản ánh tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế và thị trường tài chính, làm tồi tệ thêm những rủi ro tài chính bên ngoài Lào, liên quan đến kỳ hạn trả nợ nước ngoài sắp tới và mức dự trữ ngoại hối thấp".

900 triệu USD khoản nợ nước ngoài của Lào sẽ đáo hạn trong năm nay, bao gồm 500 triệu USD trên thị trường trái phiếu Thái Lan. Và từ năm 2021 đến 2023, Lào sẽ phải đối mặt với việc trả lãi nợ 1 tỷ USD mỗi năm.

Với mức dự trữ ngoại hối ước tính khoảng 1 tỷ USD tính đến cuối tháng 3, việc huy động ngân sách để trả nợ của Lào là rất hạn chế. Fitch dự báo rằng chính phủ nước này sẽ tìm kiếm khoản vay từ các ngân hàng thương mại để chi trả cho các khoản thanh toán bên ngoài của mình.

Theo Ngân hàng Thế giới, mức dự trữ ngoại hối dự kiến ​​sẽ giảm vào năm 2020. Trong bản đánh giá kinh tế Lào hồi giữa tháng 5, ngân hàng cho biết, đại dịch sẽ làm tăng tỷ lệ thâm hụt tài khóa của quốc gia này trong năm 2020 lên mức 7,5 đến 8,8% tổng sản phẩm quốc nội, so với 5,1% năm 2019. Do đó, mức nợ dự kiến ​​cũng sẽ tăng lên khoảng 65 đến 68% trong GDP năm 2020, so với 59% trong năm ngoái.

Ngân hàng đầu tư Societe Generale của Pháp cho rằng, 80% số nợ của năm 2019 bị chi phối bởi ngoại tệ và bị bên ngoài nắm giữ. Gần một nửa số nợ công bị nắm giữ bởi Trung Quốc.

Khoản nợ mà Lào phải gánh chịu xuất phát một phần từ hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Cũng theo Societe Generale, tỷ lệ nợ công ngày càng tăng của Lào cho thấy nước này đang nằm trong tầm ngắm của “người hàng xóm khổng lồ phía Bắc” đến mức nào. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư và cho vay nước ngoài hàng đầu của Lào.

Dấu ấn kinh tế của Trung Quốc tại Lào được định hình bởi các dự án tỷ USD, bao gồm tuyến tàu cao tốc trị giá 6 tỷ USD, tập hợp các đập thủy điện lớn, đường cao tốc và nhiều đặc khu kinh tế. Cổ phần của Lào trong dự án đường sắt Côn Minh - Viêng Chăn chiếm 30% và Lào phải trả phần đầu tiên của thỏa thuận tài chính 250 triệu USD trong năm nay thông qua khoản vay lãi suất thấp từ Trung Quốc.

Lào đã đạt được các thỏa thuận tương tự để xây dựng các dự án thủy điện lớn nhỏ nhằm khai thác nguồn nước dồi dào, bao gồm các nhánh sông nhỏ của sông Mê Kông, hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Ước tính 400 dự án thủy điện đã hoàn thành hoặc đang được xây dựng hoặc được lên kế hoạch trong bối cảnh Lào tìm cách trở thành "cục pin của Đông Nam Á" bằng cách bán điện cho các nước láng giềng. Điều này tuy nhiên lại đang khiến quốc gia gần như nghèo nhất khu vực này nhanh chóng chìm vào nợ nần.

Các dự án có thể ẩn chứa rủi ro, điển hình là sự sụp đổ của con đập phụ gần khu thủy điện Xi Pian-Xe Namnoy vào năm 2018. Khu liên hợp này là một dự án liên doanh giữa Lào và 2 công ty Hàn Quốc, với 30% vốn sở hữu của Lào. Tỷ lệ 30-70 hoặc 25-75 là một khuôn mẫu thường được áp dụng trong việc xây dựng đập và phần lớn được bảo đảm thông qua các khoản vay.

Premrudee Daoroung, điều phối viên của Laos Dams Investment Monitor cho rằng, ngay cả trong trường hợp này, chính phủ Lào đã phải vay một khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc để đáp ứng được phần vốn của mình. “Lào vốn đã phải mang nợ ngay từ khi bắt đầu dự án.”

David J.H. Blake, một học giả người Anh chuyên về quản trị tài nguyên nước và sinh thái chính trị ở khu vực sông Mê Kông cảnh báo rằng chính những thỏa thuận như vậy đã đẩy Lào đến bờ vực vỡ nợ. Lào đã theo đuổi việc xây đập trong một thập kỷ qua và thực tế đang dần hiện rõ khi các dự luật trở nên đáo hạn. Các chủ nợ như Trung Quốc có thể phải thu hồi các khoản nợ của mình bằng cách yêu cầu kiểm soát các tài sản của Lào.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc