“Chi phí họp Quốc hội không đến 1 tỉ đồng/ngày!”

20:20 | 29/11/2013

1,917 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong cuộc họp báo kết thúc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII trước phát biểu của một ĐBQH trên Hội trường tại kỳ họp.

>> Chống lãng phí ngay trong Quốc hội

Theo lý giải của ông Phúc, Hội trường họp Quốc hội (QH) là do Bộ Quốc phòng hỗ trợ. Công tác bảo vệ kỳ họp do lực lượng công an đảm nhận, trong khi chi phí thực tế của kỳ họp chỉ là chi phí tiền ăn hàng ngày và tiền ở khách sạn cho các ĐBQH theo tiêu chuẩn. “Ngoài ra, không có khoản nào khác”, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định. “Nói một ngày họp hết 1 tỷ đồng là không có cơ sở! Còn về con số chính xác thì vì chưa có quyết toán nên chưa nói cụ thể được, mỗi kỳ khác nhau”.

Trước đó, ngày 4/11, phát biểu tại phiên họp QH về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sáng, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đã “phê bình” các kỳ họp QH còn kéo dài, gây lãng phí thời gian và ngân sách. Đại biểu Tuấn cho rằng dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí chưa đề cập được trách nhiệm của QH về vấn đề này.

Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII

Về nguyên tắc lựa chọn các Bộ trưởng và Trưởng ngành cho phiên chất vấn, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã nhắc lại quy trình lựa chọn. Theo đó, chọn Bộ trưởng nào trả lời thì phải trên cơ sở có nhiều câu hỏi của các ĐBQH. Sau đó phân lọc từ cao xuống thấp (có Bộ trưởng không có câu hỏi nào cả như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử), chọn lọc những vấn đề cử tri đang bức xúc, và ưu tiên Bộ trưởng nào chưa trả lời. Sau đó một danh sách gồm 5 người được gửi đến các vị ĐBQH để gút lại 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn.

Chủ trì buổi họp báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đứng trước đòi hỏi của cuộc sống và yêu cầu phát triển đất nước, các ĐBQH đã tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc những mặt tích cực và những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện từng mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội; xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, kết quả công tác điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp để từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2014 và những năm tiếp theo, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh, cải cách tư pháp, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách khó khăn, Quốc hội đã quyết định giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết và kém hiệu quả; bố trí vốn bảo đảm tỷ lệ chi cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết; chấp nhận tăng bội chi ngân sách, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, có nhiều giải pháp quyết liệt để cân đối thu-chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi và tạo đà tăng trưởng cho những năm sau, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cùng với việc thông qua Hiến pháp, tại kỳ họp này Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Việc ban hành các đạo luật, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Lê Tùng