Chạy đua vào trường điểm: Cái giá quá đắt!

17:14 | 23/05/2012

2,627 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng Bảy mới là thời điểm chính thức các trường đầu cấp nhận hồ sơ tuyển sinh, nhưng hiện nay tại Hà Nội cuộc chạy đua vào lớp 1 đã “nóng” tới đỉnh điểm. Để đạt được tấm phiếu vào trường top đầu, các phụ huynh sẵn sàng mạnh tay rút hầu bao và tận dụng đủ kiểu quan hệ.

“Vé qua cửa” không tính bằng tiền Việt

Dù là các trường gắn mác “made in Việt Nam” nhưng giá chạy vào các trường, theo thông tin “vỉa hè” phần lớn được tính bằng USD với con số 1-2 thậm chí 4-5 nghìn, tùy vào mức độ “hot” của trường. Đây là số tiền khá lớn, có thể bằng cả một năm lương đi làm của nhiều phụ huynh nhưng họ vẫn rút hầu bao, thậm chí đi vay để cho con “bằng bạn bằng bè”. Và với họ, muốn cho con vào học trường tốt thì việc bố mẹ “đi thi” trước là điều tất nhiên.

Học sinh lớp 1 trong buổi lễ khai giảng năm học mới

Với đồng lương công chức, tính nhẩm suất học lớp 1 của cậu con trai chị Hoa (ở Đông Anh) vào Trường tiểu học D.V một trường điểm ở quận Cầu Giấy chiếm trọn gần 1 năm lương của chị. Mặc dù “xót của” nhưng khi nói đến việc này chị Hoa coi đó như một “thành tích” lớn mà chị may mắn lắm mới đạt được. Mức lệ phí vào cổng Trường D.V của con chị Hoa là 1.500USD (tương đương 30 triệu đồng). “Chị bạn “xin” được một suất ngoại giao trong trường nhường lại cho tôi nên mới có giá đó. Bây giờ cái gì chả mất tiền, có nhiều người muốn mất tiền có khi cũng không được”, chị Hoa hí hửng khoe. Ứng vào hoàn cảnh của chị D (ở Kim Mã, Hà Nội), một phụ huynh đang chạy đôn chạy đáo lo cho cô con gái một suất vào Trường tiểu học Thực nghiệm L.G (quận Ba Đình, Hà Nội) thì những gì chị Hoa tự hào hoàn toàn xứng đáng. Chị D cho biết, cách đây 3 năm, khi đứa con gái lớn nhà chị trượt suất học vào trường này chị nuôi quyết tâm lo bằng được cho cô con gái thứ 2. Thế nhưng đúng thời điểm chị phải đi “đặt cọc” (cách đây nửa năm – PV) thì người nhận chỗ cho con chị lại nghỉ hưu và đến nay chị vẫn chưa tìm được chỗ nhờ cậy mới.

“Dù rất nhiều việc phải tiêu nhưng vợ chồng tôi không dám động đến số tiền 3.000USD đã chuẩn bị để lo cho con vào học. Đấy là cái giá đặt cọc trước một năm, còn bây giờ chúng tôi xác định có thể cao hơn nhưng cái khó là vẫn chưa tìm được người chỉ đường dẫn lối. Tôi sợ mình lại lỡ một cơ hội nữa”, chị D thở dài. Có lẽ những gì chị D đang lo lắng là có cơ sở bởi lẽ khi vào vai một phụ huynh tìm trường cho con học lớp 1, tôi gọi điện đến số máy của một “bà mối” chuyên nghiệp trong lĩnh vực này tên Bích với số 0988… thì cũng nhận được một câu trả lời: “Em liên lạc muộn quá nên có lẽ chị không giúp được”. Đúng là, muốn tiêu tiền cũng không dễ chút nào.

Cẩn thận “tiền mất, thất học”

Đó là lời khuyên, là sự đúc rút kinh nghiệm của một số một số phụ huynh “cố sống cố chết” lo cho con chỗ ngồi trong trường điểm để rồi nhận được kết quả không như ý muốn.

Mất tiền nhưng con suýt “thất học” là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh (Định Công, quận Phương Mai) ở mùa tuyển sinh đầu cấp năm ngoái. Chị Thanh cho biết, theo đúng tuyến thì con chị học Trường tiểu học Định Công nhưng vì không muốn con học trường làng và thuận việc đưa đón con nên ngay từ khi ra tết (cuối tháng 2 năm ngoái – PV) chị sẵn sàng chi 1.200USD (tương đương gần 25 triệu đồng) để lo cho con một suất học trái tuyến vào Trường Đ.T.C (quận Thanh Xuân). Điều đáng nói là “tiền đã trao” nhưng “cháo không múc được”, thậm chí con chị lại suýt mất cả suất học trường làng. “Đúng ngày các trường bắt đầu nộp hồ sơ thì tôi nhận được điện thoại của bà “cò” thông báo suất của cháu không được, hẹn gặp để trả lại 70% phí đưa trước. Lúc đó tôi rất bối rối, xót của 1 thì thương con 10. Rất may trường làng năm đó không quá tải và còn hạn nộp hồ sơ nếu không thì con tôi thất học ít nhất 1 năm rồi”, chị Thanh kể lại.

