Châu Mỹ Latinh - thị trường đầy triển vọng

07:00 | 22/06/2013

1,918 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong thời gian qua, quan hệ thương mại của Việt Nam và các quốc gia khu vực châu Mỹ Latinh luôn ở mức tăng trưởng cao và tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Vì vậy, tập trung khai thác thế mạnh của mỗi bên được cho là bước đi cơ bản nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại.

Cơ hội và tiềm năng hợp tác còn rất lớn

Theo báo cáo mới đây tại hội thảo “Thị trường châu Mỹ Latinh  - cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương tổ chức ngày 30-5 vừa qua tại Hà Nội, nước ta hiện có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ Latinh. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực này nếu như năm 2000 đạt 245 triệu USD thì năm 2012 đã tăng lên trên 5,5 tỉ USD, chiếm gần 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt khoảng 2,68 tỉ USD, nhập khẩu đạt khoảng 2,82 tỉ USD. Xét ở bình diện toàn khu vực, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh tương đối cân bằng.

Đại diện Bộ Công Thương đánh giá cao tiềm năng và cơ hội các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ta có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Mỹ Latinh khi mà các nước này đã và đang có chính sách kinh tế đối ngoại hướng về châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh hiện nay đang tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng như giày dép, nông thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, thiết bị điện tử và đồ gỗ với các thị trường chính như Mexico, Brazil, Cuba, Panama, Chile, Peru... Một số mặt hàng khác như điện, điện tử, động cơ điện, thiết bị máy móc đã bắt đầu xâm nhập thị trường này và được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ có nhiều triển vọng xuất khẩu.

Hiện ngoài việc hợp tác trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu truyền thống, Việt Nam đang tăng cường hợp tác, trao đổi các hoạt động hợp tác đầu tư chuyên sâu, trong đó có hoạt động thăm dò, khai thác Dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trong với trung tâm là Venezuela.

Theo đánh giá của Phó đại sứ Mexico tại Việt Nam - Fernando Gonzalez Saiffe, các nước châu Mỹ Latinh đang đứng trước nhiều cơ hội hợp tác thương mại. Phó đại sứ tin tưởng: kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong 10 năm qua đã tăng 24 lần và sẽ còn tiếp tục phát triển. Với những nỗ lực giữa hai bên và việc ký kết hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hai nước sẽ trở thành đối tác hợp tác kinh tế toàn diện, quan hệ thương mại song phương sẽ còn phát triển hơn nữa.

Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Chile đã hoàn tất đàm phán, trong thời gian tới sẽ có hiệu lực. Khi đó, hầu hết mặt hàng hai bên có thế mạnh sẽ được ưu đãi về thuế 0-5%. Ngoài ra, các hiệp định khung về thương mại đầu tư như Ecuador, Panama… cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo đánh giá từ phía Việt Nam lẫn các quốc gia Mỹ Latinh, dự kiến kim ngạch 2 chiều Mỹ Latinh - Việt Nam có nhiều triển vọng, đạt 5 đến 7 tỉ USD vào năm 2015 và hàng chục tỉ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường châu Mỹ Latinh là thị trường rất mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam và để đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này còn cả một lộ trình mà các cấp quản lý và doanh nghiệp cùng phải nỗ lực.

Nhiều thách thức cần phải vượt qua

Theo báo cáo, hiện đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn trong việc tiếp xúc với thị trường xuất khẩu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, chính trong quá trình thực hiện, những doanh nghiệp này đã phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là thiếu thông tin về thị trường, thông tin đối tác, các loại thủ tục và rào cản ngôn ngữ. Cho nên, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các cấp quản lý.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Hoàng Oanh, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện Cục đang có hai trung tâm đó là Trung tâm Xúc tiến thương mại và Trung tâm Hỗ trợ đầu tư. Hằng ngày hai trung tâm này nhận được rất nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp nhờ hỗ trợ thủ tục, thông tin chuyên ngành. Hiện Cục đang phối hợp với Cục Thị trường ngoài nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu thông tin tại các thị trường nước ngoài.

Một góc thủ đô Caracas của Venezuela

Còn theo ông Trần Duy Đông, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, thời gian qua Bộ đã xây dựng nhiều chương trình và hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp như cử đoàn công tác các doanh nghiệp Việt Nam tham quan thị trường Mỹ Latinh, xây dựng website bằng tiếng Tây Ban Nha để cung cấp thông tin về thị trường Việt Nam cho các nước Mỹ Latinh, đồng thời biên soạn nhiều ấn phẩm thông tin về thị trường Mỹ Latinh, các thỏa thuận, hiệp định đã ký để các doanh nghiệp Việt Nam hiểu hơn về thị trường này. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nước ta tham gia các hội chợ chính tại Mỹ Latinh.

Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường này như khoảng cách địa lý xa dẫn đến chi phí vận tải cao, phương thức thanh toán chủ yếu là trả chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hơn nữa, các nước khu vực này chủ yếu sử dụng ngôn ngữ tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha khiến thông tin doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận còn hạn chế khi tiếp cận đối tác và xử lý thông tin. Mặt khác, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang còn chịu cạnh tranh gay gắt với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khu vực. Các cơ quan tham tán thương mại của nước ta chưa bố trí đầy đủ tại các nước trong khu vực vì vậy các thông tin, hỗ trợ chưa thật sự thường xuyên, đầy đủ.

Ngoài ra, xu thế bảo hộ gia tăng tại một số thị trường chính như: Mexico, Brazil, Argentina… cũng là rào cản không nhỏ khi các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng hóa tiếp cận thị trường. Hàng hóa Việt Nam đang còn bị một số thị trường áp đặt và phân biệt đối xử trong các vụ kiện bán phá giá như thủy sản, nông sản… Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp vận động, đấu tranh bảo vệ uy tín hàng hóa của nước ta còn chưa diễn ra mạnh mẽ.

Tuy còn gặp một số khó khăn khi tiếp cận thị trường nhưng có thể nói, khu vực Mỹ Latinh là thị trường còn nhiều cơ hội và khoảng trống cho hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ, chế tạo, hàng tiêu dùng của Việt Nam, nơi mà các yêu cầu về chất lượng chưa đòi hỏi quá cao và khó tính như một số thị trường khác. Các chuyên gia cho rằng, với những nỗ lực từ phía các cấp quản lý và của cả doanh nghiệp, sắp tới hàng hóa của Việt Nam sẽ xuất khẩu vào thị trường châu Mỹ Latinh mạnh hơn cả về số lượng và chất lượng.

Thành Trung