Cũng theo chị Thanh, một năm qua, việc học của cậu con trai ở trường rất tốt, việc học và mọi hoạt động sinh hoạt khác đều phát triển bình thường. “Đôi khi bố mẹ toàn chuốc thêm phiền phức, áp lực cho bản thân và con cái một cách không cần thiết”, chị Thanh tự rút ra kinh nghiệm. May mắn hơn chị Thanh, chị Đặng Thị Nguyệt ở phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân khá suôn sẻ trong cuộc đua cho con vào một trường điểm ở quận Đống Đa. Nhưng đến bây giờ chị lại tỏ ra hối hận vì đặt con ngồi nhầm chỗ. “Có thể phương pháp giảng dạy của giáo viên trong trường quá cao so với khả năng tiếp thu nên cháu thường tỏ ra mệt mỏi, chán nản sau mỗi buổi học. Tôi không trách gì cô giáo cả vì đó là trường điểm, chỉ trách mình cứ ép con theo ý mình rồi làm khổ con”, chị Nguyệt nói.

Nên chọn lại trường?

Chia sẻ với tâm trạng của các phụ huynh, PGS Văn Như Cương cho rằng, việc các bậc làm cha mẹ, nhất là những người có khả năng muốn chọn cho con một ngôi trường tốt để học là một tâm lý đúng đắn, không có gì phải lên án. Tuy nhiên, điều đáng phê phán là đa số phụ huynh vẫn nặng tư tưởng học để đi thi nên nó đã trở thành sức ép khá nặng cho học sinh ngay ở cấp tiểu học. Trong khi đó, điều quan trọng nhất ở cấp mầm non và tiểu học là học sinh phải có tuổi thơ của mình. “Việc một số phụ huynh “bạc mặt” chạy cho con vào trường điểm để ép con thành nhân tài một cách quá đáng sẽ khiến đứa trẻ phát triển què quặt, ngu muội”, PGS Văn Như Cương gay gắt lên án.

Phụ huynh chen lấn trước cổng Trường Tiểu học Thực nghiệm để mua hồ sơ

Cũng từng là phụ huynh học sinh, bà Trần Tuyết Lan, giáo viên Trường Thực nghiệm Hà Nội cho rằng, các bậc phụ huynh tham gia cuộc đua này vừa đáng thương, lại vừa đáng trách nhưng đáng trách hơn cả là chính sách giáo dục của ta vẫn chưa được hài hòa đúng mực. “Phải làm thế nào để tất cả các trường đều là cơ hội tốt của trẻ, có thế phụ huynh mới bớt khổ”, bà Lan đặt câu hỏi với những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục.

Bà Trương Thị Cẩm Tú, Phó hiệu trưởng Trường Thực nghiệm cũng có quan điểm gần giống với PGS Văn Như Cương khi cho rằng, mỗi đứa trẻ đều phải được hưởng tuổi thơ của mình. Muốn trẻ có sự phát triển toàn diện về nhận thức, tri thức thì cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và gia đình. Chuyện chạy trường cho con học đầu cấp sẽ gây áp lực cho nhà trường và cho cả những đứa trẻ cùng gia đình. “Làm phụ huynh mỗi người ai cũng phải có suy nghĩ về đứa con của mình ngay từ ngày đầu đến lớp. Tuy nhiên theo tôi, các phụ huynh nên bình tĩnh vì trường nào cũng có cái tốt, trường nào cũng có thể tạo môi trường tốt cho con trẻ nếu mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh được phối hợp nhịp nhàng”, bà Tú nhắn nhủ tới các phụ huynh.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, bên cạnh việc các bậc phụ huynh thay đổi tư duy trong việc chọn trường, chọn lớp cho con thì những người đầu ngành giáo dục cần nghiêm túc hơn trọng việc đưa ra những quy chế, chế tài, quản lý công tác tuyển sinh đầu cấp. Bởi lẽ, hiện nay hầu hết các trường đều không công bố công khai tỉ lệ học sinh tuyển đúng tuyến, trái tuyến cũng như số suất ngoại giao các trường được sử dụng. Đó chính là cơ sở cho các tiêu cực xuất hiện.

Thanh Huyền

Năng lượng Mới số 122, ra thứ Ba ngày 22/5/2012